Động lực mới thúc đẩy kinh tế tăng trưởng

Bước sang năm 2025, nhiều cơ chế chính sách mới được thông qua, nhất là Luật Đất đai 2024 sẽ chính thức có hiệu lực, đó là hành lang pháp lý để tỉnh sớm ban hành giá đất, giải “cơn khát” đất san lấp mặt bằng, tạo động lực, điểm tựa để các dự án công nghiệp, giao thông trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ, nắm bắt thời cơ, đón dòng vốn đầu tư, thúc đẩy kinh tế phục hồi và phát triển.

Tăng tốc thi công hạ tầng khu công nghiệp Sông Lô II (Sông Lô) tạo điểm nhấn thu hút đầu tư trong năm 2025.

Tăng tốc thi công hạ tầng khu công nghiệp Sông Lô II (Sông Lô) tạo điểm nhấn thu hút đầu tư trong năm 2025.

2024 là một năm đầy thách thức với kinh tế Vĩnh Phúc khi phải đối diện với những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, song, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra đúng hướng, hiệu quả, tỷ trọng ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn dần được nâng lên, đưa công nghiệp đi vào chiều sâu, hình thành những trụ đỡ mới giúp kinh tế của tỉnh đạt được những tín hiệu khả quan.

Quy mô GRDP theo giá hiện hành ước đạt khoảng 172.000 - 173.000 tỷ đồng, tăng 8,8 - 9,3% so với năm 2023; giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 140 - 141 triệu đồng/năm, tăng 7,5 - 8%, tương đương tăng khoảng 9,8 triệu đồng so với năm 2023.

Tuy nhiên, sự phát triển là chưa tương xứng với tiềm năng, khi nhiều dự án giao thông, dự án công nghiệp quan trọng của tỉnh còn gặp vướng mắc, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Từ ngày 1/1/2025, luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý để tỉnh xây dựng thêm các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn về việc ban hành giá đất, giá cho thuê đất, từ đó “cởi trói” cho các khu công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ cho thuê đất cũng như hạ tầng, đưa các nhà máy đi vào hoạt động, tạo ra nhiều việc làm, mở rộng quy mô nền kinh tế.

Tại khu công nghiệp Sông Lô II (Sông Lô), khí thế ra quân sôi nổi, các tổ đội cùng nhiều máy móc thiết bị hoạt động với cường độ cao và quyết tâm, kỳ vọng sớm hoàn thành các hạng mục hạ tầng quan trọng, tiến tới cho thuê đất trong năm 2025, thúc đẩy công nghiệp huyện Sông Lô phát triển.

Đến nay, các tuyến đường trung tâm của khu công nghiệp mới đang dần được hình thành. Khu vực nhà điều hành, nhiều máy ủi, máy lu đang tiến hành san lấp mặt bằng, sẵn sàng cho công tác chuẩn bị xây dựng khối nhà điều hành ngay đầu năm.

Tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút thêm các dự án công nghiệp điện tử, xây chắc trụ đỡ mới cho kinh tế tỉnh.

Tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút thêm các dự án công nghiệp điện tử, xây chắc trụ đỡ mới cho kinh tế tỉnh.

Với bề dày kinh nghiệm trong kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) được tỉnh lựa chọn là nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Sông Lô II - một trong những khu công nghiệp giàu tiềm năng phát triển giai đoạn 2025 - 2030 của tỉnh.

Với các dự án giao thông, năm 2025 sẽ là năm bản lề để hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo mục tiêu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Ông Nguyễn Ngọc Chương, đại diện Công ty TNHH Hưng Phát (Bình Xuyên), đơn vị nhà thầu thi công một số tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Bình Xuyên chia sẻ: Những vướng mắc về mặt bằng chưa được giải quyết làm tiến độ thi công các dự án bị ảnh hưởng lớn. Tin rằng, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, khi giá đất được tỉnh công bố, nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng sẽ được tháo gỡ. Để sẵn sàng tăng tốc thi công ngay sau khi có mặt bằng, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ nguồn nguyên, vật liệu, kỳ vọng bứt phá trong năm 2025.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã đặt ra những mục tiêu phát triển mới cho ngành Giao thông vận tải trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, có khả năng kết nối liên vùng, tạo ra những trục phát triển mới cho kinh tế Vĩnh Phúc những năm tiếp theo.

Ngay những ngày đầu năm 2025, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (Việt Nam SuperPort) đã tổ chức Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) và Công ty TNHH Tập đoàn đường sắt Trung Quốc 16 Việt Nam (thuộc Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc) về việc phát triển hạ tầng logistics đường sắt.

Đó là những tín hiệu rất tích cực, cho thấy không chỉ chính quyền tỉnh quyết tâm hoàn thiện hạ tầng mà các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng thể hiện tốt vai trò, sứ mệnh trong công cuộc xây dựng quê hương Vĩnh Phúc giàu mạnh.

Phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề cho xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2026-2030, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu GRDP tăng từ 8 - 9%, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng từ 10,5 - 12%; dịch vụ tăng từ 8 - 8,5%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5 - 3%. Tổng thu ngân sách đạt 27.026 tỷ đồng; thu hút 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,3%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%...

Đây là những mục tiêu cụ thể, cho thấy quyết tâm của chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc ngay những ngày đầu năm mới. Với những cơ chế chính sách mới sẽ sớm được thông qua, tạo ra động lực mới thúc đẩy kinh tế của tỉnh bứt phá trong năm 2025.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122629//dong-luc-moi-thuc-day-kinh-te-tang-truong