Động lực mới phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam bộ
Trong hai ngày 17, 18-6, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm vùng Nam bộ được khởi công, trong đó có nhiều dự án đường cao tốc liên vùng. Không khí hào hứng, phấn khởi diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố; bởi lẽ, khi các tuyến đường này hoàn thành sẽ là cơ sở quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng Nam bộ.
Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: Chờ bấm nút
Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là trục ngang huyết mạch của vùng ĐBSCL, chỉ chờ được bấm nút khởi công vào sáng nay 17-6. Dự án đi qua 4 địa phương: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng. Dự án này được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 60/2022/QH15 (ngày 16-6-2022), được Chính phủ ban hành Nghị quyết số 91/NQ-CP (ngày 25-7-2022) để triển khai thực hiện. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, với nhiều nỗ lực trong triển khai các thủ tục cần thiết, dự án đã sẵn sàng khởi công, đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng của gần 20 triệu người dân vùng ĐBSCL.
Lễ khởi công dự án diễn ra vào sáng nay 17-6, tại điểm cầu chính là TP Châu Đốc (An Giang), đồng thời kết nối với các điểm cầu Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng theo hình thức trực tuyến. Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đến thời điểm này, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện phê duyệt và chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) đạt 63% diện tích, với 1.054 hộ dân, tổng số tiền 374,12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật, tư vấn thẩm tra, tư vấn lập phương án kỹ thuật thi công, dự toán rà phá bom mìn và kiểm toán… đều đã hoàn thành và đảm bảo tiến độ.
TPHCM đã sẵn sàng
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, hiện tại mọi công tác chuẩn bị cho việc khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM vào ngày 18-6 cơ bản đã hoàn tất. Đây là sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong công tác chỉ đạo triển khai các phần việc của dự án để tạo bước ngoặt cho phát triển kinh tế thành phố.
Theo ông Lương Minh Phúc, năm 2023, dự án đường Vành đai 3 TPHCM được giao giải ngân 23.000 tỷ đồng, chiếm 80% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Hiện dự án thành phần 2 giải phóng mặt bằng đã chi trả khoảng 9.000 tỷ đồng, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư để khởi công.
Sở GTVT TPHCM thông tin, đến nay đã có 335/410ha đất được người dân bàn giao phục vụ thi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM. Đặc biệt, có những địa phương có tỷ lệ thu hồi, bàn giao đất vượt chỉ tiêu đặt ra, như huyện Hóc Môn (93%), huyện Bình Chánh (86%). “Việc hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch BTGPMB giai đoạn 1 và đảm bảo khởi công dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM đúng tiến độ đề ra sau 1 năm phấn đấu là kết quả của sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương; sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TPHCM, ban chỉ đạo, ban chỉ huy các dự án thành phần, hội đồng cố vấn, các sở, ngành và sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo, của Ban BTGPMB và cả hệ thống chính trị 4 địa phương. Đặc biệt là nhờ sự đồng thuận, của người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án”, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Phan Công Bằng chia sẻ.
Bên cạnh đó, công tác đấu thầu lựa chọn các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát được triển khai đúng theo tiến độ, đảm bảo ngay sau lễ khởi công, các đơn vị triển khai thi công đồng loạt trên địa bàn 4 địa phương với mục tiêu: quyết tâm thông xe toàn tuyến đường Vành đai 3 TPHCM vào cuối năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026 như kế hoạch.
Song song đó, tổ công tác chuyên trách về mỏ vật liệu xây dựng đang rà soát số lượng, trữ lượng mỏ vật liệu xây dựng cùng phương án khai thác mỏ nhằm đảm bảo nguồn cung vật liệu triển khai thi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM. UBND TPHCM giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các địa phương khảo sát, điều phối nguồn vật liệu, đảm bảo khả năng cung cấp vật liệu theo tiến độ toàn dự án.
Các dự án sắp sửa khởi công
Quý 3-2023: Dự án cầu Đại Ngãi trên QL60; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ qua tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ; QL14B qua TP Đà Nẵng.
Quý 4-2023: Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi qua TP Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; cải tạo, mở rộng QL2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, tỉnh Vĩnh Phúc; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa; cải tạo, nâng cấp QL28B qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn.
Đông Nam bộ: Tốc hành cho kịp tiến độ
Chưa bao giờ công tác tiến hành các thủ tục để khởi công dự án đường Vành đai 3 TPHCM, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương lại triển khai khẩn trương như thời gian qua. Từ ngày 2-6-2023, TP Thủ Dầu Một đã “tiên phong” chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho 53 trường hợp chịu ảnh hưởng bởi dự án; và ngay trong sáng cùng ngày đã giải ngân gần 290 tỷ đồng, đạt 37,4%. Tại TP Thuận An, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TP Thuận An, yêu cầu các ngành khẩn trương hoàn thiện các phần việc còn lại để đến ngày 15-6 triển khai chi trả đền bù, hỗ trợ cho người dân, sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, xây dựng đồng bộ dự án đường Vành đai 3 TPHCM.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, dự án thành phần 3 đường Vành đai 3 TPHCM có chiều dài gần 12km qua huyện Nhơn Trạch do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư 2.584 tỷ đồng, hiện đang giải tỏa, đền bù, sẵn sàng khởi công.
Dự án thành phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua tỉnh Đồng Nai, dự kiến khởi công vào ngày 18-6. UBND TP Biên Hòa đã ban hành thông báo thu hồi đất và phê duyệt kế hoạch khảo sát đo đạc, kiểm đếm. Huyện Long Thành đang thông báo thu hồi đất, điều tra, khảo sát đo đạc và kiểm đếm để thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB ở thị xã Phú Mỹ song đến nay cũng cơ bản hoàn tất. Đáng chú ý, có hàng chục hộ dân đã giao mặt bằng nhưng chưa nhận tiền đền bù thực hiện dự án, thể hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân giao đất làm dự án đạt hiệu quả rất cao. Dự kiến trong ngày 18-6, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ đồng loạt khởi công 2 dự án trọng điểm theo đúng tiến độ mà Chính phủ đã đề ra.
Khởi công dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài hơn 117km, điểm đầu tại cảng Nam Vân Phong (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), điểm cuối thuộc địa phận xã Hòa Đông (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng. Dự án gồm 3 dự án thành phần: dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32km thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng, do UBND tỉnh Khánh Hòa là cơ quan chủ quản thực hiện; dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng, do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thực hiện; dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản thực hiện.
Theo ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuyến đường cao tốc sẽ nâng cao khả năng kết nối vùng, tạo sức bật trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
-------------------------------------------
Mở ra cơ hội kết nối liên vùng
Những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, chiến lược sắp sửa khởi công sẽ mở rộng cửa ngõ cho vùng Nam bộ và TPHCM. Không chỉ vậy, “cánh cửa mới” này còn là cơ hội để phát triển kinh tế, thay đổi văn hóa giao thông, tăng cường kết nối liên vùng.
Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Bước ngoặt quan trọng
Sau hơn 20 năm sử dụng, đến nay, quốc lộ 91 (đoạn qua tỉnh An Giang) đã xuống cấp rất nặng nề, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Nghiêm trọng hơn là khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông, gây ùn tắc giao thông cục bộ trên toàn tuyến và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Do đó, việc xây dựng dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là một bước ngoặt quan trọng, sẽ phá thế “độc đạo” của quốc lộ 91 từ cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (An Giang) đến TP Cần Thơ. Dự án này sẽ kết nối nội vùng ĐBSCL, giúp bà con lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt, tạo ra sức bật mới cho toàn vùng.
Ông TRẦN VĂN LÂU, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Kết nối liên vùng
Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL chưa đáp ứng được nhu cầu và có lúc trở thành “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Dự án đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đầu tư xây dựng sẽ giúp hình thành trục ngang trung tâm vùng ĐBSCL. Từ trục ngang huyết mạch này sẽ giúp kết nối các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Tây Bắc - Đông Nam. Qua đó, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng ĐBSCL, trong đó có Sóc Trăng, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngày càng được đồng bộ, hiện đại. Có thể thấy, dự án mang ý nghĩa, vai trò to lớn đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của vùng, đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của gần 20 triệu người dân.
Ông BÙI VĂN QUẢN, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM: Cần nhanh hơn nữa
Những năm qua, chi phí chở hàng của các doanh nghiệp trong Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM ở khu vực Nam bộ luôn rất cao do đường thường xuyên bị ùn tắc. Do đó, các doanh nghiệp vận tải rất vui trước việc Chính phủ đầu tư mạnh mẽ cho giao thông vùng Nam bộ, đặc biệt là các đường cao tốc. Tuy các chuyến hàng chở bằng xe container hay xe đông lạnh lớn ít khi đi bằng đường cao tốc do phí cao, nhưng sự xuất hiện của các tuyến đường này sẽ giúp chia tải cho các tuyến quốc lộ hiện hữu. Theo đó, xe du lịch, xe hơi cá nhân thường sẽ chọn đi đường cao tốc và các tuyến quốc lộ sẽ rộng rãi hơn cho xe tải, xe container…
Thế nhưng, so với nhu cầu vận tải, hệ thống đường của khu vực Nam bộ vẫn chưa đáp ứng đủ. Trước mắt, Bộ GTVT nên nhanh chóng hoàn thiện đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vì đây là tuyến đường sẽ giúp các phương tiện giao thông từ miền Tây lên miền Đông Nam bộ nếu không vào nội thành TPHCM thì có thể đi tránh bằng tuyến đường này. Nội thành TPHCM vì thế cũng được giảm tải và an toàn hơn cho người tham gia giao thông. Kế tiếp là mở rộng 3 đường cao tốc hiện hữu: TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là những tuyến đường huyết mạch của khu vực, nên nếu thông thoáng sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải hoạt động hiệu quả hơn.
Ông LÊ TRUNG TÍNH, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TPHCM: Nên đầu tư hoàn chỉnh các đường cao tốc
Giao thông thuận lợi thì ngành vận tải sẽ có điều kiện tiết kiệm chi phí nhiên liệu và thời gian đi lại. Mong rằng với các dự án đường cao tốc sẽ khởi công dịp này, Bộ GTVT, các địa phương và bộ, ngành liên quan quan tâm thúc đẩy, thi công đúng tiến độ và chất lượng.
Về nguyên tắc, tốc độ các đường cao tốc phải khoảng 100km/giờ mới phát huy hết hiệu quả. Với tốc độ đó, để đảm bảo an toàn, đường cao tốc phải có làn dừng khẩn cấp và các trạm dừng dọc đường. Đề nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư hoàn chỉnh theo các tiêu chuẩn này, để việc lưu thông trên các đường cao tốc được an toàn.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-luc-moi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-nam-bo-post693973.html