Động lực thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của đất nước

Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là động lực thôi thúc các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới.

Khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học

-Bộ Chính trị sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cộng đồng các nhà khoa học đón nhận Nghị quyết này như thế nào, thưa ông?

 Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng

Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, TSKH. Phan Xuân Dũng

- Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta trong việc đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trở thành trụ cột chính của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.

Việc Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định, “Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” là sự khích lệ, động viên rất lớn đối với giới trí thức, nhà khoa học. Chúng tôi cảm thấy tự hào hơn và ý thức trách nhiệm cao hơn để tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Nói cách khác, Nghị quyết số 57 là động lực thôi thúc các nhà khoa học thỏa sức sáng tạo, thử nghiệm, nghiên cứu khoa học và làm chủ công nghệ. Nghị quyết số 57 đã “cởi trói” cho nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học.

Cùng với đó, ngày 30.12.2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp mặt trí thức, nhà khoa học. Qua đó càng thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sự động viên lớn lao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học. Các trí thức, nhà khoa học cần nhận thấy phải có trách nhiệm đẩy mạnh đổi mới, nghiên cứu và ứng dụng khoa học để tiếp tục có nhiều đóng góp đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao như mục tiêu mà Đảng đã đề ra.

- Nghị quyết số 57 đã có những đột phá nào để tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học phát huy tối đa năng lực, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của đất nước nói chung và ngành khoa học, công nghệ nói riêng, thưa ông?

- Thời gian qua, đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam đã luôn cố gắng hết sức mình vì sự nghiệp của Đảng, của Dân tộc và có nhiều đóng góp, cống hiến được ghi nhận.

Bên cạnh việc khẳng định quan điểm “nhà khoa học là nhân tố then chốt” thì Nghị quyết số 57 đã đưa ra một loạt các đột phá như: tăng nguồn kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) lên 2% GDP từ mức 0,4% GDP hiện nay; tăng tổng chi ngân sách hằng năm dành cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia lên 3%; hình thành cơ chế cho phép và khuyến khích các tổ chức nghiên cứu, nhà khoa học thành lập và tham gia điều hành doanh nghiệp dựa trên kết quả nghiên cứu…

Nghị quyết số 57 cũng đưa ra nhiều quan điểm mới, phù hợp với bản chất cơ bản của khoa học, nhất là tư tưởng chấp nhận độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu. Điều này đặc biệt quan trọng để các nhà khoa học có thêm nghiên cứu, tạo ra các đột phá công nghệ, bảo đảm đề tài được nghiệm thu theo các sản phẩm đăng ký ban đầu.

Ngoài ra, Nghị quyết số 57 cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; ban hành cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống… Điều này không chỉ khẳng định vai trò và vị trí của các trí thức, nhà khoa học trong xã hội, mà còn khơi dậy khát vọng cống hiến của đội ngũ này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đặc biệt coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức

- Với chức năng và nhiệm vụ được giao, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) sẽ có giải pháp gì để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết số 57 đề ra, trong đó, tầm nhìn đến năm 2045 khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thưa ông?

- Sau 40 năm xây dựng và phát triển, VUSTA đã khẳng định vai trò trong việc tập hợp, đoàn kết và phát huy đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong, ngoài nước đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

 Ảnh minh họa: Nguồn: ITN

Ảnh minh họa: Nguồn: ITN

Với Nghị quyết số 57, VUSTA càng nhận thức sâu sắc, toàn diện, mạnh mẽ hơn về vai trò của đội ngũ trí thức, nhà khoa học trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, VUSTA sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn và phát triển tổ chức; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đặc biệt là hoàn thành tốt những nhiệm vụ về đề xuất, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những vấn đề lớn có liên quan đến phát triển đất nước; chủ động trong hoạt động tư vấn, phản biện xã hội; phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo trong hoạt động khoa học và công nghệ.

Cùng với đó, đa dạng hóa các hình thức hợp tác về khoa học và công nghệ; đặc biệt coi trọng công tác thu hút, tập hợp, đoàn kết trí thức, nhất là trí thức trẻ, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, phát triển tổ chức, phát triển hội viên, làm cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị với đội ngũ trí thức.

Quan tâm công tác khuyến khích, tôn vinh những trí thức có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức hoạt động và đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Tới đây, khi thực hiện sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, có những nhiệm vụ không cần thiết phải do Nhà nước quản lý mà thực hiện xã hội hóa, nhất là các dịch vụ công. VUSTA sẵn sàng tham gia thực hiện những công việc, nhiệm vụ này. Để làm được điều này, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành.

Đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam nói chung và VUSTA nói riêng ý thức sâu sắc rằng, đây là giai đoạn lịch sử quan trọng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

T. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dong-luc-thoi-thuc-cac-nha-khoa-hoc-nghien-cuu-sang-tao-dong-gop-cho-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-post401821.html