Động lực để ngành Giáo dục phát triển bền vững

Ngày 10/12/2021, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 về “Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đã đề cập toàn diện đến các vấn đề từ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển GDĐT tỉnh theo hướng bền vững, đổi mới, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.

Trường tiểu học Ngọc Thanh C, thành phố Phúc Yên được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Trà Hương

Trường tiểu học Ngọc Thanh C, thành phố Phúc Yên được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Trà Hương

Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy đề ra nhiều mục tiêu cụ thể nhằm phát triển bền vững giáo dục với quy mô trường, lớp hợp lý; cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên; môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, văn minh; học sinh được phát triển toàn diện theo hướng đào tạo công dân toàn cầu và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống con người Vĩnh Phúc; giữ vững chất lượng giáo dục trong top đầu cả nước…

Phấn đấu đến năm 2030, Vĩnh Phúc đạt danh hiệu tỉnh học tập và tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, chất lượng giáo dục đạt trình độ tiên tiến của khu vực và tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới.

Thực hiện nghị quyết, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đối với sự nghiệp phát triển giáo dục; tập trung thực hiện hiệu quả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia đối với giáo dục; ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi thu hút nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục theo hướng chuẩn quốc tế…

Đối với ngành GDĐT, ngay khi nghị quyết được ban hành, Đảng bộ Sở GDĐT đã triển khai đến các phòng, ban của sở và thủ trưởng các đơn vị giáo dục, nhà trường, từ đó, triển khai đến 100% cán bộ, đảng viên trong ngành.

Thực tế, nhiều mục tiêu trong Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy đã và đang được ngành GDĐT triển khai thực hiện nhưng ở mức độ cao hơn. Sở GDĐT chủ động tham mưu tỉnh về thực hiện quy hoạch tổng thể mặt bằng và kiến trúc của các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt quan tâm đến các vùng khó khăn để tỉnh và các địa phương từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đồng bộ, tiên tiến; đồng thời, mua sắm, bổ sung trang thiết bị dạy học hiện đại, từ đó, hoàn thành mục tiêu tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Riêng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc - nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, hiện cơ sở vật chất khang trang vào bậc nhất so với các trường THPT trong toàn quốc sẽ tiếp tục được đầu tư phòng học STEM, các thiết bị dạy học tiên tiến để trở thành “trường học thông minh” theo chuẩn quốc tế, là trung tâm nghiên cứu khoa học và là 1 trong 15 trường THPT trọng điểm quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành tiếp tục hoàn thiện và phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới giáo dục thường xuyên theo hướng mở, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

Để bắt nhịp xu hướng hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành GDĐT tỉnh đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cho các nhà trường nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới giáo dục.

Đối với yếu tố nền tảng thứ 2 trong phát triển giáo dục là nhân tố con người, Sở GDĐT tiếp tục tăng cường công tác bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên và xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới, đảm bảo đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên theo mục tiêu Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy.

Thực hiện một số mục tiêu mới Nghị quyết số 10 của Tỉnh ủy về xây dựng trường trọng điểm, trường chuyên biệt, trường quốc tế, Sở GDĐT đã đề xuất tỉnh và phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường đầu tư xây dựng ở mỗi cấp học có ít nhất một trường trọng điểm với cơ sở vật chất đồng bộ, trang thiết bị dạy học hiện đại; có cơ chế, chính sách đặc thù cho trường trọng điểm, từ đó, triển khai mô hình giáo dục tiên tiến.

Việc xây dựng và đưa vào hoạt động 1 trường chuyên biệt cấp tỉnh dành cho trẻ khuyết tật là rất cần thiết để tạo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục cho học sinh khuyết tật, do đó, ngành sẽ triển khai theo lộ trình.

Ngành cũng tăng cường tuyên truyền các chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư cho giáo dục và đẩy mạnh liên kết với các nước trong khu vực và thế giới để từng bước hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng 2 trường THPT quốc tế.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, ngành GDĐT đã và đang triển khai tích cực, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, quản trị, đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, đào tạo thế hệ công dân toàn cầu.

Trong đó, tăng cường dạy tin học; dạy ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ của tỉnh giai đoạn 2021-2025, hướng tới đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ; nâng cao hiệu quả các chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống, kỹ năng nghề nghiệp tương lai, giáo dục truyền thống, văn hóa địa phương cho học sinh; nghiên cứu và phát triển các mô hình trường học mới theo kinh nghiệm quốc tế, điển hình như Sở GDĐT đã chỉ đạo toàn ngành nhân rộng xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” để học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tiên tiến, nhân văn...

Ngoài ra, các nhà trường tăng cường phối hợp với gia đình và xã hội, tận dụng các thiết chế văn hóa bên ngoài trường học để nâng cao hiệu quả giáo dục học sinh.

Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Văn Huyến cho biết: "Nghị quyết “Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII là kim chỉ nam trong hành động của ngành GDĐT tỉnh, tạo cơ hội thuận lợi để ngành phát triển theo hướng bền vững, đổi mới, tiên tiến, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới”.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/giao-duc/74365/dong-luc-de-nganh-giao-duc-phat-trien-ben-vung.html