Đồng Hỷ: Định hình dư địa phát triển mới

Với lợi thế nằm liền kề trung tâm hành chính tỉnh, kết nối giao thông liên vùng dọc Quốc lộ 1B và các xã tiếp giáp Quốc lộ 3, xã Đồng Hỷ được thành lập trên cơ sở sáp nhập các địa phương đã về đích nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh, mở ra tiềm năng phát triển thương mại, dịch vụ gắn với nông, lâm nghiệp công nghệ cao.

Trung tâm hành chính xã Đồng Hỷ bên quốc lộ 1B.

Trung tâm hành chính xã Đồng Hỷ bên quốc lộ 1B.

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030 được đề ra trên cơ sở quy hoạch vùng và tích hợp lợi thế từng khu vực để tạo ra dư địa mới cho phát triển. Về cơ cấu kinh tế, đến nay, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ chiếm gần 40%; sản xuất nông, lâm nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng khoa học - công nghệ vào chế biến sâu và nâng giá trị gia tăng trên sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Hỷ, cho biết: Nền tảng để tạo không gian và dư địa phát triển mới chính là thành tựu các địa phương đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn nâng cao và đô thị văn minh. Đời sống nhân dân được cải thiện, hình thành các cụm dân cư theo hướng đô thị hóa và trung tâm dịch vụ thục đẩy thương mại phát triển.

Xã đang hình thành cơ cấu kinh tế chính là phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên từng sản phẩm, liên kết theo vùng hàng hóa và chuỗi cung - cầu; phát triển thương mại, dịch vụ và đô thị văn minh, hiện đại, từ đó nâng cao tỷ trọng lĩnh vực thương mại, dịch vụ; thức đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.

Chè là cây kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã Đồng Hỷ.

Chè là cây kinh tế mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao trên địa bàn xã Đồng Hỷ.

Khảo sát tại các địa phương trước khi sáp nhập đến thời điểm tháng 6-2025 cho thấy, cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, thương mại và sản xuất hàng hóa tập trung đã và đang thay thế dần sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy. Trên địa bàn có 45 doanh nghiệp, 22 hợp tác xã và 10 làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng nghìn lượt lao động/năm.

Đặc biệt, hai đơn vị hành chính cũ (Hóa Thượng, Sông Cầu) trước năm 2020 là vùng đất sản xuất nông, lâm nghiệp thuần túy, đến năm 2024 cả hai địa phương đã hoàn thành 49/52 tiêu chí đô thị văn minh, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,73%, thu nhập bình quân đạt từ trên 65 triệu/người/năm. Tại Hóa Thượng, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và thương mại đã chiếm gần 70%, trong đó có trên 84% lao động phi nông nghiệp toàn đô thị.

Thành tựu đó chính là cơ sở để xây dựng cụm kinh tế trọng điểm có vai trò dẫn dắt khu vực lân cận và định hình chuỗi giá trị gia tăng, cũng như đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung.

Đối với sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn xã hiện có trên 312ha chè, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; có 25 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, mỗi năm bán ra thị trường trên 11 nghìn tấn thương phẩm, đạt giá trị bình quân trên 150 triệu đồng/ha/năm. Nhiều vùng chè tập trung đã xây dựng được thương hiệu trên sàn thương mại điện tử, giao dịch cả trong và ngoài nước, như: Minh Lập, Sông Cầu.

Lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, kinh tế rừng được quan tâm đầu tư và khuyến khích phát triển, chính vì vậy diện tích trồng rừng bình quân hằng năm trên địa bàn các xã, thị trấn đạt trên gần 100ha; sản lượng gỗ khai thác hằng năm đạt 8.971m3; cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) đạt 191,7ha. Trên địa bàn xã Đồng Hỷ bước đầu hình thành một số mô hình liên kết chế biến sâu, tạo ra các dòng sản phẩm ván bóc, viên nén mùn gỗ thải, than không khói phục vụ xuất khẩu, thu hút gần nghìn lượt lao động địa phương có việc làm ổn định tại chỗ.

Gia đình chị Vũ Thị Hạnh (ở tổ dân phố Tướng Quân, xã Đồng Hỷ) chăn nuôi trang trại gà thịt với quy mô 9.000 con/lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Gia đình chị Vũ Thị Hạnh (ở tổ dân phố Tướng Quân, xã Đồng Hỷ) chăn nuôi trang trại gà thịt với quy mô 9.000 con/lứa, thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.

Cùng với lĩnh vực trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn đã định hình phát triển theo hướng trang trại công nghiệp, công nghệ cao, vận hành theo hướng ban stự động và tự động. Toàn xã Đồng Hỷ hiện có có 141 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 13 trang trại chăn nuôi lợn, 126 trang trại chăn nuôi gia cầm, với tổng đàn gia súc, gia cầm trên 1,3 triệu con (trâu, bò 1.925 con; lợn 53.448 con; gia cầm 1.278.000 con), mỗi năm doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm và tạo vùng hàng hóa tập trung.

Trước thềm Đại hội Đảng bộ xã khóa I, nhiệm kỳ 2025-2030, những yêu cầu mới đang đặt ra cho Đảng bộ xã Đồng Hỷ mới, đòi hỏi những chủ trương, hành động kiến tạo, trên cơ sở thừa kế thành tựu đô thị văn minh thúc đẩy chất lượng nông thôn mới và định hình dư địa phát triển mới.

Để hiện thực hóa các chủ trương này, mục tiêu trước mắt Đảng bộ xác định là cải thiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt được bảo đảm tính bền vững; đầu tư trọng tâm cải thiện kết cấu hạ tầng và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong các hoạt động của đời sống xã hội. Từ đó hình thành chuỗi kết nối thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ xã hội cơ bản tiện ích và phi địa giới hành chính.

Trần Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/dong-hy-dinh-hinh-du-dia-phat-trien-moi-b052400/