Động lực nào khiến cổ phiếu của Victory Capital liên tục tăng trần

Cổ phiếu PTL của CTCP Victory Capital là một trong những mã tăng nóng thời gian gần đây với mức tăng hơn 60% trong một tháng qua. Thông tin đáng chú ý về doanh nghiệp này là kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn vào thời gian tới.

Tòa nhà Petroland tại 12 Tân Trào, Tân Phú, Quận 7, TP HCM. Ảnh: PTL

Tòa nhà Petroland tại 12 Tân Trào, Tân Phú, Quận 7, TP HCM. Ảnh: PTL

Phiên giao dịch ngày 29/8, mặc cho VN-Index rung lắc dữ dội do ảnh hưởng từ chứng khoán thế giới, PTL vẫn tăng trần từ sớm lên mức giá 7.210 đồng/cp. Từ đầu tháng 8 tới nay, mã này đã tăng hơn 60%, từ vùng giá 4.480 đồng. Đi kèm là khối lượng giao dịch tăng vọt từ vài chục nghìn đơn vị lên vài trăm nghìn đơn vị.

Từ ngày 3/8 đến ngày 9/8, PTL tăng trần liên tiếp và công ty này đã phải giải trình với Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Victory Capital khẳng định doanh nghiệp không có tác động nào gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá giao dịch trên thị trường.

Theo công ty, sau thời gian giảm mạnh do một số thông tin trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTL tiếp tục nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư dẫn đến nhu cầu thực tế trên thị trường chứng khoán tăng cao. Quyết định giao dịch của các nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Trong quá khứ, PTL từng chinh phục mức đỉnh 17.000 đồng vào cuối tháng 12/2021. Tuy nhiên sau đó, thị giá của mã này giảm sâu và rơi về vùng thấp nhất 4.000 đồng vào tháng 7 vừa qua.

"Thay máu" cổ đông

Đà tăng của cổ phiếu PTL bắt đầu ngay sau khi công ty thông qua việc triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022 vào ngày 1/8. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phát hành 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.000 tỷ đồng (cao hơn gấp đôi thị giá của PTL trên sàn thời điểm đó). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ công ty sẽ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong quý III và quý IV/2022.

Về mục đích sử dụng vốn, công ty dự kiến dùng 700 tỷ đồng góp vốn vào các công ty con; 250 tỷ đồng mở rộng quỹ đất; và 50 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động.

Danh sách nhà đầu tư tham gia đợt chào bán cổ phiếu của PTL gồm 2 tổ chức và 4 cá nhân. Trong đó, CTCP Grand House mua 30 triệu cổ phiếu, chiếm 15% vốn điều lệ; nhà đầu tư Trần Thị Hường đăng ký mua thêm 23,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 12,38% vốn điều lệ (trước đó bà Hường đã sở hữu gần 1,3 triệu cổ phiếu PTL); nhà đầu tư Lê Thế Tình đăng ký mua 22,5 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 11,25% vốn điều lệ; CTCP KoKo Capital đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu lên 10% vốn điều lệ...

 Diễn biến cổ phiếu PTL thời gian qua.

Diễn biến cổ phiếu PTL thời gian qua.

Việc gia nhập của các cổ đông mới được cho là bước đi tiếp theo của PTL trong việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Trước đó, vào năm 2021, Victory Capital từng thông báo về chủ trương hủy niêm yết cổ phiếu tự nguyện. Sau khi tờ trình này được công bố, hai cổ đông lớn nhất của PTL lúc đó là CTCP Dịch vụ và Đầu tư BĐS Ngôi sao Phương Nam và Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã PVX) đã thoái sạch vốn trong tháng 12/2021.

Tuy nhiên sau đó, HĐQT PTL lại thông báo sẽ hủy kế hoạch hủy niêm yết, thay vào đó là chiến lược nâng vốn hóa lên 10.000 tỷ đồng và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu của công ty. Đến tháng 3/2022, PTL chính thức đổi tên Công ty từ CTCP Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) thành “CTCP Victory Capital”, đồng thời đổi nhận diện thương hiệu.

Lỗ lũy kế hơn 430 tỷ đồng

Về tình hình kinh doanh, trong quý 2/2022, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt hơn 10 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế âm 2,45 tỷ đồng, so với cùng kỳ lãi hơn 20 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 41,5% về chỉ còn 19%.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Victory Capital ghi nhận doanh thu đạt 34 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm 2021 và lợi nhuận sau thuế âm 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 17 tỷ đồng.

Trong báo cáo giải trình biến động kinh doanh giữa niên độ năm 2022, công ty cho biết lợi nhuận sau thế giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước là do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu chủ yếu từ hoạt động cho thuê văn phòng, khai thác cơ sở hạ tầng và hoạt động tài chính của các khoản tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên doanh thu không đủ bù đắp chi phí nên dẫn đến kết quả lỗ.

Tính tới 30/6/2022, tổng lỗ lũy kế đã của Victory Capital lên tới 430,7 tỷ đồng, bằng 43,1% vốn điều lệ. Phần lỗ lũy kế đến từ kết quả kinh doanh thua lỗ từ những năm 2018 trở về trước. Cũng vì lý do này mà cổ phiếu PTL đã bị đưa vào diện cảnh báo.

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dong-luc-nao-khien-co-phieu-cua-victory-capital-lien-tuc-tang-tran-post10608.html