Động lực khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Cuộc sống luôn là những hành trình không bao giờ bằng phẳng. Chỉ khi dấn thân vào thử thách trên con đường mình đi, hành động, sáng tạo, con người ta mới có thể tới đích như mong đợi. Mỗi người dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám hy sinh vì lợi ích chung, hợp lại trong một tập thể thống nhất chắc chắn sẽ biến thách thức thành cơ hội để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp.
Tinh thần đổi mới, sáng tạo chưa được phát huy mạnh
Trong buổi làm việc với Thành ủy TP Hồ Chí Minh ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng băn khoăn, một vài nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ này, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên của thành phố chưa được phát huy mạnh mẽ như những năm đầu đổi mới; truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, nghĩa tình có lúc, có nơi, có việc chưa được kế thừa, phát huy đầy đủ,... Thực tế ấy không riêng gì TP Hồ Chí Minh, nơi được coi là một trong những khu vực năng động nhất của cả nước, mà còn thấy ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực,…
Dân ta có câu "lửa thử vàng, gian nan thử sức". Nhớ lại những năm đầu đổi mới, đất nước khó khăn trăm bề. Kinh tế khủng hoảng, các thế lực thù địch ráo riết bao vây cấm vận. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - biểu tượng của sự kiên định "nói và làm" đã có nhiều bài viết trong mục Những việc cần làm ngay trên Báo Nhân Dân, tấn công mạnh vào tư tưởng trì trệ, bảo thủ và những vấn đề bức xúc nổi lên hằng ngày mà không ai dám nói, để phá bỏ thứ rào cản đang nằm ngay trong chính cán bộ, đảng viên, nhằm thúc đẩy đổi mới.
Từ trước thời kỳ Đổi mới, chúng ta đã thấy tấm gương dám dấn thân vì cái chung của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc. Trong khi đường lối của Đảng thời kỳ đó là phải tập thể hóa, ông lại thí điểm giao ruộng khoán cho từng hộ nông dân. Việc "xé rào" giao khoán như thế đã mang lại hiệu quả rất thiết thực, khơi dậy sức lao động của người nông dân. Mãi sau này, công lao của ông mới được đánh giá thỏa đáng.
Hiện thực đất nước 36 năm qua là minh chứng rõ nhất kết quả đổi mới, sáng tạo. Không đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, Đảng ta khó vượt qua hàng trăm thứ rào cản, thậm chí là đi chệch hướng; đất nước không có được cơ đồ, vị thế như ngày nay. Chính hiện thực sinh động ấy đang nói lên rằng, càng đổi mới càng có nhiều thời cơ, nhưng cũng đan xen muôn vàn khó khăn, thách thức. Thách thức từ bên ngoài; thách thức từ chính sự suy thoái của cán bộ, công chức, viên chức.
Dường như cuộc sống càng được nâng lên, con người ta càng nghĩ nhiều đến hưởng thụ mà phần nào sao lãng trách nhiệm xã hội; càng đi vào cơ chế thị trường con người ta càng tính toán thiệt hơn, làm thui chột lòng đam mê, nhiệt huyết, xả thân vì công việc, vì sự nghiệp chung, thậm chí là thực dụng, vun vén cá nhân. Không khơi dậy, không có cơ chế tạo động lực cho cán bộ sáng tạo, dám đột phá, đương đầu với thử thách thì khó thúc đẩy được công cuộc đổi mới đi lên, nhất là khi tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp hơn dự báo, kinh tế toàn cầu đang suy thoái; trong nước cũng gặp không ít khó khăn mà không thể giải quyết một sớm một chiều.
Thực tế công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ dù có đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Xu hướng cuộc sống đang lái con người đi theo những quan niệm mới, cần năng động hơn nhưng sau đó là nhiều mặt trái tiêu cực xuất hiện buộc phải chấp nhận, như chạy chọt, xin cho, có "phong bì" lót tay mới được việc, rồi từ đó hình thành các nhóm lợi ích, bao bọc cho nhau, làm mai một đạo đức truyền thống tốt đẹp,v.v. Một môi trường như thế sẽ làm mất đi đáng kể nhiệt huyết cống hiến của cán bộ.
Cần một hệ thống cơ chế tạo động lực
Việc xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu là vấn đề then chốt trong nhiệm vụ then chốt. Đi liền với đó là chủ trương khuyến khích, bảo vệ họ phát huy tốt các phẩm chất đáng quý ấy theo Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị.
Đây là những điều kiện rất cần, rất quan trọng nhưng chưa thể đủ mà cần có cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ, sát thực hơn nữa. Đó là hệ thống quy định, quy trình công tác minh bạch, công khai để ai đó muốn "chạy" cũng không còn cửa mà "chạy"; xử lý nghiêm cả những kẻ cố tình lẫn người "tiếp sức", bắt tay với họ trong tất cả các lĩnh vực, từ công tác cán bộ, đến xây dựng các dự án, đấu thầu, hối lộ, tham nhũng,…
Cán bộ được đánh giá, bổ nhiệm bằng chính năng lực, phẩm chất của họ. Đó là môi trường thật sự bình đẳng, nhân văn để mọi người thấy hạnh phúc khi được làm việc. Môi trường ấy không chỉ là các trang thiết bị đầy đủ, hiện đại, hay tiền lương, thu nhập cao, bảo đảm cho nhu cầu cuộc sống mà còn là tình yêu thương đồng chí, đồng nghiệp, là sự ứng xử văn hóa của cán bộ giữa các cấp, các lĩnh vực chuyên môn, các bộ phận công tác.
Những ai làm việc tốt, có nhiều cống hiến, biết hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể sẽ được tôn trọng, được hưởng đầy đủ các chính sách đãi ngộ từ vật chất đến tinh thần và bố trí, cất nhắc vào các vị trí công tác xứng đáng; còn những ai thiếu trách nhiệm, thấy dễ mới làm, khó thì tránh, làm việc hời hợt lại vụ lợi, nịnh hót, chỉ biết mưu lợi cho riêng mình phải phê phán kịch liệt và có thể đưa ra khỏi cơ quan, đơn vị. Khuyến khích, bảo vệ sự đột phá, sáng tạo vì cái chung, nhưng không vì thế mà lợi dụng để làm sai nguyên tắc. Nếu có sai phạm thì cần xem xét cụ thể, do làm ẩu hay do năng lực, hoặc điều kiện khách quan. Có nhìn vấn đề thấu lý, đạt tình mới đánh giá đúng cán bộ.
Điều mấu chốt là để cơ chế trở thành động lực thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm thì tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu phải thật sự có tâm trong ứng xử với mọi người, luôn biết nghĩ đến cán bộ trước rồi mới dành thời gian cho công việc; có tầm trong lãnh đạo, điều hành, quyết đoán nhưng không độc đoán và phải là trung tâm đoàn kết của cơ quan,… Nếu không, cơ chế cũng chỉ nằm trên giấy.