Động lực quan trọng, đem lại tầm vóc mới cho quan hệ Việt Nam - New Zealand
Hôm nay, 3.12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt đầu thăm chính thức New Zealand theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Adrian Rurawhe. Diễn ra chỉ hơn một tháng sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng New Zealand, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo cấp cao hai nước, thể hiện quyết tâm và sự đồng thuận chính trị cao giữa hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương. Trong đó, hợp tác nghị viện đóng vai trò là một động lực quan trọng, đem lại tầm vóc mới cho quan hệ hai nước.
Quan hệ Việt Nam - New Zealand phát triển mạnh mẽ, hiệu quả
Việt Nam và New Zealand ra Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2020. Đó cũng là thời điểm đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên quy mô toàn cầu. Dù thế, những thử thách chưa từng có do đại dịch này gây ra cũng không thể cản trở được những tiến triển tích cực, mạnh mẽ và hiệu quả trong quan hệ hai nước.
Trong giai đoạn 2021 - 2022, tuy việc trao đổi Đoàn trực tiếp bị hạn chế bởi tác động của dịch Covid-19, nhưng tiếp xúc cấp cao vẫn được duy trì qua hình thức trực tuyến. Tháng 9.2022, chỉ một tháng sau khi New Zealand mở cửa trở lại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm chính thức New Zealand và hai tháng sau đó, Thủ tướng New Zealand thăm chính thức Việt Nam (tháng 11.2022). Các cơ chế hợp tác song phương giữa hai nước được triển khai linh hoạt bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, như: Tham khảo Chính trị, Ủy ban Hỗn hợp về Kinh tế và Thương mại, Đối thoại chính sách Quốc phòng, Đối thoại Nông nghiệp cấp cao (tháng 2.2021, tháng 4.2022), Cuộc họp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lần thứ nhất (9.2022). Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2024 được thực hiện tích cực với nhiều kết quả cụ thể.
Việt Nam và New Zealand đều là thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP). New Zealand hiện là đối tác thương mại lớn thứ 36 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi của đại dịch. Trong đó, năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020; 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Mục tiêu đạt tổng kim ngạch thương mại hai chiều 2 tỷ USD vào năm 2024 được đánh giá là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt lên cả về giá trị trao đổi hàng hóa và thời gian thực hiện.
New Zealand đã tích cực hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống Covid-19 thông qua việc cung cấp 30.000 liều vaccine và 2 triệu NZD hỗ trợ phục hồi sau đại dịch. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, lao động, nông nghiệp... phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng. Hai nước đang quan tâm thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác mới như: ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng...
New Zealand có quan điểm tích cực trong vấn đề Biển Đông; đóng góp hiệu quả cho hợp tác ASEAN và tiểu vùng Mekong; tích cực ủng hộ Việt Nam tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Cùng với hợp tác song phương, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội New Zealand đã thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Quốc hội hai nước chưa ký thỏa thuận hợp tác, nhưng vẫn duy trì tiếp xúc các cấp tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới như: IPU, AIPA, APPF, ASEP... Quốc hội Việt Nam Khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - New Zealand và duy trì trao đổi thông tin với Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam.
Nâng tầm hợp tác hai cơ quan lập pháp
Chuyến thăm chính thức New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới New Zealand kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2020. Đây cũng là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Quốc hội Việt Nam đến quốc đảo Nam Thái Bình Dương này trong 5 năm qua.
Diễn ra chỉ hơn một tháng sau khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thăm chính thức Việt Nam, “chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo cấp cao hai nước, thể hiện quyết tâm và sự đồng thuận chính trị cao giữa hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương”; đồng thời "làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước, trong đó ngoại giao nghị viện đóng vai trò là một động lực quan trọng, đem lại một tầm vóc mới cho quan hệ hai nước", Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với tất cả các lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội New Zealand và lãnh đạo của hai đảng phái chính trị lớn nhất New Zealand để thảo luận về các biện pháp nhằm thực hiện thành công các mục tiêu tại Tuyên bố chung Đối tác chiến lược của hai nước, nhất là những biện pháp liên quan đến vai trò, thẩm quyền của cơ quan lập pháp mỗi nước. Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ dự các diễn đàn hợp tác giáo dục, diễn đàn kinh tế - thương mại giữa hai nước...
Hơn một tháng trước, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh với Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern “dù không gần gũi về địa lý, nhưng Việt Nam và New Zealand có cùng chung chí hướng, mục tiêu phát triển bền vững, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đây là tư duy và tầm nhìn chung mà hai nước hoàn toàn có thể chia sẻ với nhau". Đó cũng là nền tảng bền vững cho quan hệ Việt Nam - New Zealand.
Các nhà lãnh đạo hai nước chia sẻ nhận thức sâu sắc về việc tăng cường mối quan hệ Việt Nam - New Zealand trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay không chỉ vì lợi ích của hai nước mà còn đóng góp hữu hiệu cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Với sự coi trọng của cả hai bên, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội sẽ nâng tầm hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp, đặt nền móng cho việc thúc đẩy xây dựng quan hệ nghị viện hai nước thành một trong những hình mẫu trong quan hệ nghị viện trên thế giới, không chỉ ủng hộ mà còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho hai Chính phủ triển khai các kế hoạch hợp tác mang tầm chiến lược; quan tâm, đẩy mạnh giao lưu Nhân dân, gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của tình hữu nghị, đoàn kết giữa nhân dân hai nước, thúc đẩy việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng như: môi trường, năng lượng sạch, phát triển bền vững, chuyển đổi số và kinh tế số.