Động lực mới cho mối quan hệ truyền thống Nga - Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, ngày 22/4, tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã diễn ra Hội thảo khoa học và thực tiễn lần thứ 5 với chủ đề 'Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới'.

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Triển vọng phát triển quan hệ Nga - Việt trong giai đoạn mới”.
Hội thảo diễn ra tại thời điểm đầy ý nghĩa đối với quan hệ hai nước khi 2025 đánh dấu mốc kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và LB Nga (30/1/1950 - 30/1/2025).
Tham dự sự kiện là những nhà nghiên cứu Việt Nam có uy tín hàng đầu hiện nay tại Nga như Giáo sư Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương học; Phó giáo sư quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Nga Petr Tsvetov; Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Mazyrin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại; Giáo sư Vladimir Kolotov - Giám đốc Viện Hồ Chí Minh, Đại học quốc gia St.Petersburg, cùng đông đảo các học giả, chuyên gia, nghiên cứu sinh nghiên cứu và yêu mến đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.
Hơn 10 bài tham luận đã được trình bày tại Hội thảo, tập trung phân tích, đánh giá những khó khăn, tiềm năng trong quan hệ Nga - Việt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động hiện nay. Các đại biểu cũng thảo luận về những động lực mới cho quan hệ song phương trong thời gian tới.

Giáo sư Dmitry Mosyakov - Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại dương thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, chủ trì Hội thảo.
Các học giả khẳng định quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Nga - Việt Nam luôn được củng cố và ngày càng phát triển, thể hiện rõ qua tần suất các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước: Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam vào tháng 6/2024; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm Nga vào tháng 9/2024; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại Kazan, LB Nga vào tháng 10/2024; Thủ tướng LB Nga Mikhail Mitshustin thăm Việt Nam vào tháng 1/2025, bất chấp tình hình thế giới biến động mạnh mẽ, từ các cuộc xung đột vũ trang cho đến căng thẳng thương mại gia tăng… Việt Nam vẫn duy trì chính sách ngoại giao trung lập, làm bạn, làm đối tác tin cậy với tất cả các nước, trong đó có tình hữu nghị thủy chung với Liên Xô trước đây và LB Nga ngày nay.

Phó giáo sư Quan hệ quốc tế Học viện Ngoại giao Nga Petr Tsvetov, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt.
Về hợp tác kinh tế - thương mại, các học giả đánh giá mặc dù tiềm năng hợp tác vẫn còn nhiều dư địa nhưng kim ngạch song phương chưa đạt mức như kỳ vọng của lãnh đạo hai nước. Các nguyên nhân chính được các học giả kể tới là cơ cấu hợp tác vẫn còn hạn chế, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga cũng kìm hãm tiềm năng phát triển Nga - Việt. Một số học giả kỳ vọng, nếu tiến trình đàm phán Nga - Mỹ hiện nay sớm đạt kết quả tích cực sẽ tạo môi trường hợp tác thuận lợi hơn cho Nga và Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vladimir Mazyrin nhận định về những tiềm năng hợp tác Nga và Việt Nam trong thời gian tới, trước hết là trong lĩnh vực hợp tác năng lượng truyền thống, với sự tham gia của Tập đoàn Năng lượng Nga Gazprom trong việc khai thác, xử lý, vận chuyển và khí hóa nền kinh tế, nhất là trong giao thông đô thị.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Nga với nhiều năm kinh nghiệm và lợi thế cạnh tranh quốc tế có thể tham gia đấu thầu Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Ngoài ra, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực có xu hướng toàn cầu hiện nay như số hóa, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, an ninh mạng…