Động lực mới từ nền tảng văn hóa
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp phát triển văn hóa Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Đặc biệt, Đồng Nai đã quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa
Với phương châm hướng về cơ sở, lấy nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân làm nội dung trọng tâm, Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Trong đó, các địa phương chú trọng xây dựng gia đình, ấp, khu phố văn hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa thể thao, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ được Đồng Nai đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2020 đến nay, đã tiến hành kiểm kê trên 1,4 ngàn di tích phổ thông; lập hồ sơ xếp hạng 14 di tích; đầu tư trùng tu, tôn tạo 14 di tích và đang trùng tu, tôn tạo các di tích với tổng kinh phí hơn 131 tỷ đồng (từ nguồn ngân sách 93,4%, xã hội hóa 6,4%). Toàn tỉnh hiện có 3 bảo vật quốc gia gồm: tượng thần Vishnu Bình Hòa, bộ sưu tập Qua đồng Long Giao và sưu tập Đàn đá Bình Đa.
Mục tiêu cụ thể trong phát triển văn hóa đến năm 2030, phấn đấu giữ vững 97% trở lên số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 95% trở lên ấp, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, trong đó mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có ít nhất 5% số mô hình điểm Khu dân cư văn hóa tiêu biểu; 100% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp. Phấn đấu doanh thu của các dịch vụ văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh đóng góp khoảng 3% GRDP.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật từng bước được đầu tư, trang bị các thiết bị công nghệ hiện đại. Đã có hơn 8 ngàn hiện vật của bảo tàng được tư liệu hóa qua hệ thống phần mềm do Cục Di sản văn hóa xây dựng. Các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, được tư liệu hóa và xuất bản để kịp thời gìn giữ, phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch cũng được ngành văn hóa chú trọng. Trong đó, các đơn vị đã xây dựng sản phẩm du lịch thực tế ảo công nghệ 3D tại Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, công viên nước Vịnh Kỳ diệu… để tăng trải nghiệm cho du khách, đồng thời nâng cao hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tiếp nhận gần 1 ngàn hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo, tập trung nhiều nhất là thành phố Biên Hòa, Long Khánh, các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất... Việc giải quyết hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của các tổ chức, cá nhân đều đảm bảo 100% hồ sơ theo quy định pháp luật, trong đó có trên 90% hồ sơ giải quyết trước thời hạn.
Huy động các nguồn lực xã hội hóa
Việc huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được các địa phương quan tâm. Chỉ tính riêng năm 2024, các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Trảng Bom đã vận động được 3,4 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tuyên truyền và các nhiệm vụ chính trị của huyện và địa phương. Hay tại huyện Tân Phú, nhiều năm qua đã vận động xã hội hóa được 44 sân bóng đá mini, bóng chuyền và bóng bàn, 3 câu lạc bộ thể hình, 8 hồ bơi, 5 điểm vui chơi cho trẻ em… với số tiền gần 30 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Tăng Quốc Lập cho hay, mặc dù kết quả huy động xã hội hóa đã có khởi sắc song việc thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao vẫn còn nhiều khó khăn do vướng mắc các thủ tục pháp lý về đất đai và pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, nguồn xã hội hóa chủ yếu phục vụ cho các giải, hội thi thể thao, chưa đủ điều kiện để đầu tư nâng cấp các hạng mục phục vụ lâu dài cho nhu cầu của quần chúng nhân dân. Việc xây dựng, mở rộng diện tích thiết chế văn hóa còn gặp khó khăn do quỹ đất đô thị hạn chế, chi phí bồi thường, giải tỏa cao.
Phát huy những kết quả đạt được, theo Sở Văn hóa, thể thao và du lịch, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá về chất trên các lĩnh vực văn hóa với quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Nai trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Đặc biệt là nâng cao chất lượng phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng, có chất lượng cao mang đậm bản sắc Đồng Nai, phù hợp với xu thế thời đại.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202412/dong-luc-moi-tu-nen-tang-van-hoa-06b7971/