Động lực mới cho phát triển bền vững thể thao

Ngày 12/11, Bộ VHTT&DL tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao (TDTT) Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tới dự hội nghị có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Thanh Mai; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Triệu Thế Hùng; đại diện các bộ, ngành T.Ư; 63 Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh/thành; các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia...

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Chuyển đổi mạnh mẽ cho thể thao nước nhà

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác TDTT và đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng, chỉ đạo, tạo hành lang pháp lý để phát triển sự nghiệp TDTT. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT.

Sau hơn 10 năm triển khai, các chính sách đã phát huy hiệu quả thiết thực, tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được cũng tồn tại những hạn chế đòi hỏi thể thao Việt Nam phải khắc phục nếu muốn nâng cao thành tích.

Trên cơ sở đó, ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương khẳng định, Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một bước tiến mới, đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận và phát triển thể thao nước nhà. Đây cũng là cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư, phân bổ nguồn lực; khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng nền TDTT phát triển bền vững, chuyên nghiệp” đến năm 2045.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương phát biểu tại hội nghị.

"Việc thực hiện Chiến lược là một nhiệm vụ khó khăn nhưng đầy ý nghĩa. Thành công của Chiến lược không chỉ phụ thuộc vào sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội, của mỗi người dân. Tôi tin rằng, với sự quyết tâm cao và sự đồng lòng của cả nước, chúng ta sẽ biến những mục tiêu đề ra trong Chiến lược thành hiện thực, đưa thể thao Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh" - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Kỳ vọng chuyển biến tích cực và toàn diện

Tại hội nghị, đại diện các Sở VHTT&DL, Sở VH&TT cũng đã trình bày những ý kiến thảo luận nhằm hướng đến mục tiêu triển khai Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả tối ưu.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, TP Hà Nội đã có nhiều quy định nhằm phát triển TDTT, nhất là các quy định quan tâm đến chế độ, chính sách đối với HLV, VĐV. Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, đã tháo gỡ những vướng mắc về quản lý tài sản công và có quy định cụ thể ở Điều 21 về việc phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Trong đó quy định cụ thể về đầu tư nguồn lực phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng công trình thể thao hiện đại đạt tiêu chuẩn khu vực và thế giới; đào tạo, bồi dưỡng VĐV, HLV đạt trình độ quốc gia, quốc tế. Đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp... Những quy định này đã tạo cơ sở pháp lý cho thể thao Thủ đô phát triển.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng trình bày tham luận.

Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng trình bày tham luận.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở VH&TT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nam Nhân khẳng định, việc ban hành Chiến lược là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay khi sức khỏe và lối sống lành mạnh đã trở thành ưu tiên hàng đầu của người dân, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

Ngoài ra, Chiến lược còn đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường thể thao, thúc đẩy kinh tế thể thao và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ thể thao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần tăng trưởng kinh tế.

"TP Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa Chiến lược quốc gia bằng Đề án phát triển ngành TDTT TP đến năm 2035, với mục tiêu tạo nên một phong trào thể thao phát triển mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, đưa TP trở thành trung tâm thể thao lớn của khu vực Đông Nam Á" - ông Nguyễn Nam Nhân chia sẻ.

Hội nghị lắng nghe ý kiến tâm huyết của các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Hội nghị lắng nghe ý kiến tâm huyết của các bộ, ngành, địa phương, nhà quản lý, chuyên gia, các liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia.

Tại hội nghị đã có 12 tham luận trao đổi một cách thẳng thắn, sâu sắc, gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp quan trọng, phục vụ cho các bước triển khai Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực và toàn diện cho ngành thể thao nước nhà.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đề nghị các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung cốt lõi của Chiến lược. Đồng thời xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng.

"Các đơn vị cần đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển thể thao từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành, nhất là kinh tế thể thao. Đồng thời chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ công tác quản lý, điều hành, huấn luyện và các hoạt động thi đấu TDTT. Cùng với đó, nghiên cứu, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng phục vụ phát triển TDTT theo đúng định hướng Quy hoạch mạng lưới cơ sở thể thao, Chiến lược đã được phê duyệt" - Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kết luận.

Đặt mục tiêu bóng đá giành vé tham dự vòng chung kết FIFA World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045, ngoài giải pháp hoàn thiện hệ thống thi đấu theo mô hình hiện đại, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, y học thể thao hiện đại trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng bóng đá và phát triển các hoạt động kinh tế, dịch vụ trong lĩnh vực bóng đá, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tập trung đẩy mạnh đào tạo cầu thủ trẻ có thể lực, chuyên môn tốt, bản lĩnh, kinh nghiệm thi đấu trong nước, quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đầu tư các lứa cầu thủ 17 - 20 tuổi (tính ở thời điểm năm 2023), bởi khi đến thời điểm tổ chức World Cup 2030 và 2034, nhóm các cầu thủ này thuộc lứa tuổi “vàng” cho bóng đá đỉnh cao (từ 24 - 28 tuổi).

Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú

Ngọc Tú - Ngọc Mai

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-luc-moi-cho-phat-trien-ben-vung-the-thao.html