'Đông hồ' sống lại trên sân khấu ballet

Đêm 22/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở ballet mang tên 'Đông Hồ' đã được trình làng đầy xuất sắc và thành công. Vở diễn mang vẻ đẹp hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đã đem tới những 'bức tranh Đông Hồ' rất lạ mà rất quen, tỏa sáng trên sân khấu. (CLO) Đêm 22/3, tại Nhà hát lớn Hà Nội, vở ballet mang tên 'Đông Hồ' đã được trình làng đầy xuất sắc và thành công. Vở diễn mang vẻ đẹp hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại đã đem tới những 'bức tranh Đông Hồ' rất lạ mà rất quen, tỏa sáng trên sân khấu.

Vở ballet lấy cảm hứng từ một dòng tranh dân gian lâu đời đất Việt - “Đông Hồ” được sản xuất và trình diễn bởi biên đạo múa người Anh gốc Việt - Nguyễn Ngọc Anh và ê kíp nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB). “Đông Hồ” được công diễn vào hai đêm 22 và 23/3 tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội đã đem tới những cảm xúc thăng hoa tới những khán giả yêu mến nghệ thuật.

 Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các diễn viên múa giao lưu với khán giả sau buổi diễn đêm 22/3.

Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cùng các diễn viên múa giao lưu với khán giả sau buổi diễn đêm 22/3.

Biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh sau khi nhìn lại buổi diễn đầu tiên thành công mãn nhãn của mình cho biết: “Trải qua hơn hai năm rưỡi năm dịch bệnh, mọi người, mọi sự việc đều đường như chững lại thì sự trở lại lần này của chúng tôi, với tác phẩm này mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là: dù có chuyện gì xảy ra thì cuộc sống đều phải tiếp diễn và có thể tiếp diễn tốt hơn, mạnh mẽ hơn; chúng ta cần phải trao nhau, cho nhau và cùng nhau vượt qua những thử thách trong cuộc sống.

Khi còn bé ta luôn khát khao đi tìm những điều xa vời, ở tận đâu đâu nhưng đến một lúc mình trở nên chín chắn hơn trong cuộc sống mình tĩnh lặng một chút thì mới nhận ra những điều mình muốn cảm nhận thực ra đỡ ở ngay trong mình rồi. Bản thân tôi là một người Việt Nam, tôi mong tìm tới Đông Hồ như một cách để tìm về với cội nguồn bên trong của mình”.

 Diễn viên khắc họa lại các bức tranh Đông Hồ bằng điệu nhảy tinh tế.

Diễn viên khắc họa lại các bức tranh Đông Hồ bằng điệu nhảy tinh tế.

Vở ballet “Đông Hồ” được xây dựng lên bởi chuỗi các bức tranh mang đậm nét văn hóa như: “Hứng dừa”, “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”... Tất cả không còn sống trên giấy dó nữa mà bằng một cách “lạ” chưa từng được khai thác - trên sân khấu nghệ thuật múa ballet.

Diễn viên Phan Lương - đội trưởng đoàn múa, trực tiếp tham gia quá trình tập luyện, biểu diễn vở múa, anh bồi hồi khi chia sẻ những khó khăn mình cùng các đồng nghiệp gặp phải để tạo nên một “Đông Hồ” hoàn hảo nhất: “Các tác phẩm ballet kinh điển sẽ có những động tác mà chúng tôi đã được đào tạo 7 năm ở trong trường với vai trò diễn viên kịch múa. Có thể nói những động tác ấy rất quen thuộc so với chúng tôi. Tuy nhiên, tác phẩm ngày hôm nay tuy sử dụng kỹ thuật của ballet nhưng phần thân trên lại sử dụng rất nhiều chuyển động của đương đại cũng như là các dáng khác của múa dân gian Việt Nam. Thêm nữa, điệu múa này còn có tâm hồn, tình cảm, câu chuyện, tích truyện của Việt Nam".

"Trong khi ở ballet cổ điển có sự sang trọng, tinh tế, thanh cao cổ điển rất rõ nét, thì ở vở kịch “Đông Hồ” nhiều lúc phải thêm những vẻ sần sùi, giản dị, mộc mạc hơn của luật động. Điều ấy sẽ tạo nên cảm xúc cho người xem bởi mình đang kể lại những tích truyện ở Việt Nam. Đó chính là khó khăn vì trước hết mình phải nắm được kĩ thuật, kỹ năng tốt thì mới thêm được những động tác khác, chuyển động khác so với thường ngày, phải vậy mới làm tốt được vở kịch này”, diễn viên Phan Lương cho biết thêm.

 Trang phục cùng phụ kiện biểu diễn mang đậm chất dân gian Việt Nam.

Trang phục cùng phụ kiện biểu diễn mang đậm chất dân gian Việt Nam.

Vở diễn đưa khán giả tới miền viễn du đầy mờ ảo nhưng cũng rất đỗi thân quen khi truyền thống hội họa dân gian kết hợp cùng nghệ thuật cổ điển và đương đại của thế giới. Tại đây, người xem sẽ đến với sự tinh tế, giản dị được truyền tải một cách trừu tượng và mang tính cảm nhận. Thông điệp cho và nhận xuyên suốt vở múa chính là sự kết nối chặt chẽ dựa trên giá trị nhân văn của người Việt Nam.

Tận hưởng trọn vẹn buổi trình diễn, chị Nguyễn Thúy, khán giả của đêm diễn cho biết: “Khi xem buổi diễn, ấn tượng đầu tiên của tôi là khi nhìn thấy tên tác phẩm là “Đông Hồ”, tự nhiên tôi nảy ra một suy nghĩ rằng những người trẻ Việt Nam đã tạo ra một cái riêng cho văn hóa Việt, bản sắc Việt. Thông qua những tác phẩm đương đại của phương Tây như thế, chưa nằm trong văn hóa Việt như vậy thì tôi nghĩ rằng đây là một trong những thành công rất là rực rỡ của anh Ngọc Anh vì đã tạo ra chất rất là riêng.

Sự học hỏi những nền văn hóa khác không phải muốn đồng hóa mà là muốn các bạn học được cái đặc biệt của các nền văn hóa ấy và đưa vào nền văn hóa Việt Nam. Ngồi dưới sân khấu, tôi có cảm giác như cùng một thế hệ đang chung một ý tưởng để có thể đưa được một Việt Nam vừa giữ được bản sắc rất riêng vừa đưa ra được vươn tầm thế giới”.

Hình ảnh điệu múa ballet tại Nhà hát lớn Việt Nam tối 22/3

Bên cạnh sự hòa quyện về những điệu múa, “Đông Hồ” còn có sự hòa quyện khéo léo giữa những hình ảnh văn hóa và tinh hoa của quê hương Việt Nam với âm nhạc hàn lâm thế giới thông qua các tác phẩm: “Bốn mùa-New Four Seasons”, bản giao hưởng do nhà soạn nhạc cổ điển đương đại Max Richter biên soạn lại từ bản gốc cùng tên của Antonio Vivaldi-một trong những nhà soạn nhạc Baroque vĩ đại nhất của thế giới.

Tất cả đã làm nên một vở kịch mang ý nghĩa văn hóa đặc biệt sâu sắc, gây được ấn tượng mạnh tới công chúng và những người yêu mến nghệ thuật không chỉ trong nước ta mà còn vang danh trên trường quốc tế.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn - Minh Anh - Đức Thượng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dong-ho-song-lai-tren-san-khau-ballet-post240417.html