Đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn

Là vùng tâm dịch của cả nước trong đợt dịch Covid-19 thứ tư, TP Hồ Chí Minh đã phát huy tối đa nội lực, đồng lòng, chung sức chống dịch, nỗ lực giúp người dân vượt qua khó khăn, thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) gọi điện thăm hỏi, tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà.

Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) gọi điện thăm hỏi, tư vấn cho các F0 điều trị tại nhà.

Trở lại trạng thái “bình thường mới”, TP Hồ Chí Minh xác định ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn là mục tiêu hàng đầu; đồng thời phải kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Không chủ quan, lơ là phòng, chống dịch

Dù là chủ nhật nhưng không khí làm việc tại Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vẫn tất bật. Nhân viên tình nguyện liên tục gọi điện thăm hỏi F0 trên địa bàn. 9 giờ sáng, căn phòng nhỏ của Trung tâm đã có chín nhân viên chia nhau gọi điện thăm hỏi các F0, rồi cập nhật thông tin lên Hệ thống quản lý theo dõi F0 tại nhà do huyện thiết lập.

Chị Nguyễn Thị Thu Nở, giáo viên Trường mầm non Bé ngoan 3, nhân viên tư vấn chăm sóc F0 của xã, cho hay: “Tôi vừa gọi điện thăm hỏi sức khỏe một cụ già 74 tuổi ở ấp 5 là F0 đang ở cùng người thân. Sau hai ngày dùng thuốc điều trị Covid-19 do nhân viên y tế phát, cụ đã khỏe hơn, không còn sốt, giảm hẳn mệt mỏi...”. Thông tin nêu trên được cô giáo Thu Nở cập nhật vào app Hóc Môn trực tuyến cài đặt trên điện thoại, sau đó dữ liệu được chia sẻ đến từng cá nhân, bộ phận liên quan của huyện như tổ chăm sóc F0 cộng đồng, trạm y tế các xã, trạm y tế lưu động, đội ngũ bác sĩ của Trung tâm y tế, Bệnh viện Hóc Môn… và các lãnh đạo từ huyện đến xã để cùng theo dõi.

Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Dương Hồng Thắng cho biết, đầu tháng 12/2021, huyện đã huy động 240 giáo viên giảng dạy trên địa bàn tăng cường cho 12 xã để tham gia Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã thực hiện nhiệm vụ gọi điện tư vấn, chăm sóc F0 bảy ngày trong tuần. Thời điểm này huyện có đến khoảng 6.000 F0 điều trị tại nhà, nhưng nhờ chủ động ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp các bộ phận chuyên môn, chính quyền xã, lãnh đạo UBND huyện cùng tham gia theo dõi kết quả tư vấn, điều trị F0 qua đó giảm tải công việc cho các nhân viên y tế xã.

Đối với những ca nhẹ, nhân viên tư vấn sẽ thăm hỏi, hướng dẫn cách điều trị; các ca trung bình và nặng sẽ chuyển thông tin đến trạm y tế xã để bác sĩ gọi điện trực tiếp đánh giá tình hình, nếu có nguy cơ sẽ chuyển đến bệnh viện. Qua một tháng ứng dụng Hệ thống quản lý theo dõi F0 tại nhà, cấp độ dịch của huyện Hóc Môn đã giảm từ cấp 2 xuống cấp 1, chuyển từ “vùng vàng” sang “vùng xanh”. Đáng chú ý, số ca nhiễm Covid-19 phải nhập viện rất ít, số ca chuyển nặng giảm rất nhiều so trước đó, tạo tâm lý thoải mái cho người dân, giúp sức khỏe người bệnh được cải thiện…

Mô hình chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng được huyện Hóc Môn triển khai đã và đang được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố vận dụng.

Lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhận định, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các quận, huyện, TP Thủ Đức xây dựng và triển khai kế hoạch thành lập Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động chăm sóc và quản lý F0 tại nhà đã góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở cách ly tập trung, các bệnh viện thuộc tầng 2, tầng 3. Số ca bệnh phải nhập viện có xu hướng ngày càng giảm.

Lấy sức dân chăm lo cho dân

Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân”, hàng triệu túi quà an sinh đã được Trung tâm An sinh thành phố trao cho những người mất việc làm, những người yếu thế trong xã hội, những trường hợp đặc biệt khó khăn bị tác động bởi dịch Covid-19.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Giám đốc Trung tâm An sinh thành phố cho biết, Trung tâm chính thức hoạt động từ đầu tháng 8/2021 là rất kịp thời vì người dân thành phố rất cần sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần trong lúc khó khăn nhất của đại dịch. Thành phố huy động từ nguồn ngân sách thành phố, trung ương cho đến các nguồn lực xã hội, các nhà tài trợ để kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tính từ đầu tháng 8/2021 đến nay, thành phố đã chuyển hơn 2,6 triệu túi an sinh đến 22 quận, huyện, TP Thủ Đức để hỗ trợ người dân khó khăn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19; trong đó, chương trình SOS của Trung tâm An sinh thành phố đã trao 14.438 túi an sinh. Những túi an sinh này được cấp phát đồng thời với gói hỗ trợ Covid-19 từ ngân sách nhà nước, không có bất cứ yêu cầu nào về cư trú, thu nhập, nghề nghiệp...

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Trung tâm An sinh thành phố sẽ chuyển thêm 5.000 túi an sinh về trung tâm an sinh cấp huyện, xã; đồng thời tiếp tục chuyển hàng hóa phân phối hỗ trợ các quận, huyện, TP Thủ Đức; hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, hỗ trợ các lực lượng tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố…

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, hơn lúc nào hết cần vai trò đi đầu, phát huy nội lực của các cấp, các ngành, các địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống dịch tại đơn vị. Cùng với đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội…

Bài và ảnh: QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/dong-long-chung-suc-vuot-qua-kho-khan-680733/