Động lực mới cho 'đầu tàu' EU
Nhận lời mời của người đồng cấp Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức kéo dài ba ngày. Được tiến hành sau 24 năm, chuyến thăm không chỉ giúp thổi luồng sinh khí mới cho mối quan hệ giữa đầu tàu của châu Âu, mà còn là dịp để bộ đôi lãnh đạo then chốt của EU thể hiện khả năng điều phối chương trình nghị sự của khối trước thềm cuộc bầu cử lập pháp.
Chuyến thăm cấp nhà nước sau một phần tư thế kỷ
Theo Hãng tin Bloomberg, mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron thường xuyên tới Đức, song lần công du này là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Pháp tới Đức trong 24 năm kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đến Đức vào năm 2000. Trong vòng 60 năm qua, chỉ có 6 chuyến thăm như vậy được thực hiện.
Thăm cấp nhà nước tương ứng với nghi thức cao nhất trong hệ thống phân cấp của Bộ Ngoại giao, bao gồm: thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm làm việc và thăm riêng. Sự khác biệt chính của chuyến thăm cấp nhà nước nằm ở chỗ, chuyến thăm chỉ có thể được thực hiện giữa các nguyên thủ quốc gia, không giống như các chuyến thăm chính thức có thể có sự tham gia của thủ tướng, bộ trưởng hoặc thậm chí là các nhà ngoại giao.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã được Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier chào đón tại cung điện Bellevue ở Berlin vào tối ngày 26.5 với 21 phát đại bác. Sau đó buổi quốc yến diễn ra trong không khí vừa trang trọng vừa gần gũi. Thời gian của chuyến thăm cấp nhà nước cũng thường lâu hơn. Trong trường hợp này, ông Macron đã ở lại 3 ngày với hy vọng tạo ra “những khoảnh khắc kỷ niệm lịch sử cho hai đất nước”.
Tái khẳng định mối quan hệ láng giềng bền chặt
Chương trình nổi bật của chuyến thăm là nhằm kỷ niệm tình hữu nghị khăng khít và nhiều duyên nợ giữa hai nước láng giềng Pháp - Đức. “Một tình bạn thuần khiết” là dòng tít của bài báo trên “Der Spiegel”, mô tả về những mối quan hệ giữa cá nhân hai Tổng thống Macron và Scholz. Theo tuần báo Đức, tổng thống Pháp rất được yêu mến ở Đức, mặc dù “cơn sốt Macron” trong nhiệm kỳ 5 năm đầu giờ không còn sâu đậm như trước, song bài phát biểu bằng tiếng Đức của ông Macron tại Quốc hội Đức vào đầu năm trong lễ tưởng niệm Wolfgang Schäuble đã khiến nhiều người ấn tượng.
Trong ngày đầu tiên, ông Macron đã tham gia một lễ hội dân chủ để kỷ niệm 75 năm Hiến pháp Đức, trước khi cùng Tổng thống Đức đến thăm đài tưởng niệm những nạn nhân của nạn diệt chủng ở Berlin. Cuối ngày, cả hai nhà lãnh đạo đã cùng chơi một trận billard, như minh chứng cho sự bền chặt của mối quan hệ song phương, dẹp tan những lời đồn đoán về sự rạn nứt giữa hai quốc gia láng giềng.
Vào ngày thứ hai của chuyến thăm, ông Macron đã tới Dresden, thủ phủ bang Saxe ở Đông Đức. Tại đây, chủ nhân điện Elyseé đã có bài phát biểu tại Nhà thờ Đức bà từng bị tàn phát trong chiến tranh. Bài phát biểu bằng tiếng Đức nhằm hướng tới giới trẻ, giống như Tổng thống Charles de Gaulle từng thể hiện vào năm 1962. Chặng dừng ở bang Saxe lần này cho thấy 35 năm sau khi bức tường sụp đổ, mối quan hệ giữa hai nước không còn bị thu hẹp lại ở Tây Đức như xưa, nhờ vào chính sách hướng Đông của Paris.
Trọng tâm của chuyến thăm cấp Nhà nước là cuộc họp Hội đồng bộ trưởng Pháp - Đức do hai nhà lãnh đạo chủ trì tại Meseberg, gần thủ đô Berlin trong ngày cuối cùng 28.5. Tại đây, hai nhà lãnh đạo cùng ngồi xuống để tìm ra điểm chung về hai vấn đề chính mà họ cần phải đi đến thống nhất, đó là năng lực quốc phòng và khả năng cạnh tranh; cũng như điểm chung trong chương trình nghị sự của EU trong 5 năm tới.
Đức và Pháp từ lâu được coi là hai quốc gia đầu tàu của châu Âu dù giữa hai nước thường có những khác biệt về chính sách và một số vấn đề. Chia sẻ với DW, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại tổ chức tư vấn Eurasia Group Mujtaba Rahman cho biết, chuyến thăm là một nỗ lực ở cấp độ chính trị cao nhất để chứng minh rằng mối quan hệ đang tiến triển tích cực. Tuy nhiên, ông Rahman bày tỏ lo ngại vẫn còn những khoảng trống cơ bản về những vấn đề lớn đang rình rập EU. Một trong những khoảng trống mà châu Âu phải đối mặt hiện nay là khả năng phòng thủ.
Theo đó, Pháp là quốc gia có vũ khí hạt nhân, đã thúc đẩy châu Âu tự chủ hơn về các vấn đề quốc phòng, không đồng tình trước quyết định của Đức mua phần lớn thiết bị của Mỹ nhằm tạo ra “lá chắn phòng không” theo Sáng kiến Sky Shield của châu Âu. Trong khi đó, Đức lại kiên quyết cho rằng không có giải pháp thay thế nào đáng tin cậy hơn việc sử dụng vũ khí Mỹ và EU không có thời gian chờ đợi ngành công nghiệp quốc phòng của khối chuẩn bị tốt hơn trước các mối đe dọa.
Tuy nhiên, mối quan hệ hai nước gần đây đã được cải thiện đáng kể khi hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa hiệp trên nhiều lĩnh vực, từ cải cách tài chính đến trợ cấp thị trường, cho phép EU đạt được các thỏa thuận, thể hiện một mặt trận đoàn kết hơn. Thủ tướng Olaf Scholz cho biết, ông và Tổng thống Pháp có “mối quan hệ cá nhân rất tốt”, điều này được thể hiện rõ qua việc hai bên thường xuyên tham vấn. Ông cho rằng: “Sức mạnh của sự hợp tác đặc biệt đến từ việc chúng tôi thực hiện điều này ngay cả khi hai nước có những quan điểm khác biệt về các vấn đề riêng rẽ”.
Bên cạnh đó, chuyến thăm cũng nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là trong những lĩnh vực mũi nhọn và tiên tiến. Hai vị tổng thống đã đến thăm Viện Hệ thống vi mô quang tử Fraunhofer (IPMS), ở thung lũng Silicon của Dresden để nêu bật tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Pháp và Đức trong việc bảo đảm chủ quyền công nghệ của châu Âu, đặc biệt là trong lĩnh vực vi điện tử.
Để thúc đẩy và tăng cường hơn nữa sự hợp tác, Viện Fraunhofer và Ủy ban Năng lượng nguyên tử và Năng lượng thay thế Pháp (CEA) đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược như vi điện tử, công nghệ lượng tử, công nghệ năng lượng mặt trời, hydro, nền kinh tế tuần hoàn và các nguyên liệu thô quan trọng; từ đó giúp củng cố chủ quyền công nghệ của châu Âu.
Thúc đẩy một châu Âu thống nhất
Các chuyên gia nhận định rằng, bất chấp những khác biệt, sức sống của mối quan hệ Pháp - Đức có ý nghĩa rất quan trọng đối với động lực của lục địa châu Âu. Chính vì thế, chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia láng giềng của Tổng thống Emmanuel Macron trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu được hy vọng rằng Pháp và Đức có thể thổi luồng sinh khí mới vào mối quan hệ lịch sử trong nỗ lực tìm tiếng nói chung trong chương trình nghị sự sắp tới của EU.
Trong cuộc họp ngày 28.5 tại Meseberg ngoại ô Berlin, Tổng thống Pháp đã đề cập đến tương lai đáng lo ngại của EU, cho rằng EU hiện đang phải đối mặt với "kẻ thù bên ngoài và bên trong" với những mối nguy cơ hiện hữu đối với liên minh, ám chỉ lực lượng cực hữu với xu hướng bài châu Âu đang nổi lên ở các nước thành viên.
Ông Macron kêu gọi giới trẻ bỏ phiếu cho lực lượng thân EU trong cuộc bầu cử Nghị viện sắp tới. Ông cho biết, xu hướng nổi lên của những người theo chủ nghĩa dân tộc châu Âu đã đặt ra câu hỏi về nền dân chủ, và sự có mặt của họ trong cơ quan lập pháp châu Âu không giúp giải quyết các vấn đề về đại dịch, thách thức về di cư hay các vấn đề về biến đổi khí hậu… thay vào đó là sự chia rẽ và kéo lùi lịch sử.
Trước lời kêu gọi của Tổng thống Pháp, người đồng cấp Đức bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng, việc ông Emmanuel Macron xuất hiện tại Lễ hội Dân chủ kỷ niệm 75 năm Hiến pháp Cộng hòa Liên bang Đức, là “tín hiệu cho thấy chúng ta cần một liên minh của những người dân chủ ở châu Âu”.
Nghị viện châu Âu sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 6 tới ngày 9.6, với khoảng 400 triệu cử tri từ 27 nước EU sẽ chọn ra 720 thành viên nghị viện, những người sẽ quyết định mọi chính sách của khối. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy liên minh chính trị theo trường phái trung dung của ông Macron đang thất thế trước các nhóm cánh hữu. Tình trạng tương tự cũng diễn ra với chính trường Đức, khi ba đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz đều có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn đảng cánh hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD).
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/dong-luc-moi-cho-dau-tau-eu-i373193/