Động lực phát triển miền biên cương Cực bắc
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đã trở thành nhiệm vụ then chốt trong toàn Đảng bộ tỉnh, là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững dải đất biên cương cực Bắc Tổ quốc.
Xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”
Nhằm góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nhiệm kỳ 2015 – 2020, cấp ủy tỉnh đã ban hành 66 chỉ thị, nghị quyết, trên 460 chương trình, kế hoạch, 500 kết luận và hơn 5.000 công văn lãnh, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này.
Để học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các cấp ủy đã tổ chức 9.701 hội nghị với 793.707 lượt cán bộ, đảng viên tham gia; trong đó, tăng cường hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở. Bên cạnh đó, việc ban hành chỉ thị, nghị quyết có nhiều đổi mới, được các cấp ủy tập trung theo hướng lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với định hướng phát triển, phát huy thế mạnh của địa phương; chú trọng ban hành nghị quyết chuyên đề và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể gắn với kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục.
Đặc biệt, trong xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; cấp ủy tỉnh luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; trước hết là các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư cấp ủy các cấp và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn gắn với tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Hơn nữa, việc thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã trở thành nội dung thường xuyên, quan trọng trong các kỳ sinh hoạt của các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng và cả hệ thống chính trị. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo.
Qua sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, toàn tỉnh có 1 tập thể, 3 cá nhân tiêu biểu, điển hình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 62 tập thể, 58 cá nhân, 19 gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; gần 2.000 tập thể, cá nhân được cấp huyện và tương đương biểu dương, khen thưởng.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đã tạo dấu ấn đột phá trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Tiêu biểu có thể kể đến việc thí điểm hợp nhất Ban Tổ chức Tỉnh ủy/Huyện ủy với Sở/Phòng Nội vụ, UBKT Tỉnh ủy/Huyện ủy với Thanh tra tỉnh/huyện; sáp nhập 5 đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh thành 1 trung tâm trực thuộc Sở Y tế…
Quá trình sắp xếp bộ máy đã khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để hoạt động theo hướng hiệu lực, hiệu quả hơn. Đặc biệt, bộ máy đã tinh gọn khi giảm 4 sở, ngành và tương đương cấp tỉnh, 58 phòng và tương đương; giảm 33 đơn vị sự nghiệp, 165 lãnh đạo quản lý các tổ chức hành chính. Tỉnh đã thực hiện sáp nhập 4 xã không đủ diện tích và dân số theo quy định, gồm: Nậm Dịch với Bản Péo (Hoàng Su Phì); Trung Thịnh với Ngán Chiên (Xín Mần). Việc sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố bảo đảm đúng cơ cấu, số lượng theo quy định. Qua đó, giảm 1.132 cán bộ cấp xã, 8.711 cán bộ thôn, tổ dân phố giúp tiết kiệm ngân sách trên 20 tỷ đồng/năm...
Đi liền với tinh gọn bộ máy, tỉnh ta thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc hoặc không thể tiếp tục bố trí, sắp xếp công tác và giải quyết chế độ, chính sách với những người thuộc diện tinh giản biên chế. Trong nhiệm kỳ đã tinh giản 1.184 biên chế, gồm: 845 trường hợp về hưu trước tuổi, 329 người thôi việc ngay và 10 người nghỉ chờ chế độ hưu trí.
Giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương là yêu cầu tất yếu để xây dựng, chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Trong nhiệm kỳ, công tác này ghi dấu ấn quan trọng với nhiều đổi mới để góp phần làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh. Minh chứng điển hình cho thấy, qua kiểm tra, giám sát, các cấp ủy, UBKT đã thi hành kỷ luật 8 tổ chức cơ sở đảng, 603 đảng viên bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức (22 trường hợp), khai trừ (22 đảng viên). Trong số đảng viên bị thi hành kỷ luật, có 184 trường hợp là cấp ủy viên, từ Chi ủy viên đến Tỉnh ủy viên. 8 trường hợp trong số đó bị pháp luật xử lý, 8 trường hợp bị xử lý hành chính và đình chỉ sinh hoạt Đảng 8 đảng viên.
Song song với kết quả trên, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tỉnh chỉ đạo triển khai đồng bộ cả ba khâu: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý. Đặc biệt, việc chỉ đạo kịp thời xử lý người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị được dư luận đồng tình.
Không chỉ thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, tỉnh ta còn thực hiện nghiêm phương châm: Đảng nói – dân tin, chính quyền quản lý, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trọng dân, hiểu dân, dựa vào dân. Qua đó khơi dậy, phát huy sức mạnh tổng hợp vì Hà Giang phát triển nhanh và bền vững.