Động lực nào thúc đẩy ngành ngân hàng năm 2025?
Dựa trên nền tảng vững chắc đã được xây dựng trong năm 2024, năm 2025 được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng cho những bước đột phá ấn tượng của ngành ngân hàng.
Tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ
Năm 2025, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng được đặt mục tiêu ở mức 16%, cao hơn so với kế hoạch năm 2024. Tính đến giữa tháng 12 năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt 12,5%.
Tuy nhiên, nhiều dự báo vẫn lạc quan rằng tín dụng cả năm 2024 có thể chạm đích 15%, điều này đồng nghĩa với việc hệ thống ngân hàng cần bơm thêm khoảng 2,5% dư nợ, tương đương hơn 339.000 tỷ đồng, chỉ trong nửa tháng cuối năm. Nếu hoàn thành mục tiêu này, dư nợ tín dụng toàn ngành sẽ đạt trên 15,56 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024.
Dựa trên cơ sở đó, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% vào năm 2025, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế có thể đạt trên 18,1 triệu tỷ đồng vào cuối năm, tức tăng thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng so với năm trước.
Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng tín dụng năm 2025 sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Động lực chính đến từ sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước gia tăng. Điều này cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm tới.
Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân đầu tư công cao cũng được xem là yếu tố hỗ trợ quan trọng. MBS dự báo rằng đầu tư công sẽ tạo ra việc làm, gia tăng nhu cầu tín dụng, đồng thời thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng lớn trong giai đoạn 2021-2025.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Để thực hiện mục tiêu này, ngành ngân hàng đóng vai trò then chốt, khi tín dụng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chính cho nền kinh tế.
Nguồn vốn dồi dào
Cuối năm 2024, các ngân hàng đã đồng loạt đẩy mạnh hoạt động tăng vốn, tạo nên không khí sôi động trên thị trường tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu quản trị rủi ro, mở rộng dư nợ tín dụng và chuẩn bị nền tảng vững chắc cho năm 2025.
Mới đây, ngày 3/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) phát hành gần 403 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 11%.
Nguồn vốn sử dụng để phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ theo quy định và lợi nhuận chưa chia từ các năm trước, tính đến ngày 31/12/2023. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của SHB dự kiến tăng từ 36.630 tỷ đồng lên 40.658 tỷ đồng, tương đương tăng thêm gần 4.029 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 26/12/2024, NHNN cũng cho phép Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank – BAB) tăng vốn điều lệ thêm tối đa 1.579 tỷ đồng, đưa vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 10.538 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ sử dụng nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối đến cuối năm 2023 để tăng tối đa 620,9 tỷ đồng và hơn 958 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu với giá 10.000 đồng/CP. Nguồn vốn tăng thêm dự kiến dùng để cho vay khách hàng (1.120 tỷ đồng) và đầu tư kinh doanh giấy tờ có giá (458 tỷ đồng).
Tháng 11/2024, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB – NVB) đã tăng vốn thành công từ hơn 5.600 tỷ đồng lên gần 11.800 tỷ đồng sau khi phát hành 617 triệu cổ phiếu riêng lẻ, chào bán cho 12 cá nhân và 1 quỹ đầu tư trong nước với giá 10.000 đồng/CP. Cùng thời điểm, Đại hội đồng cổ đông bất thường của LPBank (LPB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên 29.872,9 tỷ đồng bằng cách chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 16,8%, thay thế kế hoạch tăng vốn trước đó thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài ra, trong tháng 12/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HDB) đã phân phối 582,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 20%, nâng vốn điều lệ từ 29.276 tỷ đồng lên hơn 35.101 tỷ đồng. Lô cổ phiếu này dự kiến được chuyển giao trong quý I/2025.
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn điều lệ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu về an toàn vốn trong dự thảo Thông tư của NHNN. Dự thảo này đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tăng lên 10,5% từ năm 2033, bao gồm vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%, tổng vốn cấp 1 và cấp 2 là 8%, cùng vốn đệm bảo toàn 2,5%. Tỷ lệ vốn đệm này sẽ được điều chỉnh linh hoạt, đảm bảo ngân hàng có khả năng chống chịu trước các biến động kinh tế và hỗ trợ sự phát triển bền vững.
Lợi nhuận phục hồi
Các chuyên gia nhận định rằng, dù đối mặt với nhiều thách thức, triển vọng lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2025 vẫn rất khả quan.
Theo dự báo của Chứng khoán ACB (ACBS), lợi nhuận trước thuế năm 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi dự kiến tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập của các ngân hàng được kỳ vọng tăng 15,3%, nhờ động lực chính là tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao, khoảng 15,6%. Tuy nhiên, thu nhập ngoài lãi chỉ được dự báo tăng 8,5%, do lĩnh vực bán chéo bảo hiểm tiếp tục gặp khó khăn.
Chứng khoán TPS dự báo biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng sẽ phục hồi trong năm 2025, nhờ các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và triển vọng phục hồi của nền kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng và chất lượng nợ xấu được kỳ vọng cải thiện tích cực trong năm tới.
Trong khi đó, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng sẽ đạt 15% trong năm 2025, với nhiều yếu tố hỗ trợ. Đáng chú ý, thị trường bất động sản được dự báo hồi phục từ nửa cuối năm 2025, cùng với tiêu dùng nội địa tăng mạnh, thúc đẩy nhu cầu tín dụng.
Mặc dù chi phí vốn dự kiến tăng 10-50 điểm cơ bản do áp lực thanh khoản và đồng USD mạnh lên (đồng VND đã mất giá khoảng 4,3% trong năm 2024), Yuanta Việt Nam kỳ vọng biên lãi ròng sẽ duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ 5-10 điểm cơ bản nhờ lợi suất cho vay cao hơn. Các khoản cho vay trong lĩnh vực bất động sản, vốn có thời hạn dài và lãi suất cao, sẽ góp phần bù đắp chi phí vốn gia tăng và hỗ trợ tuân thủ các yêu cầu từ NHNN trong việc hỗ trợ khách hàng vay khó khăn.
Ngoài ra, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng được kỳ vọng cải thiện, nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản. Với phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản, khi thị trường sôi động trở lại, các ngân hàng sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để xử lý nợ xấu và cải thiện thanh khoản.
Yuanta Việt Nam nhấn mạnh rằng lo ngại về thị trường bất động sản là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngân hàng bị định giá thấp. Do đó, chu kỳ hồi phục của thị trường này có thể là yếu tố then chốt giúp nhóm cổ phiếu ngân hàng được định giá cao hơn trong năm 2025.