Động lực phát triển kinh tế năm 2024
Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế chủ lực gặp khó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi... nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp; sự đồng thuận của nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định và Hà Nam được đánh giá là một địa phương có tốc độ tăng trưởng cao thứ 8 toàn quốc. Đây sẽ là động lực để Hà Nam tiếp tục 'vượt bão', làm bừng sáng hơn nữa bức tranh kinh tế năm 2024.
Những kết quả nổi bật
Nếu như năm 2022, GRDP của Hà Nam đạt 46.065 tỷ đồng thì năm 2023, con số này đạt 50.201,9 tỷ đồng, tăng 9,41% so với năm 2022 và là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao đứng thứ 8 toàn quốc. Toàn tỉnh đã quy hoạch được 5 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 646,84 ha. Hiện đã có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã ký hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất với 206,44 ha. Hình thành 4 vùng sản xuất cây ăn quả an toàn vùng chuyển đổi đất lúa với tổng diện tích 48,96 ha. Thực hiện các chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, liên kết sản xuất nông sản sạch, cơ giới hóa sản xuất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất lúa, năm 2023, cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả an toàn trên vùng chuyển đổi đất lúa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên đồng ruộng, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 20 mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao”, với 56 bể nuôi, có tổng diện tích nước mặt 41,14 ha. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (giá SS 2010) năm 2023 vì thế đã đạt 8.596 tỷ đồng, tăng 1,8% so với năm 2022. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 12 xã được công nhận NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao lên 43 xã.
Với mục tiêu trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ cao của vùng vào năm 2030, trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh những năm gần đây, Hà Nam đặc biệt ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp và tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng khai thác tối đa lợi thế về hạ tầng giao thông. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2022, tăng 14,5% so với năm 2021 và năm 2023, tăng 12% so với năm 2022; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cũng tăng 11,4% so cùng kỳ. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đều tăng. Hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Năm 2023, tỉnh đã thu hút được 47 dự án đầu tư. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.156 dự án đầu tư còn hiệu lực; trong đó, có 369 dự án FDI và 787 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký là 5.415,5 triệu USD và 168.894,4 tỷ đồng. Hiện, Hà Nam cũng đang tích cực đôn đốc hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.
Xác định hạ tầng giao thông đi trước, mở đường cho phát triển kinh tế, giao thương và thu hút đầu tư, những năm qua, tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, Hà Nam cũng đồng thời huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa, cảng. Năm 2022, thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ, tỉnh Hà Nam đã đề xuất 04 dự án đưa vào chương trình với tổng vốn đầu tư khoảng 5.139,4 tỷ đồng. Trong đó, có các dự án giao thông quan trọng như đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ quốc lộ (QL) 1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với đường QL 21A, QL 21B, đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình; kết nối di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định). Bên cạnh đó, các dự án trọng điểm khác như: Dự án xây dựng cầu Tân Lang và tuyến đường liên kết vùng, nối từ vành đai 4 - vành đai 5 qua QL 38 đến QL 21; Dự án tuyến đường bộ song hành QL 21, địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ đường ĐH05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21)… cũng đang trong quá trình triển khai, xây dựng, sau khi hoàn thành sẽ mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các ngành kinh tế quan trọng của địa phương như logistics, thương mại dịch vụ, du lịch.
Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được quan tâm triển khai thực hiện, từng bước định hình rõ nét định hướng, không gian phát triển bền vững của tỉnh. Đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng nhiều dự án giao thông lớn, liên kết vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa xã hội có nhiều hoạt động tiến bộ; an sinh xã hội bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch Hà Nam 2023. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng cao, giáo dục mũi nhọn duy trì thứ hạng cao. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam năm 2023.
Tạo đà phát triển
Năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong bối cảnh dự báo có nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, tạo tiền đề vững chắc đưa Hà Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, phát biểu kết luận tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính, cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất lao động...
Cổng vào KCN Đồng Văn III. Ảnh: Thu Minh
Theo đó, các cấp chính quyền cần tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đất đai, tạo quỹ đất sạch để bàn giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án có thu tiền sử dụng đất hoặc bàn giao mặt bằng sạch cho các địa phương tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; trọng tâm là giải phóng mặt bằng để triển khai đầu tư các dự án thuộc Quy hoạch phân khu khu đô thị Bắc Châu Giang, thành phố Phủ Lý; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thể dục thể thao tại các xã Liên Sơn, Thi Sơn, huyện Kim Bảng; Khu Đại học Nam Cao, khu đô thị khu vực phía Bắc đô thị Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân... Rà soát tất cả các đối tượng thu, nguồn thu để thu sát số phát sinh, chống thất thu, chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu thu cân đối ngân sách tăng 25,5% so với thực hiện năm 2023. Tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các đồ án quy hoạch, chương trình, đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển; đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án giao thông liên kết vùng, dự án được bố trí vốn lớn; phấn đấu giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Riêng đối với lĩnh vực phát triển công nghiệp, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thiện thủ tục để hình thành và phát triển khu công nghệ cao Hà Nam tạo động lực tăng trưởng mới. Hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để các dự án có vốn đầu tư lớn, dự án nhà ở công nhân và các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp… hoàn thiện thủ tục, sớm đi vào khởi công, đầu tư xây dựng. Trên tinh thần, đồng hành cùng doanh nghiệp “vượt bão”, Hà Nam sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2024 tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Singapore, Malaysia...
Dựa trên lợi thế đặc trưng của Khu du lịch Tam Chúc với các điểm du lịch kết nối như: Chùa Hương - Bái Đính - Tràng An, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Bà Đanh - Núi Ngọc, đền Trúc - Ngũ Động Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Long Đọi Sơn và du lịch các làng nghề... Hà Nam sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, thể thao có quy mô, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, vui chơi giải trí của khách du lịch. Tập trung hoàn thiện hạ tầng khung trong Khu du lịch Tam Chúc, các hạng mục của dự án sân golf Kim Bảng và khu phức hợp thể thao tại xã Tượng Lĩnh; thu hút đầu tư xây dựng sân golf Đồi Hoa Sen tại huyện Kim Bảng và sân golf Đồi Con Phượng tại huyện Thanh Liêm. Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 triển khai hiệu quả các hoạt động khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Nông nghiệp vẫn được xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, vì vậy, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án, mô hình có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả các mô hình, đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu ban hành mới các cơ chế, chính sách, mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân; thay thế, bãi bỏ các cơ chế, chính sách người dân khó tiếp cận, không phù hợp thực tiễn, hiệu quả không cao. Tiếp tục huy động và lồng ghép các nguồn lực để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; phấn đấu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có ít nhất 50 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật, nghĩa vụ của các tổ chức hoạt động khoáng sản; triển khai thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng sau khi Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân trong tỉnh.
“Vượt bão” là một bài toán vô cùng khó, nhưng tin rằng, với sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh; sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, tin rằng Hà Nam sẽ tạo được nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2024, tạo đà để Hà Nam trở thành đô thị thông minh, phát triển hiện đại, trung tâm công nghệ, dịch vụ chất lượng cao, trung tâm mua sắm lớn của Vùng đồng bằng sông Hồng vào năm 2050.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/dong-luc-phat-trien-kinh-te-nam-2024-111303.html