Đồng lòng chống dịch
Chúng ta tin tưởng rằng với tinh thần quyết tâm, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xóm, doanh nghiệp… là những pháo đài chống dịch thì Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi.
Cả nước đang căng mình chống lại dịch Covid-19. Trên tuyến đầu, các y, bác sĩ không quản ngày đêm, khó khăn, nguy hiểm để chăm sóc bệnh nhân, tìm ra các giải pháp điều trị hiệu quả. Những chiến sĩ nhường phòng ở cho những người bị cách ly… Ở nhiều nơi khác, những tấm lòng sẻ chia của mỗi người dân, doanh nghiệp đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến không tiếng súng này.
Thật cảm động khi mới đây, cụ Nguyễn Huy Na ở xóm 1, thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng (Nam Sách) dù lưng còng, sức khỏe yếu, phải chống gậy nhưng vẫn nhờ con cháu đưa đến điểm tiếp nhận ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 của huyện để tặng 2 tấn gạo trị giá 32 triệu đồng. Em Vũ Thùy Linh, học sinh lớp 2D Trường Tiểu học Ngọc Sơn (TP Hải Dương) cùng em trai là Vũ Đăng Quang (5 tuổi) đã mổ lợn tiết kiệm ủng hộ 1,8 triệu đồng cho công tác phòng chống dịch ở địa phương. Chị Trương Thị Huệ ở thôn 1, xã Định Sơn (Cẩm Giàng) tận dụng thời gian công ty cho nghỉ vì dịch Covid-19 để may và phát tặng gần 100 chiếc khẩu trang cho người dân trong xã... Cũng trong những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có nhiều doanh nghiệp dù đang phải gồng mình vượt qua khó khăn cũng gom góp từ tiền mặt đến khẩu trang, xà phòng, nước rửa tay để chung sức chống dịch. Ở TP Hải Dương, một số quán cơm bình dân cũng sẵn sàng góp những suất cơm giản dị. Nhiều bà nội trợ tự tay chế biến những hộp cá kho để tặng những người đang phục vụ tại các chốt kiểm dịch. Hằng ngày, Ủy ban MTTQ các cấp vừa tiếp nhận tiền mặt, vừa đón nhận những món quà của các tấm lòng vàng ủng hộ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Tính đến ngày 9.4, toàn tỉnh đã huy động được gần 3,7 tỷ đồng tiền mặt và nhiều trang thiết bị y tế để phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Đất nước ta không thiếu những tấm lòng vàng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (95 tuổi) ở TP Hồ Chí Minh, dù đã ở tuổi mắt mờ, chân chậm nhưng vẫn cặm cụi tự tay may từng chiếc khẩu trang để phát cho người nghèo. Vợ liệt sĩ Lê Thị Niệm (78 tuổi) ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) đã viết tâm thư và đạp xe tới UBND xã ủng hộ số tiền tiết kiệm 1 triệu đồng... Đây đều là những hành động, nghĩa cử đẹp đáng được biểu dương và nhân rộng.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn. Chính phủ đã phải thực hiện cách ly toàn xã hội để khống chế, kiểm soát dịch bệnh. Nhưng không vì thế mà tình người thêm xa cách. Chính lúc này, sự động viên, sẻ chia, tinh thần sống có trách nhiệm của mỗi người đã giúp chúng ta thấy tình người trong mùa dịch thật ấm áp và nghĩa tình.
Chính phủ đã công bố dự thảo gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19 với tổng số tiền gần 61.600 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 35.900 tỷ đồng. Có 6 nhóm sẽ được nhận hỗ trợ từ chính sách an sinh xã hội này, trong đó ưu tiên những người mất việc, giảm sâu thu nhập. Với tinh thần “Không để ai ở lại phía sau”, rõ ràng chính sách an sinh xã hội được đưa ra ngay lúc này sẽ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp và người dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội cùng vượt khó khăn, vươn lên chống lại đại dịch, ổn định cuộc sống và sản xuất, kinh doanh. Đây là một quyết định nhân văn, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước ta.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn phía trước đòi hỏi không chỉ Đảng và Nhà nước cần có chính sách tốt trong chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch mà ngay mỗi người dân cần sống có trách nhiệm, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái. Chúng ta tin tưởng rằng với tinh thần quyết tâm, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, làng xóm, doanh nghiệp… là những pháo đài chống dịch thì Covid-19 sẽ sớm bị đẩy lùi.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/dong-long-chong-dich-133286