Động lực mới cho thị trường bất động sản
Năm 2024 được nhận định khó khăn đan xen cơ hội, cũng là năm bản lề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản với nhiều động lực mới.
Tâm lý ổn định, nhu cầu gia tăng
Dù chưa thực sự khởi sắc, song lần đầu tiên trong vài năm qua, thị trường bất động sản có chiều hướng “trở mình” cả về nguồn cung lẫn giao dịch thực tế. Khảo sát từ các doanh nghiệp, các đơn vị môi giới cho thấy, từ cuối quý III/2023, tâm lý thị trường đã ổn định hơn, mức độ quan tâm tới bất động sản tăng lên đáng kể.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, từ đầu năm 2024, tình trạng bán tháo nhà trong dự án như giai đoạn đầu năm 2023 đã không còn.
“Mặc dù tình hình chung vẫn chưa hết khó khăn, nhưng đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, thị trường bất động sản TP.HCM đã ổn định cả về tâm lý và giá cả”, bà Hương nhấn mạnh và cho biết, dù phải gần 1 năm nữa Luật Đất đai 2023 mới chính thức có hiệu lực, nhưng với quy định ngày càng chặt chẽ hơn về việc tiếp cận đất đai, khả năng dòng sản phẩm bất động sản đầy đủ pháp lý sẽ càng trở nên khan hiếm. Điều này kích thích nhiều người tìm kiếm bất động sản có giá trị để tích lũy tài sản.
Ghi nhận thực tế tại nhiều sàn giao dịch bất động sản ở TP.HCM những ngày đầu năm 2024 đều cho thấy, hoạt động tìm mua bất động sản đã cải thiện đáng kể so với trước đó. Ông La Cẩm Nam, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản An Phúc Lộc cho biết, thực tế, thời gian qua, có nhà đầu tư chịu áp lực nợ vay lớn buộc phải bán giảm giá bất động sản để dòng tiền trả nợ, nhưng không nhiều. Dẫu vậy, với dòng sản phẩm nhà phố và căn hộ đáp ứng nhu cầu thực không những không giảm giá, mà còn tăng lên.
Không chỉ thị trường địa ốc có tín hiệu “đảo chiều”, khí thế của nhiều doanh nghiệp cũng tăng cao với kế hoạch triển khai nhiều dự án mới cũng như sẵn sàng bung hàng ra thị trường.
Nguồn tin từ Gamuda Land cho biết, chủ đầu tư này chuẩn bị công bố ra thị trường dự án căn hộ cao cấp Eaton Park tại TP. Thủ Đức, TP.HCM. Đây là dự án Gamuda Land mua lại từ Công ty Tâm Lực với kế hoạch xây dự án quy mô gần 2.000 căn hộ. Dù chưa được công bố chính thức, song theo chia sẻ từ các đơn vị môi giới, giá bán sản phẩm tại dự án này dao động từ 6.000-7.000 USD/m2, tương đương từ 147,6-172,2 triệu đồng/m2.
Còn theo tiết lộ của đại diện Tập đoàn Vạn Phúc, trong năm nay, dự án căn hộ thành phần trong Khu đô thị Vạn Phúc cũng tại TP. Thủ Đức sẽ chính thức được công bố, cung cấp cho thị trường khoảng 600 căn hộ cao cấp với với mức giá không dưới 100 triệu đồng/m2.
Tương tự, một nhà phát triển bất động sản lớn khác là Masterise Homes cũng có kế hoạch khởi công phân khu cao tầng nằm trong đô thị The Global City tại quận 2...
Ở phân khúc thấp hơn, nguồn cung chủ yếu xuất hiện tại Bình Dương. Cụ thể, trong quý I/2024, Phú Đông Group dự kiến công bố dự án Phú Đông Sky One tại TP. Dĩ An, cung cấp ra thị trường 780 căn hộ diện tích từ 42-75 m2, đơn giá bán trung bình từ 30-32 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết sẽ đưa ra thị trường khoảng 5.000 căn hộ trong năm nay. Một dự án khác tại TP. Dĩ An dự kiến “chào sân” năm 2024 là Picity Sky Park của Tập đoàn Pi Group, tọa lạc gần trung tâm hành chính TP. Dĩ An quy mô hơn 1 ha với 1.794 sản phẩm căn hộ…
Nhiều động lực tạo đà
Theo các chuyên gia, năm 2024 sẽ là năm bản lề cho sự hồi phục của thị trường bất động sản với nhiều động lực. Thực tế, Chính phủ đang quyết tâm vực dậy thị trường với hàng loạt quyết sách, tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy sự phục hồi của thị trường, đặc biệt là về thể chế, hành lang pháp lý.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục hạ lãi suất điều hành để tăng dư địa giảm lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay và tính đến hiện tại, mặt bằng lãi vay đã giảm khoảng 3%/năm so với đầu năm 2023, góp phần thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, với các thị trường có nhu cầu nhà ở lớn như TP.HCM hay Hà Nội, dù ở giai đoạn khó khăn nào cũng không phải lo giá nhà giảm hay không bán được vì cầu luôn lớn hơn cung, có chăng chỉ là giao dịch tạm thời chững lại trước khi bật tăng cùng với đà hồi phục của thị trường.
Với thị trường bất động sản TP.HCM, động lực lớn để có thể sớm phục hồi là kỳ vọng về sự đột phá từ cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Các chuyên gia cho rằng, khi chính sách này được triển khai mạnh mẽ sẽ mang đến một làn gió mới, làm thay đổi diện mạo TP.HCM. Trong đó, cơ chế về việc triển khai các công trình hạ tầng giao thông sẽ trở thành bệ phóng mới. Nghị quyết 98 sẽ cho phép TP.HCM được làm BOT trên đường hiện hữu, thực hiện dự án BT trả chậm bằng tiền. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ được khai thác quỹ đất và hình thành các dự án độc lập được quy hoạch theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) của tuyến metro số 1, metro số 2 và một số nút giao, khu đất tiềm năng của tuyến đường Vành đai 3.
Khởi đầu cho việc áp dụng cơ chế từ Nghị quyết 98 là việc HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư xây dựng 5 công trình dự án giao thông quan trọng bằng hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Cụ thể, ở cửa ngõ phía Đông, dự án mở rộng Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương và TP. Thủ Đức dài 5,9 km. Ở phía Tây là dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An; ở phía Nam là dự án nâng cấp trục cao tốc Bắc - Nam từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3 cũng sẽ được triển khai trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2028.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-luc-moi-cho-thi-truong-bat-dong-san-post339900.html