Động Hòn Lang đang mất dần
Vì nó cao, to vững chắc nên được người ta kèm theo chữ Hòn, thành ra khi ghép lại thành động Hòn Lang. Thế nhưng, bây giờ ai đứng trước quang cảnh tan hoang này đâu còn có khái niệm là Hòn nữa. Điều buồn hơn, ai phá, ai khai thác đất, cát lậu thì chính quyền không bắt được tại trận.
Ảnh: N.Lân
Theo dấu xe
Đang tháng 3 âm lịch, đứng ở nghĩa địa phía nam của huyện Tuy Phong mới cảm nhận không khí sửa sang mộ phần nhộn nhịp đến thế ở vùng quê. Cũng thật lạ, từ nơi này nhìn qua bên kia QL 1A là làng mạc quần cư đông đúc thuộc xã Chí Công với nhà cửa không bề thế mấy, nhưng những ngôi mộ ở đây thì được trang trí đủ kiểu cách sang trọng, đúng nghĩa như một thành phố buồn. “Nghĩa địa thuộc địa phận xã Chí Công nhưng dành cho người dân ở các xã, thị trấn phía nam của huyện Tuy Phong có nhu cầu chôn cất người thân. Có khi người có tiền ở Bắc Bình cũng tìm ra đây…” - Người chỉ đường cho chúng tôi vào động Hòn Lang qua điện thoại nói. Có thể thấy, ở đây có những khoảnh đất được rào chắn và giăng bảng là thổ mộ của một gia tộc nào đó. Từ đây cũng hiểu hơn vì sao đang lúc khó khăn do dịch Covid – 19 kéo dài, giá xăng dầu tăng ảnh hưởng đến những chuyến biển nhưng đến hẹn thanh minh như năm nay, việc sửa sang mộ phần người thân vẫn nhộn nhịp.
Nghĩa địa này có lắm đường đi, lối tắt dọc ngang nên mới có tên gọi khu bàn cờ. Còn động Hòn Lang như người dân chỉ là nằm kế bên, phía trong nghĩa địa, nơi được quy hoạch khai thác titan từ nhiều năm trước, giờ đang bị bao kẻ khai thác đất, cát lậu phá vỡ hình dáng ban đầu thì lúc này, chúng tôi gần như bí, không thể tìm đến đúng nơi cần. Sau mấy lần yêu cầu giúp đỡ không thành, đoàn chúng tôi cũng có 1-2 người có kinh nghiệm trong lần tìm dấu vết khai thác khoáng sản xác định phải theo dấu xe. Nếu thật sự đã khoắng cát trong động Hòn Lang ra từ sớm như lời người dân báo thì lúc gần trưa này, dù gió Tuy Phong có cuốn lốc đến đâu cũng chưa thể trôi mất dấu vết. Đúng như dự đoán, sau một hồi xe chạy loanh quanh, cuối cùng cũng tìm được những dấu xe mới toanh. Xe thẳng tiến với tâm trạng ai cũng phấn khởi sẽ bắt quả tang khai thác cát lậu mà người dân ở Tuy Phong đã điện báo lâu nay. Vì thấp thoáng phía trước là xe ben đang đứng ven động cát cao khoảng 20 m. Càng đến gần thì thấy động cát đã bị xẻ, đúng nghĩa đã tan hoang từ trước đó với hiện trường nơi này hầm hố, nơi kia cát chảy tràn… Nhưng khi xe đến đụng chân, tài xế xe ben kia không thể tẩu thoát thì một thành viên trong đoàn chúng tôi thở dài: “Thôi, em không lập biên bản đâu. Mệt cái xẻng xúc đất kia lắm! Tịch thu cái xẻng cùng bao công đoạn theo thủ tục rồi đem đi bán đấu giá… cái xẻng!”. Câu nói như đùa này có hiệu quả tức khắc, giúp ai cũng cười xòa sau thời gian căng thẳng ở tâm thế sẽ bắt tại trận. Nhưng không phải đùa, anh ấy nói thiệt. “Thì chị xem, đây chắc là hộ dân cần chút đất làm gì đó...”. Không sai, sau đó, 2 thanh niên đen nhẻm lóng ngóng bỏ xẻng xuống đất, đến báo cáo: “Các anh tha cho em. Đang mùa sửa sang mồ mả nên bà con cần chút đất đổ mả, tụi em thấy các xe kia đến đây lấy cát đi nên tụi em cũng tới đây lấy chút”. Nhìn dấu bánh xe chồng lên nhau trên nền cát nhưng vẫn thấy rất rõ dấu răng bánh xe đào, xe múc, xe ben, ai cũng hiểu đã đến muộn, đã không thể bắt tại trận.
Phóng viên cùng đoàn kiểm tra của tỉnh có mặt tại hiện trường. Ảnh: N.Lân
Vì động giáp ranh nghĩa địa?
“Chắc phải ra nằm vùng ban đêm thì may bắt tại trận được. Nhưng nằm vùng ở khu nghĩa địa như này sang thật đấy và cũng rùng mình quá ha!”- Một thành viên trong đoàn nói bâng quơ như thế và kể hành trình nhiều lần nằm vùng bắt khoáng sản ở các nơi khác nhưng chưa trải qua cảm giác phải nằm ở nghĩa địa, lại đặc biệt là nằm ở vùng giáp ranh của 3 xã. Động Hòn Lang nằm vắt qua địa bàn của Chí Công, Hòa Minh, và Phong Phú nhưng từng xã không biết được chính xác diện tích của phần động thuộc địa bàn xã mình là bao nhiêu. Trong khi giáp ranh động của 2 xã Phong Phú, Hòa Minh là đất sản xuất nông nghiệp với những vườn thanh long nối dài thì bên Chí Công là 1 vùng nghĩa địa mênh mông. Địa hình hoang vắng này là nơi thuận lợi cho các đối tượng khai thác khoáng sản lậu “oanh tạc” mà hiện trường cho thấy chỉ có đưa dàn máy đào, máy xúc, mới phá được động Hòn Lang vốn sừng sững với những tên gọi được đặt ra đã bị trại theo thời gian.
Những người lớn tuổi trong vùng cho rằng, lúc trước dãy cồn cát nằm ở vị trí như kết nối giữa 3 xã trên, có tên gọi là động Mang, sau đọc trại thành động Lang. Thêm nữa, vì nó cao, to vững chắc nên được người ta kèm theo chữ Hòn, thành ra khi ghép lại thành động Hòn Lang. Thế nhưng, bây giờ ai đứng trước quang cảnh tan hoang này đâu còn có khái niệm là Hòn nữa. Điều buồn hơn, ai phá, ai khai thác đất, cát lậu thì chính quyền không bắt được ai tại trận. Dân phản ánh nhiều quá nên xã lập biên bản một vài cá nhân mà dân nêu đích danh vì có xe chở cát bồi nền trái phép từ động Hòn Lang về tập kết trên đất nông nghiệp phía sau 1 nhà máy bột cá thuộc thôn Thanh Lương rồi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.
Xã Chí Công, hôm 19/4/2022 đã lập 2 biên bản. Một cho B.N.T với nghề nghiệp là làm nông nhưng có xe ben lẫn tài xế, có nhà xưởng và kho bãi cho 1 công ty A. ở TP.HCM thuê. Người này trình bày tại biên bản là công ty trên mua cát bồi nền của 1 công ty khác tại xã Bình Thạnh tập kết về khu vực như người dân đã phản ánh, chứ không phải bản thân khai thác cát bồi nền lậu và nếu có sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật. Một cho L.C.T, tài xế xe ben làm thuê của B.N.T với cam kết không khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Trước đó, ngày 3/3/2022 xã Chí Công cũng lập biên bản đối với bà V. Chủ tịch HĐQT công ty A. để xác nhận cũng như cam kết không khai thác, vận chuyển hay tàng trữ khoáng sản trái phép…
Đại diện xã Chí Công cho biết không thể làm gì khác, vì không bắt được tại trận. Cũng vì điều ấy mà đoàn chúng tôi phải thực hiện các thủ tục đường vòng, mất nhiều thời gian là lập biên bản hiện trường vụ khai thác cát, yêu cầu cung cấp tính pháp lý của các nhà xưởng và kho bãi, việc mua bán khoáng sản giữa 2 công ty…Sau đó trình cấp có thẩm quyền mới có cơ sở quyết định. Một quy trình mất nhiều thời gian, chỉ vì không thể bắt tại trận. Nhưng nhiều người dân tin là nếu chính quyền xã Chí Công, huyện Tuy Phong, theo chức năng phải quản lý đất đai khoáng sản trên địa bàn của mình làm quyết liệt thì không thể không tìm ra được thủ phạm. Bởi thực tế, động Hòn Lang đang mất dần hình dáng ban đầu.
Khi tôi đang viết bài này thì các hộ dân ở Chí Công thông tin vẫn có xe chở cát lậu từ động Hòn Lang và họ còn biết nơi đổ cát bồi nền ấy là mảnh đất ven biển gần khách sạn H.H trên đường đi về Phan Rí Cửa.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dong-hon-lang-dang-mat-dan-97115.html