Động lực quan trọng để xây dựng, phát triển Thủ đô

Tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW (Nghị quyết) ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nêu rõ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển Thủ đô qua từng giai đoạn để xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Cục Thuế thành phố Hà Nội phạt, truy thu hơn 1.200 tỷ đồng

Việc không chỉ của riêng Hà Nội

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã nêu rõ việc thực hiện Nghị quyết không chỉ của riêng Hà Nội, mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong cả nước. Trong đó, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có liên quan nhiều đến sự phát triển Thủ đô, cần xác định rõ trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp với thành phố Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa khẳng định, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hưng Yên thể hiện sự thống nhất cao và coi việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị là trách nhiệm chính trị và sẽ thực hiện với quyết tâm chính trị trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội. "Trước mắt, Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với Hà Nội để triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với quyết tâm hoàn thành trước năm 2027 như Quốc hội đã đề ra”, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết.

Các tuyến đường vành đai sẽ là xương sống phát triển cho các địa phương trong vùng thủ đô Hà Nội
Ảnh: Hữu Hưng

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan đánh giá, Hà Nội đã phát triển toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó có nhiều điểm nhấn quan trọng, với nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước, thể hiện rõ vai trò là đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Với quan điểm của Nghị quyết về ''xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển'', tỉnh Bắc Ninh thấy được trách nhiệm với tư cách là tỉnh có vai trò là cực tăng trưởng trong Quy hoạch vùng Thủ đô và đang phát huy vai trò lớn hơn, dần trở thành động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đề xuất 7 nhóm vấn đề cần ưu tiên đối với Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, bộ sẽ tiếp tục đồng hành với UBND thành phố Hà Nội, phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết, đóng góp vào thành công của công tác xây dựng và phát triển đô thị trên cả nước.

4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Nghị quyết đã nêu rõ 4 quan điểm, 2 mục tiêu lớn của từng giai đoạn với nhiều điểm mới để lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội trong trung và dài hạn. Điểm mới của thời gian thực hiện Nghị quyết lần này là xác định mục tiêu phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Các Nghị quyết trước đây chỉ xác định phạm vi thời gian trong 10 năm.

Bên cạnh đó, Nghị quyết còn xác định rõ nhiệm vụ phải sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh, phục vụ đa mục tiêu, kết nối hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực của vùng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết được hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống, Bộ Chính trị đã phân công và giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước quán triệt sâu sắc Nghị quyết; chủ động phối hợp, xây dựng các chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đầy đủ 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; nhất là việc nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết.

Từ nay đến năm 2030 chỉ còn 8 năm, vì thế Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng đoàn HĐND thành phố, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam thành phố, các ban Đảng Thành ủy chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Đồng thời khẩn trương hoàn thiện, tham mưu cho Thành ủy ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với ý chí quyết tâm cao sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/dong-luc-quan-trong-de-xay-dung-phat-trien-thu-do-i292688/