Động lực giúp người nghèo vươn lên

Mô hình sinh kế của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Hà Tĩnh thời gian qua đã và đang là trợ lực tích cực cho địa phương và người nghèo.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình sinh kế ở huyện Lộc Hà.

Lãnh đạo MTTQ tỉnh Hà Tĩnh và huyện Lộc Hà kiểm tra mô hình sinh kế ở huyện Lộc Hà.

Hiệu quả từ những mô hình sinh kế

Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) tăng cường chỉ đạo, điều hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch tổ chức thực hiện, MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội vận động nhân dân phát huy vai trò trong công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã ghi nhận nhiều thành quả quan trọng.

Theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) huyện Lộc Hà, xã Ích Hậu được đánh giá là một trong những địa phương triển khai tốt nhất mô hình hỗ trợ sinh kế bò của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ở Lộc Hà. Gia đình ông Nguyễn Văn Thủy, ở thôn Thống Nhất là một điển hình. Cuối năm 2022, gia đình ông Thủy là hộ mới thoát nghèo nên được hỗ trợ 6 triệu đồng để có thêm kinh phí nuôi bò sinh sản. Sau khi nhận hỗ trợ, gia đình ông tăng gia sản xuất, bò mẹ đã đẻ bê con, sinh kế được duy trì và mở rộng. Đây được xem là bước tiến quan trọng để gia đình ông tạo bước đột phá mới trong việc chấm dứt cảnh đói nghèo.

Cũng ở thôn Thống Nhất, cách nhà ông Thủy không xa là mô hình của hộ ông Lê Văn Huệ và bà Đặng Thị Cuối. Năm 2022, gia đình bà Cuối được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bê giống sinh sản. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt nên một thời gian sau, gia đình bán được 1 con bê trị giá 10 triệu đồng và bò mẹ đã sản sinh lứa mới. “Bản thân tôi từng nhiều lần bị tai nạn nên thường xuyên đau yếu, thu nhập hàng năm chỉ dựa vào thu hoạch từ 3 sào ruộng nên rất khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ mua giống bê của địa phương, với đà này chẳng mấy chốc gia đình tôi sẽ thoát nghèo” - bà Cuối chia sẻ.

Lãnh đạo xã Ích Hậu cho biết, sau khi có quyết định phân bổ nguồn hỗ trợ sinh kế, địa phương đã triển khai thực hiện đúng quy định và luôn sâu sát để động viên bà con tích cực làm ăn, chăm sóc tốt vật nuôi, không để thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể cũng luôn sát cánh hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh... nên các mô hình phát triển rất tốt.

“Chìa khóa” giúp người dân thoát nghèo

Với tinh thần “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Lộc Hà đã quyết tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bà Nguyễn Thị Minh - Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Lộc Hà cho biết: Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có hỗ trợ sinh kế có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu tốt cho Huyện ủy, UBND huyện để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Lộc Hà cho biết thêm, năm 2022 và 2023, riêng dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo của huyện đã có 526 hộ được hỗ trợ. Trong đó, mô hình bò có 287 hộ, mô hình gà có 239 hộ. Mô hình sinh kế là “chìa khóa” góp phần giảm nghèo bền vững cho các hộ dân. Năm 2023, địa phương đã giảm được 398 hộ nghèo và 129 hộ cận nghèo, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, kế hoạch của giai đoạn 2022-2025.

Thống kê của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh cho thấy, năm 2023, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 160 mô hình sinh kế. Các địa phương chủ yếu tập trung hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi đã phát huy giá trị kinh tế ở địa phương như bò, gà, dê, ong, cây ăn quả... Mô hình sinh kế góp phần không nhỏ trong quá trình giảm nghèo của địa phương.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/dong-luc-giup-nguoi-ngheo-vuon-len-10287505.html