Động lực hay áp lực
Chỉ còn vài tháng nữa là học sinh cuối cấp THCS và THPT bước vào những kỳ thi quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh. Đến thời điểm này, hẳn các em học sinh cũng như phụ huynh học sinh cuối cấp đã có những định hướng, lựa chọn cho bậc học tiếp theo của con em mình. Tùy năng lực, sở trường, điều kiện, mỗi học sinh đều đã có những dự định cho riêng mình. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là sự tác động, kỳ vọng của cha mẹ đối với con trẻ có trở thành động lực hay vô tình tạo áp lực cho các em.
Những tháng gần đây, câu chuyện mùa thi không chỉ “nóng” trong học đường mà với cả các bậc phụ huynh. Học sinh quan tâm chuyện thi cử, học hành đã đành, phụ huynh cũng nháo nhác không kém. Trong câu chuyện trong nhà, ngoài phố, phụ huynh hỏi thăm nhau về lực học của con em; về con anh, con chị đăng ký thi vào trường nào, ngành nào? học thêm ở đâu? học ngành nào thì dễ tìm việc làm?... Sự quan tâm đến việc học, từ đó có những định hướng đúng đắn cho tương lai con trẻ là điều vô cùng quan trọng. Thế nhưng, quan tâm đến mức nào để tạo động lực cho con thì không phải phụ huynh nào cũng làm được.
Thực tế những ngày gần đây cho thấy, ở một số tỉnh, thành phố có tình trạng vì áp lực mùa thi, nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng, trầm cảm. Nhiều em đã tìm đến cái chết vì áp lực “con nhà người ta”. Nhiều em đang là học sinh giỏi, thành viên tích cực, sôi nổi của trường, của lớp, bỗng thu mình, xa lánh bạn bè, trường lớp, lực học giảm sút… Khi chuyện xảy ra thì nguyên nhân được xác định là do áp lực thi cử, học hành, áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ, do tranh luận với cha mẹ về việc chọn trường, chọn ngành học cho tương lai.
Học sinh THCS, THPT đang trong giai đoạn tuổi mới lớn. Các em có những khát vọng, hoài bão của tuổi trẻ. Ngoài một số em có những định hướng tốt, nắm bắt tốt năng lực, sở trường và nhu cầu của xã hội để xác định hướng đi cho riêng mình, cũng có không ít các em a dua theo chúng bạn, theo sở thích nhất thời của bản thân để đăng ký trường học, ngành học dẫn đến bất đồng quan điểm với cha mẹ. Bên cạnh đó là tình trạng cha mẹ khao khát, kỳ vọng một đằng, con đam mê một nẻo… dẫn đến mâu thuẫn, tranh luận khiến nhiều em rơi vào trầm cảm, buông xuôi việc học.
Hãy để các em được lựa chọn phát huy năng lực, sở trường bản thân. Đừng để các em sống cuộc đời của cha mẹ. Đó là bài học, kinh nghiệm được nhiều người rút ra và nhiều lần cảnh tỉnh, nhưng hằng năm, trước mỗi mùa thi vẫn có những câu chuyện đau lòng xảy ra.
Rõ ràng việc quan tâm thái quá của cha mẹ đôi khi đã trở thành áp lực cho con trẻ. Hãy giúp các em biến những kỳ vọng, áp lực thành động lực để các em phấn đấu. Hãy tôn trọng các ý kiến, quyết định của các con trên cơ sở sự định hướng, góp ý của cha mẹ, từ đó cùng con đi đến quyết định cuối cùng hài hòa, thuyết phục các con. Đừng là những mệnh lệnh, chỉ đạo phiến diện một chiều. Hãy lắng nghe con trẻ, gần gũi các con nhiều hơn. Khi cha mẹ và các con hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, sở trường, sở đoản sẽ đi đến quyết định tốt nhất, tạo động lực cho các con phấn đấu.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra từ ngày 26 đến 29-6 trên phạm vi toàn quốc; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng sẽ được các tỉnh, thành tổ chức vào khoảng thời gian trước đó. Đây là cao điểm các em học sinh cuối cấp tập trung ôn luyện, thi cử, thay vì đặt quá nhiều kỳ vọng, vô tình tạo áp lực cho con, cha mẹ hãy đồng hành cùng con, ủng hộ những lựa chọn mà con em mình mong muốn. Đó cũng là cách động viên để con trẻ tự tin trong việc thực hiện ước mơ của mình. Hãy giúp con biến áp lực thành động lực. Đừng để áp lực kéo lùi tương lai con trẻ.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/155919/dong-luc-hay-ap-luc