Động lực mới, cơ chế mới để tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn: Nắm chặt tay, bước tới...
Cách nay vài tháng, khi nghe phong thanh tỉnh Đồng Nai sáp nhập với tỉnh Bình Phước, trong dư luận có người tỏ ra quan ngại nhưng các nhà hoạch định hiểu được tư duy chiến lược của Trung ương khi quyết định sáp nhập 2 địa phương này. Còn những người già hay sống trong hoài niệm thì nghĩ: 'châu về hợp phố', nắm chặt tay, bước tới...

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, trao nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập tỉnh Đồng Nai cho đồng chí Vũ Hồng Văn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Huy Anh
1. Sách Gia Định thành thông chí do cụ Trịnh Hoài Đức, một người con của làng Bình Trước (Trấn Biên), in năm 1820, trong phần Sơn Xuyên chí (quyển 2) gọi sông Đồng Nai là Phước Long giang. Trước đó 122 năm, khi Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, sắp xếp bộ máy hành chính ở phương Nam, người ta thấy có danh xưng huyện Phước Long (Biên Hòa) cùng với huyện Tân Bình (Gia Định) là 2 huyện đầu tiên của vùng đất mới. Đến năm 1808, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ Phước Long cũng thuộc Trấn Biên Hòa (thời Ngũ trấn).
Đến năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi vùng đất “Ngũ trấn” có từ thời Gia Long thành “Nam Kỳ lục tỉnh”. Trấn Biên Hòa trở thành tỉnh Biên Hòa. Tỉnh Biên Hòa hồi ấy rất rộng, bao gồm cả Bình Phước ngày nay.
Sau bao biến thiên của lịch sử, đến năm 1956, bằng Sắc lệnh số 143 ban hành ngày 22-10, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho thành lập tỉnh Phước Long.
Như vậy, danh xưng Phước Long có rất sớm ở Nam Bộ, từ huyện, phủ đến tỉnh.
Thế thì danh xưng Bình Phước có từ lúc nào? Có người giải thích: Danh xưng Bình Phước có sau năm 1975. Không phải như vậy. Thật ra, năm 1960, cách mạng cũng lập ra tỉnh Phước Long, có lúc gọi là Khu 10, rồi Phân khu 10. Đến năm 1972, Trung ương Cục đổi tên Phân khu 10 thành Phân khu Bình Phước và đến đầu năm 1973, phân khu này đổi tên thành tỉnh Bình Phước, trực thuộc Khu ủy miền Đông, do ông Lê Quang Chữ làm Bí thư.
Còn danh xưng Đồng Nai (Nông Nại) cũng có từ thuở Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược phương Nam. Danh xưng Đồng Nai từ ấy trở thành danh xưng hành chính trong văn bản của nhà nước nhưng trước đó, danh xưng này đã có rồi nên người Hoa mới đọc trại Đồng Nai thành Nông Nại. Những câu thơ như: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai”, “Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng”... có thể đã có trước khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam. Nhưng đối với cư dân ở ngoài Bắc, ngoài miền Ngũ Quảng thuở ấy, khi nhắc đến địa danh Đồng Nai là người ta ám chỉ cả Nam Bộ, chứ không khu biệt trong địa giới hành chính sau này.
Đến thế kỷ XVIII (1747), địa danh Đồng Nai xuất hiện trong một báo cáo của các giáo sĩ Công giáo gửi về châu Âu với tên gọi Dou-nai và đến năm 1772, địa danh Đồng Nai (Dou-nai) được Pigneau de Béhaine đưa vào từ điển An Nam - Latinh. Tuy nhiên, đến năm 1899, danh xưng Đồng Nai mới xuất hiện trong văn bản hành chính với việc Toàn quyền Đông Dương Paul Poumer ban hành quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai thượng (Province du Haut - Dounai) ở vùng thượng lưu sông Đồng Nai, nhưng tỉnh Đồng Nai thượng chỉ tồn tại được 4 năm thì bị bãi bỏ (1903). Năm 1920, tức 16 năm sau, tỉnh Đồng Nai thượng được tái lập, cho đến năm 1957 mới được đổi tên.
Đến năm 1976, một lần nữa danh xưng Đồng Nai được xác lập trên bản đồ hành chính của Việt Nam qua việc Quốc hội có nghị quyết thành lập tỉnh Đồng Nai trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú (có một phần diện tích của tỉnh Đồng Nai thượng) và tỉnh Biên Hòa.
Danh xưng Biên Hòa có từ năm 1808, khi vua Gia Long cho đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa và đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn Biên Hòa thành tỉnh Biên Hòa.
Sau ngày đất nước thống nhất, khi tỉnh Đồng Nai được thành lập thì thị xã Biên Hòa được nâng lên thành phố và trở thành lỵ sở của tỉnh mang tên dòng sông. Hiện nay, thành phố Biên Hòa trước ngày 1-7-2025 là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai có dân số hơn 1,2 triệu người.
Biên Hòa đã góp phần tạo nên một dáng đứng Đồng Nai công nghiệp hóa, một góc, một cạnh quan trọng trong tứ giác động lực thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tiết mục văn nghệ tại Lễ Công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính của tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Huy Anh
2. Năm 1965, người dân các đô thị miền Nam như: Biên Hòa, Sài Gòn, Thủ Dầu Một... trong khi lén nghe Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam (hay gọi là Đài Hà Nội), Đài Giải phóng, thỉnh thoảng nghe bài hát với ca từ hùng tráng: “Đồng chí ơi, người chiến sĩ giải phóng quân/ Miền Nam anh hùng thành đồng Tổ quốc/ Anh đi về đâu, từ Quy Nhơn đến Biên Hòa/ Vượt qua Sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”... Đó là ca từ mở đầu của bài hát Mỗi bước ta đi do nhạc sĩ Thuận Yến - Đoàn Hữu Công, người con ruột rà của quê hương Duy Xuyên, Quảng Nam sáng tác. Bài ca có nhạc điệu và ca từ hùng tráng, mỗi khi cất lên có tác dụng động viên bộ đội (và cả dân chính) vươn lên, xốc tới... Bài hát có tính lịch sử này sau ngày đất nước thống nhất được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh - truyền hình Sông Bé, sau này là nhạc hiệu của Đài Phát thanh - truyền hình Bình Phước.
Gọi là một sáng tác có tính lịch sử, bởi nó phản ánh đúng tâm trạng của người lính lúc bấy giờ và lạc quan dự báo thắng lợi ở tương lai... Nhạc sĩ Thuận Yến đã đưa dòng sông Bé nhỏ nhoi, âm thầm chảy trong rừng sâu được bay bổng trên không trung, rồi vang âm ra cả nước. Đặc biệt, qua Chiến dịch đường 14 - Phước Long, sau 13 ngày chiến đấu vô cùng ác liệt, các đơn vị của Quân đoàn 4 do tướng Hoàng Cầm chỉ huy, đã chiếm lĩnh tỉnh Phước Long - trận đánh được đánh giá là “đòn trinh sát chiến lược”.
Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh quân Giải phóng miền Nam đã từng phát biểu: “Nếu không có Chiến thắng đường 14 - Phước Long sẽ không có Chiến dịch Hồ Chí Minh...”.
Đó là sự kiện rất đẹp qua hình ảnh chiến sĩ Đặng Văn Hoan cắm cờ giải phóng lên cột cờ của dinh Tỉnh trưởng Phước Long vào lúc 10h30 ngày 6-1-1975 - mở đầu cho một kết thúc tuyệt đẹp với việc anh Bùi Quang Thận cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập - trung tâm quyền lực của Việt Nam Cộng hòa hồi 11h30 ngày 30-4-1975, kết thúc 30 năm cuộc kháng chiến 10 ngàn ngày.
Phước Long - Bình Phước và Biên Hòa - Đồng Nai là 2 vùng đất cổ xưa, liền một dãy với đầy ắp trầm tích văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, cùng chung một tán rừng “miền Đông gian lao mà anh dũng”; tì súng đứng chung một chiến hào của “Chiến khu Đ còn, Sài Gòn mất”... Đó là những ngón tay chung một bàn tay mà sông Đồng Nai chảy qua Bình Phước - Đồng Nai, Sông Bé hợp lưu với sông Đồng Nai ở ngã ba Hiếu Liêm, chiếc cầu sẽ bắc qua Mã Đà... là những khúc ruột rà kết nối, là những động mạch chủ trong cơ thể cường tráng, năng nổ với cái đầu có nhiều neuron thần kinh thông tuệ.
Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai mới (2025) sẽ có dân số trên 4,4 triệu người, đứng thứ 3 về dân số; hơn 12.700km2, đứng thứ 5 về quy mô diện tích và các chỉ tiêu GRDP, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người đều đứng thứ 4 cả nước.
Với những tiền đề như kể trên, người dân tin rằng: Tiềm năng về con người, lợi thế về đất đai, dư địa phát triển sẽ được khơi thông; truyền thống về văn hóa, lịch sử được phát huy, tỉnh Đồng Nai thế kỷ XXI sẽ không chỉ phát triển theo cấp số cộng, mà sẽ phát triển theo cấp số nhân. Với 4 con rồng: Long Thành, Long Khánh, Phước Long và Bình Long, cư dân Đồng Nai thời công nghiệp 4.0 có quyền hy vọng về một Đồng Nai hiện đại, văn minh, nghĩa tình, bứt phá bay cao, bay xa trong kỷ nguyên mới.
Những bàn tay hãy nắm chặt bàn tay, mạnh mẽ bước tới...