Động lực mạnh mẽ thúc đẩy du lịch đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế năm 2024
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 1/2024 đạt trên 1,5 triệu lượt, tăng 10,3% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Lượng khách này là cao nhất kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại du lịch từ tháng 3/2022, tương đương với tháng 1/2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng của ngành du lịch Việt Nam, tạo động lực và niềm tin để đạt mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Hàn Quốc tiếp tục là thị trường gửi khách lớn nhất trong tháng 1/2024 (chiếm 27,6%). Đứng ở vị trí thứ 2 là khách Trung Quốc; tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc). Trong khi đó, Anh, Pháp, Đức và Nga là những thị trường gửi khách châu Âu lớn nhất của nước ta.
Tính theo châu lục, khách châu Á tăng nhẹ so với tháng trước, trong khi các khu vực khác tăng trưởng mạnh, châu Mỹ tăng 27,3%; châu Âu tăng 26,6%, châu Úc tăng 68,5% và châu Phi tăng 35,2%.
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá: Tháng 1/2024 chứng kiến sự tăng trưởng rất tốt từ các thị trường ở châu Âu được hưởng chính sách đơn phương miễn thị. Sự tăng trưởng này cho thấy hiệu quả tác động rõ ràng từ chính sách nâng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 45 ngày cho 13 nước được miễn thị thực đơn phương theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 15/8/2023.
Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) nhận định, năm 2023, du lịch quốc tế đang trên đà trở lại mức trước đại dịch vào năm 2024. Tổng thu từ du lịch quốc tế ước tính sơ bộ đạt 1,4 nghìn tỷ USD năm 2023, bằng 93% năm 2019 (1,5 nghìn tỷ USD); đóng góp trực tiếp về kinh tế của du lịch trong Tổng sản phẩm quốc nội đạt 3,3 nghìn tỷ USD năm 2023, tương đương 3% GDP toàn cầu.
Du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi hoàn toàn mức trước đại dịch vào cuối năm 2024, ước tính tăng 2% so với năm 2019 nhưng còn phụ thuộc vào tốc độ phục hồi ở châu Á, rủi ro từ kinh tế, chính trị... Trong đó, các cuộc xung đột, lạm phát cao, giá dầu biến động, gián đoạn thương mại có thể tiếp tục tác động đến chi phí đi lại và lưu trú năm 2024. Thiếu nhân lực vẫn sẽ là một vấn đề đối với du lịch, nhất là vào mùa cao điểm du lịch. Trong bối cảnh đó, du khách có thể sẽ ưu tiên lựa chọn đi du lịch gần nhà, các điểm đến bền vững và có khả năng thích ứng...
Trong tháng 1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, trong đó có các mục tiêu cụ thể về nâng cao năng lực phát triển du lịch và lữ hành Việt Nam.