Động lực chuyển đổi năng lượng từ xung đột ở Ukraine
Cố vấn cao cấp tại USAID Daniel Kammen nhận định xung đột ở Ukraine có thể trở thành động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở nhiều quốc gia.
“Tôi hy vọng cuộc khủng hoảng Ukraine có thể là cơ hội để chúng ta chuyển đổi (sang năng lượng sạch) nhanh chóng hơn”, ông Kammen phát biểu trong sự kiện do Học viện YSEALI (Đại học Fulbright Việt Nam) tổ chức cuối tuần qua. “Đối mặt với tình trạng khẩn cấp về khí hậu với các giải pháp khoa học, dữ liệu và công lý sáng tạo”.
“Chúng ta đã thấy châu Âu nói rằng cần phải độc lập với khí đốt từ Nga. Họ có hai cách để làm điều đó. Các nước châu Âu có thể mua thêm khí đốt từ Malaysia, Mỹ, Nigeria và Venezuela, nhưng điều đó sẽ không giúp ích gì trong việc ngăn chặn biến đổi khí hậu”, ông nói.
“Thật đáng buồn, chúng ta không nên cần đến một cuộc xung đột để tiến tới mục tiêu năng lượng xanh. Nhưng trước đây, các quốc gia hành động chậm chạp”, vị tiến sĩ nói thêm.
Tiến sĩ Daniel Kammen là giáo sư về năng lượng tái tạo của Đại học California (Berkeley). Ông hiện phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden với tư cách là cố vấn cao cấp về đổi mới năng lượng tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Giải pháp dựa trên công lý
Tiến sĩ Daniel Kammen cảnh báo nếu các quốc gia không cắt giảm lượng khí thải carbon, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng sạch, thế giới sẽ ấm lên khoảng 4,5 độ C vào cuối thế kỷ XXI.
Để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu, một số quốc gia cam kết sẽ cắt giảm lượng than hay bảo vệ rừng. Nhiều thỏa thuận cũng đã được ký kết tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2015 tại Paris, ông cho biết.
Tuy nhiên, vị giáo sư chỉ ra rằng với các cam kết hiện tại, Trái Đất chỉ có thể giảm mức tăng nhiệt từ 4,5 độ C xuống 3,5 độ C.
“Chúng ta cần cải tiến nhiều hơn nữa để làm cho năng lượng mặt trời rẻ hơn. Cần sử dụng năng lượng bền vững hơn và chuyển sang các phương tiện chạy bằng điện nhanh chóng hơn”, ông nhận định.
“Chúng ta phải hạn chế sự nóng lên toàn cầu, không phải ở ngưỡng 2 độ C, mà là ngưỡng 1,5 độ C”, ông cho biết thêm.
Để làm được điều đó, giáo sư cho rằng cần giảm lượng khí thải xuống dưới 0. “Chúng ta phải loại bỏ khí nhà kính khỏi không khí”, ông nói.
Bên cạnh đó, ông nói thêm rằng bên cạnh biến đổi khí hậu, thế giới cũng chứng kiến sự bất bình đẳng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu cân nhắc thêm sự bất bình đẳng về chủng tộc, ông cho biết.
“Trên thực tế, một trong những lo lắng thực sự của tôi là chúng ta không chỉ cần giảm thiểu ô nhiễm và làm sạch hành tinh, mà còn phải làm cho lực lượng lao động trở nên bình đẳng hơn, để tạo ra một thế giới đổi mới hơn”, ông nhận định.
Nhiều thách thức
Theo tiến sĩ Kammen, thủy điện được coi là một dạng năng lượng xanh, nhưng việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện có thể tác động đến các lớp trầm tích đổ ra đại dương, từ đó ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của các sinh vật biển tại đây.
Ông viện dẫn sự tuyệt chủng của loài cá heo nước ngọt Irrawaddy như một minh chứng. Loài cá heo này chính thức tuyệt chủng vào tháng 2, phần lớn là do hoạt động đánh bắt cá, xây dựng đập thủy điện hay nhiễm độc từ nước thải của con người.
Tiến sĩ Kammen cũng cho rằng “công trình thủy điện thường cung cấp điện cho các thành phố, nhưng người dân bản địa lại phải trả giá đắt về môi trường”. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành đập thủy điện cũng là một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Tuy nhiên, “chúng ta đã thấy một số tia hy vọng trong những năm gần đây”, ông nói. Ngay từ những ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Biden đã yêu cầu các cơ quan và nhà nghiên cứu sử dụng một loại số liệu mới được gọi là “chi phí xã hội của carbon”.
Đó không phải là một giá trị thông thường, “quyết định sáng suốt của tổng thống đưa ra lý thuyết định giá không chỉ tính đến giá thị trường của carbon, mà cả chi phí tính toán dựa trên tác động đối với cộng đồng”, ông nhận định.
Trong buổi trao đổi, tiến sĩ Kammen cũng chia sẻ về một chính sách môi trường “thú vị” ở California. Tất cả người dân đều được hoàn lại một phần nhỏ hóa đơn tiền điện mà họ đã nộp. Đó là khoản bù đắp dựa trên cái được gọi là “chi phí xã hội của carbon”, ông nói.
“Họ có thể tiêu vào bất cứ thứ gì, nhưng chúng tôi hy vọng số tiền đó sẽ được sử dụng để đầu tư vào các tấm pin mặt trời hay xe điện”, ông chia sẻ.
Hiện nay, ở nhiều quốc gia như Indonesia và một số thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhiên liệu sinh học là một phần của chiến lược chuyển đổi sang năng lượng sạch. Nhưng tiến sĩ Kammen cho rằng “điều đó không hoàn toàn đúng”.
“Brazil cung cấp ethanol làm từ cây mía, nhưng cây mía đó được trồng trên mảnh đất từng là rừng nhiệt đới. Tôi cũng từng làm việc ở Sumatra (Indonesia) và chứng kiến nhiều người dân địa phương phá rừng nguyên sinh để trồng dầu cọ và mía. Vì vậy, nếu xét một cách toàn diện, nhiên liệu sinh học không thực sự tốt hơn nhiên liệu hóa thạch”, tiến sĩ nhận định.
Trong khi đó, với sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế, bối cảnh chính trị và nguồn tài nguyên, việc phối hợp giữa các nước lớn như Mỹ và các nước đang phát triển để đạt được mục tiêu về môi trường cũng là một thách thức lớn.
“Thông thường các sản phẩm mới được cung cấp cho các nước giàu trước khi đến tay nước nghèo. Nhưng chúng ta cần thay đổi điều này, phải tìm cách để đưa sản phẩm (sử dụng năng lượng xanh) đến với các nước nghèo trước”, ông nói.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Kammen, không chỉ có các nước nghèo học hỏi từ các nước giàu, mối quan hệ hợp tác này được xây dựng từ cả hai phía.
Chẳng hạn, Bangladesh được xem là quốc gia có chương trình tái chế pin từ xe điện tốt nhất thế giới. Do đó, Mỹ, Đức và cả Argentina đều đang xem xét học hỏi chương trình này.
Một ví dụ khác là Morocco, quốc gia này đang đặt mục tiêu sử dụng năng lượng sạch hoàn toàn vào năm 2050, chứ không phải Mỹ, Đan Mạch hay Đức.
“Đây không phải là những quốc gia chúng ta thường hay nói đến, nhưng cũng là những nước đã thực hiện chuyển đổi sớm hơn hầu hết chúng ta”, ông nhận định.
Một thách thức khác trong quá trình chuyển đổi là việc đảm bảo tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng.
Vị tiến sĩ cho rằng trên thực tế, điện mặt trời và điện gió ngày nay rẻ hơn bất kỳ dạng nhiên liệu hóa thạch nào. Nhưng nhiều quốc gia trên khắp thế giới, cả nước giàu và nước nghèo, đều trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch ở mức độ rất cao.
“Một trong những điều mà các nhà lãnh đạo G20 đã không làm được trong hội nghị thượng đỉnh tại Milan, diễn ra vào tháng 11/2021, là cam kết xóa bỏ các khoản trợ cấp đó”, ông nói.
Nhưng cũng chính những nhà lãnh đạo này đã đến hội nghị COP26 ở Glasgow (Anh) và nói rằng cần phải triển khai nhiều năng lượng sạch hơn. “Việc nói một đằng làm một nẻo là vấn đề chính của chúng ta”, ông nhận định.