Động lực thoát nghèo cho ngư dân Thừa Thiên Huế
Nhờ Chương trình 'An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn', hàng trăm hộ ngư dân sinh sống ở khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế được nhận tiền xây nhà kiên cố, được hỗ trợ thiết bị, kỹ năng giảm thiểu tai nạn khi lao động cũng như sinh kế để cải thiện cuộc sống. Từ đây, bà con có thể an cư lạc nghiệp, mạnh dạn bám biển vươn khơi, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ý nghĩa từ một chương trình
Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, những năm gần đây, các tỉnh ven biển miền Trung thường xuyên hứng chịu nhiều đợt mưa lớn gây lũ lụt, bờ biển bị xâm thực. Cuộc sống của người dân cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Nhằm hỗ trợ, cải thiện cuộc sống cho người dân, năm 2022, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, giai đoạn 2022-2027 và tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được hưởng lợi.
Chủ tịch Hội Chữ đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế - bà Lê Thị Hiền cho biết: “Tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”. Nắm bắt lấy cơ hội này, các cấp Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả các chuỗi hoạt động để ngư dân khó khăn nhanh chóng được tiếp cận nguồn hỗ trợ, từ đó phát huy cơ hội ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”.
Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã dành 5 tỷ đồng hỗ trợ cho 100 hộ dân ở 18 xã của 4 huyện ven biển để xây 100 căn nhà, trong đó, có 38 căn nhà tại huyện Phú Lộc, 35 căn nhà tại huyện Quảng Điền, 11 căn nhà tại huyện Phú Vang và 16 căn nhà tại huyện Phong Điền. Số tiền trên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải hỗ trợ (mỗi hộ gia đình được hỗ trợ ban đầu là 50 triệu đồng). Để đảm bảo việc trao hỗ trợ xây nhà được đúng đối tượng, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế thành lập 4 tổ công tác, tổ chức các đợt kiểm tra khảo sát từng hộ hưởng lợi và đã bình xét được 100 hộ có nhu cầu xây nhà. Kết quả, 50 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo và 25 hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận hỗ trợ tiền để xây nhà.
Cũng theo bà Lê Thị Hiền, hoạt động hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà cho 100 hộ ngư dân nghèo được triển khai đầu tiên để nhanh chóng an cư. Thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực hướng đến nhóm đối tượng này như: Hỗ trợ sinh kế, tặng quà, áo phao, cờ Tổ quốc, tập huấn pháp luật và các hoạt động ứng cứu, ứng phó thiên tai bão lũ... cho ngư dân. Thành công của chương trình là tạo động lực, giúp bà con “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo quê hương.
Giấc mơ đã thành sự thật
Thực tế, việc triển khai Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” gặp không ít trở ngại. Đó là thời gian triển khai ngắn trong 6 tháng và dịp khởi công đúng thời điểm mùa mưa bão. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công và đảm bảo chất lượng công trình. Nguồn kinh phí hỗ trợ 50 triệu đồng vẫn còn thấp, trong khi đó, vật liệu, tiền công tăng nên cũng gặp khó khăn cho kinh phí đối ứng của các hộ.
Tuy nhiên, Hội Chữ thập đỏ các cấp, chính quyền địa phương và người dân đã nỗ lực hết sức để “cán đích” theo kế hoạch. Sau 6 tháng tích cực triển khai, ngày 29/3 vừa qua, tại xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải và Hội Chữ Thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành lễ khánh thành, bàn giao 100 căn nhà cho ngư dân nghèo, khó khăn thuộc Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dường như, ai cũng cảm nhận được sự phấn khởi của những gia đình được nhận nhà lần này. Sống trong gia đình bao đời gắn bó với nghề biển, anh Lê Hoanh (ngư dân xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) luôn muốn gìn giữ nghiệp truyền thống ông cha để lại. Tuy nhiên, thu nhập của anh từ việc nuôi tôm, đánh cá cũng chỉ vừa đủ ăn và tiết kiệm được số tiền rất khiêm tốn. Sau gần chục năm kết hôn, vợ chồng anh Hoanh vẫn chưa thể có một ngôi nhà của riêng mình để tránh trú mưa bão. Vậy nên vợ chồng anh Hoanh vô cùng vui mừng khi biết mình được Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” hỗ trợ 50 triệu đồng để làm nhà. Vợ chồng anh bàn nhau dùng số tiền tích góp được, vay mượn thêm họ hàng để xây ngôi nhà “3 cứng” rộng 74m2.
“Nhà tôi ở ven biển, mỗi mùa mưa bão đến là vất vả lắm. Trước đây, nhà cửa chưa kiên cố sống tạm bợ, khi hay tin bão đến là lo chèn chống nhà cửa, bưng bê đồ đạc lên cao. Giờ thì yên tâm rồi. Có vay mượn thêm nhưng giờ an cư lạc nghiệp, tiền trả nợ dần dần” - Anh Hoanh nói.
Còn anh Hoàng Công (xã Phong Chương, huyện Phong Điền) chia sẻ câu chuyện ngôi nhà đến với anh như một món quà. Đáng lẽ ra, căn nhà này của cha anh là ông Hoàng An, nhưng khi vừa mới khởi công thì ông An không may qua đời. Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm các thủ tục thay đổi tên hộ hưởng lợi từ cha anh sang cho anh. Gia đình anh cũng thuộc diện khó khăn, thế nên ngôi nhà này thật sự rất có ý nghĩa. Trong mỗi câu nói, anh Hoàng Công luôn thể hiện sự biết ơn của gia đình đến Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải và chính quyền địa phương đã giúp đỡ để có căn nhà vững chãi tránh mưa bão và có chỗ đàng hoàng để thờ cúng cha mình...
Những kết quả thiết thực từ Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” tại tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, không chỉ là giá trị vật chất, mà còn là nguồn lực tinh thần, giúp ngư dân nghèo có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.
Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải tài trợ, được triển khai tại 23 tỉnh, thành phố giáp biển với mục tiêu cải thiện điều kiện lao động, trao tặng sinh kế cho ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Từ chương trình này, 300.000 ngư dân nghèo được tiếp cận và truyền thông kiến thức về pháp luật và sơ cấp cứu; 50.000 hộ ngư dân nghèo được hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững; 1.244 hộ ngư dân nghèo, đang sống ở ghe thuyền không đủ điều kiện về cấu tạo ngôi nhà được hỗ trợ sửa chữa, xây nhà an toàn; 50.000 ngư dân nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tặng áo phao cứu sinh đa năng; 90.600 tàu thuyền đánh cá được trang bị túi sơ cấp cứu và cờ Tổ quốc.