Động lực mới, cơ chế mới để tỉnh Đồng Nai phát triển nhanh hơn, bền vững hơn: Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để Đồng Nai mới phát triển ( Bài 1)

Tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12,7 ngàn km2, có công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ… phát triển. Do đó, người dân kỳ vọng với một không gian mới, mở rộng, tỉnh Đồng Nai sẽ nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch phù hợp để phát triển thành trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ xanh của Việt Nam.

Phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai. Ảnh:CV.T

Phường Bình Phước, tỉnh Đồng Nai. Ảnh:CV.T

Bài 1: Điều chỉnh quy hoạch, phát huy tối đa không gian phát triển tỉnh Đồng Nai mới

Tỉnh Đồng Nai mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước sẽ mở ra một không gian phát triển mới. Điều này đặt ra yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại Quy hoạch tỉnh phù hợp với bối cảnh, không gian phát triển mới.

Từ đó, phát huy tối đa lợi thế không gian, tiềm năng, thế mạnh phát triển của địa phương mới.

Định hướng lại quy hoạch để hướng đến thành tựu lớn

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai (cũ) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3-7-2024. Trong khi đó, Quy hoạch tỉnh Bình Phước (cũ) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024. Đây đều là những bản quy hoạch chất lượng, được đầu tư công phu, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương trong quá trình phát triển.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh VÕ TẤN ĐỨC nhấn mạnh, tỉnh Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Với vị trí địa lý thuận lợi, Đồng Nai có nhiều cơ hội, không gian phát triển sau khi sáp nhập.

Tuy vậy, trong quá trình vận động và phát triển kinh tế - xã hội, Trung ương Đảng, Chính phủ đã xem xét một cách toàn diện những vấn đề về không gian kinh tế chung của đất nước và từng địa phương. Trên cơ sở đó, thực hiện “cuộc cách mạng” về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh nhằm mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương, tạo động lực mạnh mẽ để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Trong đó, tỉnh Bình Phước sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới. Điều này tạo ra những thay đổi về không gian phát triển, những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh mới.

Với trường hợp của tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch cũ, địa giới hành chính của tỉnh không có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Tuy nhiên, với việc sáp nhập tỉnh Bình Phước, tỉnh Đồng Nai có gần 260km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia.

Theo TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners, khi sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Đồng Nai thành tỉnh Đồng Nai mới, cục diện phát triển đã hoàn toàn khác. Do đó, quy hoạch của tỉnh mới cần phải được điều chỉnh.

Ông Sơn cho rằng, không nên lấy quy hoạch thành phần của các quy hoạch đã được phê duyệt để thực hiện. Bởi lúc đó, thành tựu mà các quy hoạch này mang lại có khi chỉ dừng ở mức 4-5 điểm. Trong khi đó, nếu định hướng, điều chỉnh phù hợp thì thành tựu từ bản quy hoạch mới có thể đạt 9-10 điểm.

“Đây là vấn đề của một bên là bài toán cộng và một bên là bài toán nhân. Chúng ta phải có nhận định mới về tình hình phát triển để nắm bắt được những cơ hội mới từ việc sáp nhập tỉnh, cũng như những nguy cơ có thể xảy ra” - ông Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm.

Cùng chung nhận định, kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, cho rằng cần có sự rà soát để điều chỉnh phù hợp các quy hoạch đã được phê duyệt thành một quy hoạch mới đáp ứng với điều kiện, bối cảnh của tỉnh mới. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông, cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị.

Đưa Đồng Nai trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu Việt Nam

Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, sau hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới nằm trong tốp đầu cả nước về quy mô dân số, diện tích và quy mô nền kinh tế. Tỉnh Đồng Nai mới có vị trí quan trọng, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ liên vùng, là “thủ phủ” công nghiệp lớn nhất cả nước. Với vị trí này, Đồng Nai mới sẽ trở thành trục hành lang kinh tế quan trọng, mạng lưới giao thông đa dạng, đa phương thức (hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy) với Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành là cửa ngõ hàng không quốc tế của Việt Nam, Cảng Phước An là trung tâm cảng biển lớn của cả nước.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Nai mới. Trong ảnh: Một góc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.

Thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đồng Nai mới. Trong ảnh: Một góc phường Trấn Biên, tỉnh Đồng Nai.

“Do đó, mục tiêu phát triển hướng tới của tỉnh là sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ logistics hàng đầu Việt Nam” - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức nhấn mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, việc điều chỉnh, định hướng lại quy hoạch phù hợp với bối cảnh, tình hình mới là rất cần thiết. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh đã có những bước đi đầu tiên đối với công việc quan trọng này.

Trong Văn bản số 6481/UBND-THNC ngày 27-5-2025 của UBND tỉnh gửi các đơn vị về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính chủ trì, tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, sau khi Đề án Hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp đó, trong Báo cáo số 200/BC-UBND ngày 20-6-2025 của UBND tỉnh gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 16-6-2025 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh, một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau khi hợp nhất tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước thành tỉnh Đồng Nai mới.

Phạm Tùng

Bài 2: Sẽ trở thành trung tâm công nghiệp xanh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202507/dong-luc-moi-co-che-moi-de-tinh-dong-nai-phat-trien-nhanh-hon-ben-vung-hon-phat-huy-toi-da-tiem-nang-the-manh-de-dong-nai-moi-phat-trien-bai-1-0b615d5/