Đồng loạt khởi công, khánh thành 80 dự án trên cả nước

Hôm nay, Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức lễ khởi công, khánh thành đối với hàng loạt công trình trọng điểm nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

VietNamNet liên tục cập nhật, mời bạn đọc theo dõi...

Lễ khởi công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự án.

Bộ Xây dựng cho biết, có 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng hơn 445.000 tỷ đồng. Trong đó, có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Riêng tại TPHCM có 6 công trình, dự án được khánh thành, khởi công gồm: Khánh thành Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn – đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức – Long Thành; khánh thành Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ; khởi công dự án Vành đai 2 TPHCM (gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn).

Khánh thành ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất vượt tiến độ 2 tháng

Tại điểm cầu trung tâm nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác vận hành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bày do các đơn vị của Bộ Công an chủ trì thực hiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ công bố triển khai thí điểm giải pháp ứng dụng định danh, xác thực điện tử và nhận diện sinh trắc học phục vụ làm thủ tục lên tàu bày do các đơn vị của Bộ Công an chủ trì thực hiện.

Dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng HKQT Tân Sơn Nhất” gồm các hạng mục chính: Nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không, hệ thống cầu cạn trước nhà ga và sân đỗ máy bay với tổng mức đầu tư 10.990 tỷ đồng.

Công suất thiết kế đạt 20 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, giúp nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm, giúp giải quyết tình trạng quá tải nhiều năm qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, 80 dự án công trình được lựa chọn tổ chức khởi công, khánh thành hôm nay là thành quả và minh chứng của khát vọng phát triển, thể hiện ý chí quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại sự kiện.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà phát biểu tại sự kiện.

Về đường bộ cao tốc, quy hoạch tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.063km từ cửa khẩu Hữu nghị (Lạng Sơn) đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác 1.443km.

Việc khánh thành 6 dự án thành phần hôm nay đã nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước được đưa vào khai thác là 2.268km, trong đó có 4 dự án đã hoàn thành vượt tiến độ từ 6 - 9 tháng.

Bộ Xây dựng và các địa phương quyết tâm hoàn thành 3.000km đường cao tốc trong năm 2025 theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu sẽ hoàn thành 5.000km đường cao tốc đến năm 2030 theo mục tiêu đã được Trung ương Đảng và Quốc hội đề ra.

Về hạ tầng hàng không, nhiều dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài đã và đang được triển khai với tinh thần khẩn trương quyết liệt. Một số công trình tiếp tục được khởi công như nhà ga T2 sân bay Đồng Hới, mở rộng cảng hàng không Cà Mau nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao năng lực kết nối trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, hôm nay nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đạt chuẩn quốc tế với công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm đã được hoàn thành, phục vụ khai thác.

Hình ảnh bên trong nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Hình ảnh bên trong nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.

Là đơn vị triển khai toàn bộ hệ thống hạ tầng số tại nhà ga T3, VNPT đã bố trí đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên dày dạn kinh nghiệm tham gia dự án để đảm bảo tiến độ và chất lượng các hạng mục của nhà ga T3 theo đúng yêu cầu tích hợp công nghệ hiện đại và đồng bộ theo tiêu chuẩn quốc tế. VNPT cung cấp giải pháp số tối ưu, góp phần nâng tầm vị thế của sân bay Tân Sơn Nhất trên bản đồ hàng không quốc tế.

Khởi công dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Lễ khởi công dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Lễ khởi công dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tới dự lễ khởi công.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tới dự lễ khởi công.

Tập đoàn Vingroup tổ chức lễ động thổ dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Đây được xem là khu đô thị lấn biển lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Dự án tọa lạc tại xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, có tổng diện tích lên đến 2.870ha, phân thành 4 phân khu chức năng A, B, C và D-E.

Phân khu A có quy mô 953,23ha, quy hoạch thành khu sinh thái kết hợp du lịch, khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng rừng ngập mặn Cần Giờ.

Hình ảnh phối cảnh dự án

Hình ảnh phối cảnh dự án

Phân khu B có quy mô 560ha, định hướng phát triển thành khu nhà ở, nghỉ dưỡng cao cấp xen kẽ các công trình dịch vụ công cộng và mảng xanh. Đặc biệt, tại phân khu này sẽ có 102,7ha đất xây nhà ở xã hội, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 54.000 người.

Phân khu C có quy mô 318,32ha, là trung tâm tài chính, thương mại, kinh tế, dịch vụ và nhà ở biệt thự cao cấp. Tại đây sẽ có tòa tháp biểu tượng cao 108 tầng cùng cụm công trình trung tâm thương mại nằm ở mũi Hải Đăng.

Phân khu D-E có quy mô 939ha, được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại với các tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm thương mại và các dịch vụ tiện ích cao cấp.

Với quy mô dân số tối đa khoảng 228.500 người, dự án đặt mục tiêu phát triển một đô thị biển thông minh, hiện đại, đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, kỳ vọng mỗi năm sẽ thu hút gần 9 triệu lượt khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực phía Nam TPHCM.

Dự án có tổng diện tích lên đến 2.870ha.

Dự án có tổng diện tích lên đến 2.870ha.

Khánh Hòa khánh thành cao tốc Vân Phong – Nha Trang

Tại xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa), diễn ra lễ khánh thành và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Tuyến đường được kỳ vọng sẽ giúp tăng tốc kết nối vùng, tạo cú hích phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế địa phương.

Tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang có chiều dài hơn 83km, được khởi công từ đầu năm 2023, với tổng mức đầu tư hơn 11.800 tỷ đồng. Dự án đi qua địa bàn thị xã Ninh Hòa và ba huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh của tỉnh Khánh Hòa.

Sau 70km đường cao tốc, đoạn từ nút giao Vạn Giã đến nút giao Quốc lộ 27, đã hoàn tất và chính thức đưa vào khai thác từ hôm nay.

Theo Ban Quản lý dự án 7 – đơn vị chủ đầu tư, dự án về đích vượt tiến độ khoảng 8 tháng. Trong quá trình thi công, dự án gặp không ít khó khăn về giải phóng mặt bằng, vật liệu, thời tiết nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, các vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời.

Ngay sau lễ khánh thành, các lực lượng chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hướng dẫn, phân luồng giao thông dọc tuyến cao tốc, đảm bảo an toàn, thông suốt và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30/4 sắp tới.

Thông xe kỹ thuật 19,5km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu diễn ra lễ thông xe kỹ thuật dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

Đến dự buổi lễ có Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 và lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua các thời kỳ.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới dự buổi lễ.

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới dự buổi lễ.

Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu cắt băng thông xe.

Đại tướng Phan Văn Giang cùng các đại biểu cắt băng thông xe.

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại Km34+200 ở TP Phú Mỹ, giáp ranh giữa với Đồng Nai, nối dự án thành phần 2 đoạn qua huyện Long Thành, điểm cuối tại Km53+700 giao với quốc lộ 56 - tuyến tránh TP Bà Rịa.

Đoạn tuyến này dài 19,5km, được hoàn thành cơ bản, vượt tiến độ theo kế hoạch sau gần 2 năm khởi công. Dự kiến sau khi thông xe kỹ thuật, đến tháng 9 năm nay sẽ đưa vào khai thác.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được khởi công tháng 6/2023, dài gần 54km, quy mô 4-6 làn xe, với tổng mức đầu tư khoảng 17.800 tỷ đồng. Trong đó, dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phụ trách.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ được đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực.

Cũng trong sáng nay, địa phương này đồng loạt tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo; khởi công đường dẫn cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn từ quốc lộ 56 đến nút giao vòng xoay 51B, TP Vũng Tàu; thông xe cầu Cửa Lấp 2, thuộc dự án đường ven biển 994 Vũng Tàu - Bình Thuận.

Khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đồng Nai

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đã dự lễ khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc đầu tư nâng cấp Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai không chỉ mang ý nghĩa về mặt hạ tầng mà còn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện để các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn, hướng đến phát triển bền vững.

“Công trình của chúng ta tuy nhỏ nhưng lại có ý nghĩa, được chọn khánh thành trực tuyến cùng các công trình trọng điểm quốc gia trên cả nước”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung tặng hoa chúc mừng khánh thành Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Đồng Nai.

Dự án là một trong những công trình trọng điểm, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Công trình được triển khai trên diện tích hơn 3,48ha, với việc cải tạo toàn bộ hệ thống hạ tầng như đường nội bộ, hệ thống điện nước, phòng cháy chữa cháy, ký túc xá nữ và các phòng chức năng.

Song song đó, dự án còn xây mới 15 phòng học bộ môn, nhà ăn, bếp ăn, nhà đa năng, khu ký túc xá nam, nhà truyền thống và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 152 tỷ đồng.

Khánh thành Nhà thi đấu đa năng tỉnh Vĩnh Long

Dự án Nhà thi đấu đa năng tỉnh Vĩnh Long có quy mô lớn, mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao với tổng mức đầu tư 272 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời khẳng định, Nhà thi đấu đa năng tỉnh không chỉ là một công trình hạ tầng thể thao khang trang, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn tổ chức các giải đấu quy mô cấp tỉnh, khu vực và quốc gia, mà còn là biểu tượng cho tầm nhìn chiến lược và quyết tâm của tỉnh Vĩnh Long trong việc đầu tư phát triển con người một cách toàn diện, đặc biệt là thế hệ trẻ – những chủ nhân tương lai của quê hương.

Công trình sẽ trở thành địa chỉ quen thuộc để rèn luyện thể chất, phát hiện và bồi dưỡng tài năng thể thao, đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa - thể thao phong phú, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, lan tỏa lối sống lành mạnh và tạo dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kỳ vọng và tin tưởng, từ nơi đây, sẽ có thêm nhiều vận động viên bước lên bục vinh quang, nhiều giải đấu khơi dậy tinh thần thể thao rực lửa, và trên hết là hình ảnh một Vĩnh Long đổi mới, đoàn kết, nhân văn và phát triển bền vững ngày càng được lan tỏa mạnh mẽ.

Hợp long cầu Rạch Miễu 2

Tại Tiền Giang, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2 nối đôi bờ Tiền Giang và Bến Tre.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự lễ hợp long cầu Rạch Miễu 2.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sự kiện hợp long cầu Rạch Miễu 2 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự phối hợp chẽ, quyết tâm cao của các địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu...

Hợp long là khâu quan trọng nhất, sau đó còn một số công việc nhưng cơ bản chúng ta có thể làm chủ được việc thực hiện. Thời gian qua, các nhà thầu xây lắp đã có nhiều sự sáng tạo để rút ngắn tiến độ 4 tháng, thậm chí là hơn để sớm đưa cây cầu vào vận hành.

Việc hợp long cầu Rạch Miễu 2 là dấu mốc quan trọng trong tiến độ thi công, tiền đề quan trọng để hoàn thành công trình đưa vào khai thác theo mục tiêu đã đề ra, đồng thời góp phần thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối Tiền Giang và Bến Tre, cách cầu hiện hữu khoảng 4km về phía thượng lưu.

Dự án dài hơn 17km, điểm đầu kết nối ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa quốc lộ 1 và tỉnh lộ 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối quốc lộ 60, thuộc địa phận TP Bến Tre, cách cầu Hàm Luông gần 1km.

Trong đó, cầu chính dài hơn 1,9km được thiết kế dây văng, phần trụ tháp cao 113m, mặt cầu có 4 làn xe với bề rộng 21,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, khởi công từ tháng 3/2022, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi thị sát đã yêu cầu dự án phải hoàn thành sớm hơn kế hoạch để kịp dịp lễ Quốc khánh 2/9/2025.

Khởi công nhà ga T2 sân bay Đồng Hới

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đã tổ chức lễ khởi công dự án Xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.

Các đại biểu dự lễ khởi công xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.

Các đại biểu dự lễ khởi công xây dựng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.

Dự án nhà ga T2 là thành phần thuộc dự án “Xây dựng Nhà ga hành khách T2 và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng hàng không Đồng Hới”.

Công trình được xây dựng trên diện tích 106.308m2, bao gồm nhà ga hành khách và các hạng mục công trình phụ trợ.

Nhà ga T2 được thiết kế với công suất khai thác 3 triệu khách quốc nội/năm (1.200 khách/giờ cao điểm); định hướng phương án mở rộng để nâng công suất lên 5 triệu khách/năm khi có nhu cầu (sau năm 2030).

Phối cảnh nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Đồng Hới. Ảnh: ACV

Phối cảnh nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Đồng Hới. Ảnh: ACV

Theo ACV, sân bay Đồng Hới hiện chỉ có ga hành khách T1 với công suất thiết kế là 500.000 hành khách/năm. Những năm gần đây, lượng hành khách qua cảng đã vượt quá công suất.

Dự kiến đến hết năm 2025, sản lượng vận chuyển hành khách thông qua sân bay Đồng Hới sẽ đạt gần 1 triệu khách, nên việc khởi công xây dựng ga T2 là rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và nâng cao chất lượng dịch vụ hành khách.

ACV khẳng định sẽ tập trung nguồn lực, thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong suốt quá trình triển khai dự án.

3 dự án lớn tại Cà Mau

Tại Cà Mau đã diễn ra lễ thông xe kỹ thuật cầu Gành Hào, khởi công dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bàn giao mặt bằng Cảng hàng không Cà Mau.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết, đây là những công trình trọng điểm, tạo động lực mới cho địa phương phát triển trong thời gian tới.

Lễ khởi công dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Lễ khởi công dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau.

Thời gian qua, Cà Mau luôn tập trung đầu tư cho hệ thống y tế. Hiện nay, 100% các xã có trạm y tế; đội ngũ y, bác sĩ không ngừng lớn mạnh, thực hiện các kỹ thuật cao, điều trị chuyên sâu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Ngại, một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quá tải, xuống cấp, phải hoạt động gấp 2 lần so với công suất thiết kế, gây khó khăn trong phục vụ nhân dân.

Trước yêu cầu cấp thiết đó, với sự quan tâm của Trung ương, dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau quy mô 1.200 giường bệnh (tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng – PV) có ý nghĩa rất lớn.

“Sau khi hoàn thành, bệnh viện sẽ phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại hơn để bà con an tâm điều trị tại địa phương, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cam kết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nghiêm túc chỉ đạo, đảm bảo công trình hoàn thành trong thời gian sớm nhất để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, địa phương cũng xử lý nghiêm những sai phạm nếu có”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau nói.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Gành Hào nối liền 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu có tổng mức mức đầu tư 655 tỷ đồng, là một trong ba dự án thành phần thuộc dự án Xây dựng cầu sông Ông Đốc, tuyến đường trục Đông - Tây và cầu Gành Hào (tổng mức đầu tư 2.150 tỷ đồng).

Cầu Gành Hào đã được thông xe kỹ thuật.

Cầu Gành Hào đã được thông xe kỹ thuật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi thông tin, cầu Gành Hào là công trình cầu lớn nhất đã được đầu tư nối qua địa bàn 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.

“Đây là ‘dấu gạch nối’ cuối cùng để kết nối thông suốt trục đường từ cửa biển Sông Đốc phía biển Tây đến cửa biển Gành Hào phía biển Đông, xóa bỏ tình trạng chia cắt cũng như thế độc đạo về giao thông đường bộ tại khu vực cửa biển này”, ông Lâm Văn Bi nói.

Thông xe kỹ thuật 2 đoạn tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự lễ thông xe kỹ thuật 2 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua tỉnh Hà Tĩnh: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự sự kiện.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham dự sự kiện.

Đoạn tuyến cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi dài khoảng 35,28km đi qua địa phận các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, có mức đầu tư 7.643,57 tỷ đồng.

Đoạn tuyến cao tốc Hàm Nghi - Vũng Áng dài khoảng 54,2km, đi qua địa phận các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, có tổng mức đầu tư 9.734,62 tỷ đồng.

Giai đoạn phân kỳ, 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng đạt tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc cấp 120, vận tốc thiết kế 120 km/h, quy mô 6 làn xe.

Sau khi thông xe kỹ thuật, 2 đoạn cao tốc dự kiến sẽ được đưa vào khai thác tuyến chính ngày 28/4, hoàn thành dự án trước 30/6.

Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến cao tốc.

Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến cao tốc.

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 đoạn cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng góp phần hoàn thiện trục giao thông Bắc - Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa các tỉnh miền Trung và cả nước; mở ra không gian phát triển mới, là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Thông xe kỹ thuật đoạn tuyến cao tốc Bùng - Vạn Ninh

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức thông xe kỹ thuật và đưa vào khai thác tuyến chính dự án thành phần đoạn Bùng - Vạn Ninh thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến cao tốc.

Các đại biểu cắt băng thông xe tuyến cao tốc.

Đoạn tuyến dài khoảng 48,84km đi qua tỉnh Quảng Bình, có điểm đầu tại Km625+00, thuộc xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch; điểm cuối kết nối với dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.361,15 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, khởi công từ tháng 1/2023.

Đoạn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc 100 km/h, giai đoạn phân kỳ thiết kế với vận tốc 90km/h.

Sau lễ thông xe kỹ thuật, dự án được đưa vào khai thác tuyến chính và 4/4 nút giao, gồm: nút giao Cự Nẫm (lý trình khoảng Km626+690,35), Việt Trung (lý trình khoảng Km643+480), Nhật Lệ 2 (lý trình khoảng Km653+850), QL9B (lý trình khoảng Km673+750).

Việc hoàn thành đưa vào khai thác dự án sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên QL1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, du lịch, giao lưu văn hóa, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, kích cầu tiềm năng du lịch khu vực có đường cao tốc đi qua.

N. Huyền

Tuấn Kiệt

Nguyễn Huế

Xuân Ngọc

Quang Hưng

Hoài Thanh

Hoàng Anh

Anh Phương

Hải Sâm

Trần Tuyên

Thiện Lương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-loat-khoi-cong-khanh-thanh-80-du-an-tren-ca-nuoc-2392772.html