Động lực đi lên của thị trường chứng khoán vẫn chưa chắc chắn
VN-Index liên tục giao dịch tích cực sau khi về vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn chưa khởi sắc cho thấy yếu tố tiết cung là động lực chính giúp chỉ số tăng điểm. Nhịp tăng của VN-Index đang được đánh giá là nhịp hồi phục kỹ thuật từ vùng hỗ trợ.
Phiên đầu tuần 25/11, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đồng loạt được kéo xanh giúp VN-Index dễ dàng kết phiên với số điểm tăng tương đối khả quan. Thế nhưng, dòng tiền vẫn đứng ngoài thị trường.
Chưa chắc đã tạo đáy ở 1.200 điểm?
Nhìn lại tuần qua (18-22/11), tín hiệu bật dậy từ vùng hỗ trợ mạnh về tâm lý cũng như kỹ thuật quanh 1.200 điểm đã giúp VN-Index “đổi màu” thành công và tăng điểm, sau 2 tuần chịu áp lực điều chỉnh mạnh.
Mặc dù lực cầu bắt đáy quanh vùng hỗ trợ 1.200 điểm khá mạnh, nhưng thanh khoản trong tuần qua vẫn sụt mạnh. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh của VN-Index giảm tới 17,22% so với tuần trước đó, thanh khoản trung bình mỗi phiên chỉ hơn 12.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy yếu tố tiết cung là động lực chính giúp chỉ số tăng điểm.
Không chỉ vậy, dòng vốn ngoại tiếp tục là điểm trừ lớn khi áp lực bán ra vẫn tương đối mạnh. Tính chung cả tuần, khối này bán ròng lũy kế 5 phiên lên tới 3.806 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Giới phân tích cho rằng ngưỡng 1.200 điểm đã thành công kích hoạt lực bắt đáy ngắn hạn, tuy nhiên thanh khoản kém khiến động lực đi lên của thị trường chưa thể chắc chắn. Thanh khoản vẫn là yếu tố cần được theo dõi và dưới góc nhìn kỹ thuật, nhịp tăng của VN-Index đang được đánh giá là nhịp hồi phục kỹ thuật từ vùng hỗ trợ.
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc điều hành chi nhánh TP. HCM của Chứng khoán DSC, Chủ tịch CTCP 1IB, thị trường đã trải qua nhịp giảm điểm rất khó chịu, VN-Index rơi từ 1.300 về 1.200 nhưng áp lực bán của khối ngoại là rất căng và nhiều cổ phiếu rơi sâu. Cú hồi từ 1.200 điểm là rất dễ đoán khi thị trường ở trạng thái quá bán, và đây cũng là hỗ trợ đáng chú ý.
Do đó, thị trường có thể bước vào nhịp hồi kéo dài 1-3 tuần, nhưng khả năng sẽ sớm phản ứng với vùng kháng cự 1.230-1.240 điểm. Thực tế, những yếu tố như khối ngoại bán ròng, thanh khoản kém trong những nhịp hồi và bối cảnh cũng chưa có nhiều động lực mới, câu chuyện mới, từ đó dẫn tới chưa thể kết luận thị trường đã chắc chắn tạo đáy mà không còn nhịp rơi nào nữa.
"Có thể VN -Index đã tạo đáy ở 1.200 điểm; nhưng hoàn toàn chỉ số cũng có thể thủng 1.200 điểm và tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, nhà đầu tư cần cởi mở với các kịch bản và theo dõi các diễn biến tiếp theo ", ông Huy lưu ý.
Theo đánh giá của ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư Chứng khoán Maybank Investment Bank, với tiền yếu như hiện nay và nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 21 phiên liên tiếp đưa tỷ lệ bán ròng trong năm nay cao hàng đầu lịch sử thị trường chứng khoán cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Do đó, việc tăng điểm tuần qua mang tính phục hồi kỹ thuật nhiều hơn là quay lại xu hướng tăng.
Về phân tích kỹ thuật, các chuyên gia của Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng trên biểu đồ tuần, xu hướng giảm điểm vẫn chiếm ưu thế dù VN-Index tuần qua đóng cửa tăng 0,78%. Thanh khoản tuần sụt giảm so với mức trung bình 20 tuần nên chưa mang nhiều tín hiệu xác nhận sự đảo chiều. Mốc 1.200 điểm là vùng hỗ trợ mạnh nhưng thị trường vẫn chưa có tín hiệu xác nhận đáy, nên cần thêm thời gian.
Chứng khoán Phú Hưng cũng nhận xét, VN-Index ở vùng 1.230 điểm, giao dịch với khối lượng thấp cho thấy lực cầu còn yếu, đang có phần ủng hộ cho khả năng chỉ là nhịp hồi ngắn hạn. Chỉ số có thể còn rung lắc tại đây, nếu áp lực bán mạnh trở lại thì khả năng kết thúc nhịp hồi để quay lại xu hướng giảm.
Hạn chế "lướt sóng" T+
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cho rằng các vị thế ngắn hạn cần tiếp tục theo dõi quá trình vận động của chỉ số để từ đó xem xét kích hoạt điểm mua thăm dò, đặc biệt đối với các cổ phiếu có nền giá thấp và thu hút sự chú ý của dòng tiền. Đối với các vị thế trung và dài hạn, các nhịp điều chỉnh sẽ tạo ra cơ hội tích lũy với mức giá chiết khấu tối ưu, nhất là cổ phiếu của các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và định giá hấp dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nên tập trung vài mục tiêu trung và dài hạn, hạn chế trading "lướt sóng" T+.
Ông Petri Deryng - người đứng đầu Quỹ Pyn Elite Fund, dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay và duy trì mức tương tự vào năm 2025. Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được định giá ở mức hợp lý với chỉ số P/E dự phóng năm 2025 vào khoảng 10 lần ngay cả trước những nhịp điều chỉnh mạnh vừa qua.
Mặc dù đợt điều chỉnh vừa qua gây tâm lý không tốt cho nhà đầu tư, song ông Petri Deryng vẫn giữ quan điểm vô cùng lạc quan với triển vọng dài hạn của thị trường. Quỹ đến từ Phần Lan này cũng đang thực hiện các chiến lược điều chỉnh danh mục đầu tư nhằm tận dụng cơ hội từ những biến động trên thị trường.
Đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư, ông Bùi Văn Huy vẫn giữ niềm tin vào triển vọng dài hạn của thị trường. Những giai đoạn chán nản như hiện tại là điều nhà đầu tư thỉnh thoảng phải đối diện. Do đó, với tầm nhìn dài hạn, chọn được cổ phiếu tốt thì chỉ cần kiên nhẫn để bước qua giai đoạn hiện tại. Riêng đối với nhà đầu cơ ngắn hạn, trong bối cảnh thanh khoản kém, dòng tiền kém và ít cơ hội có thể tận dụng nhịp hồi để cơ cấu danh mục, tích lũy lại nguồn lực cho những tình huống nếu thị trường yếu. Không nên cố gắng giao dịch trong điều kiện thị trường chưa quá thuận lợi.
Về mặt định giá, P/E toàn thị trường là 12,9x lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 5 năm gần nhất (15,x lần). Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bluechip có nền tảng tăng giá dài hạn vững chắc đã chiết khấu về vùng giá hấp dẫn, phù hợp để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng và tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco lưu ý, với thanh khoản giao dịch thấp, hiệu ứng lan tỏa dòng tiền đến các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng, các nhịp rung lắc có thể sẽ xuất hiện đan xen các phiên hồi phục tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Do đó, mặc dù đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu giải ngân, tích lũy cổ phiếu cho danh mục trung và dài hạn, nhà đầu tư vẫn nên chú ý chỉ duy trì tỷ trọng thấp đối với các vị thế trading, "lướt sóng" T+ để đảm bảo an toàn cho tài khoản và tuân thủ kỷ luật cắt lỗ trong kịch bản thị trường lui về kiểm định lại các mốc hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn.