Động lực thúc đẩy chuyến thăm Trung Á của Thủ tướng Đức Olaf Scholz

Từ ngày 15-17/9, Thủ tướng Đức Olaf Scholz có chuyến thăm tới Trung Á và tham gia Hội nghị thượng đỉnh C5+1 với các nhà lãnh đạo Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Turkmenistan. Đây là lần thứ hai diễn ra cuộc họp giữa các bên theo mô hình này thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn của Đức đối với khu vực.

Cách đây một năm, giới lãnh đạo Đức và 5 quốc gia Trung Á tập trung tại Berlin theo thể thức C5+1. Nhiều chuyên gia lưu ý rằng, Đức đang lặp lại cách làm của Washington, Moscow và Bắc Kinh một cách muộn màng, khiến cho những mục tiêu của Đức cũng như triển vọng hợp tác của nước này với 5 quốc gia Trung Á không rõ ràng.

Tuy nhiên, chuyến thăm từ ngày 15-17/9 của Thủ tướng Olaf Scholz tới Uzbekistan và Kazakhstan như một thông điệp khẳng định rằng, Đức rất nghiêm túc trong việc tăng cường ảnh hưởng của mình ở khu vực Trung Á. Cùng với các cuộc đàm phán song phương ở Tashkent và Astana, Thủ tướng Đức dự định gặp gỡ lãnh đạo các quốc gia Trung Á theo hình thức đa phương. Kazakhstan có vẻ là một “cầu nối” quan trọng giúp Đức thúc đẩy cơ chế hợp tác C5+1 với Trung Á - 80% kim ngạch thương mại của Đức với các nước trong khu vực đều tập trung vào quốc gia này. Năm 2023 tại Berlin, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã nhận được sự quan tâm đặc biệt tại Đức, từ sự đón tiếp trọng thị của nước chủ nhà đến lịch trình làm việc và chương trình nghị sự trong chuyến thăm.

Mối quan tâm của Berlin đối với Trung Á, được thúc đẩy bởi sự leo thang của cuộc khủng hoảng Ukraine vào tháng 2 năm 2022, xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, Trung Á có nguồn tài nguyên phong phú, trong đó có nguồn tài nguyên con người. Không phải ngẫu nhiên mà nội dung được thảo luận nhiều nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz tới Uzbekistan chính là vấn đề di cư. Thỏa thuận mà các bên đạt được cho phép thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Uzbekistan tới Đức, điều mà Berlin đang rất cần nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp phát triển trong nước. Mặc dù, thật khó để dự đoán bao nhiêu người Uzbekistan có thể tận dụng các điều kiện dễ dàng hơn tới Đức, nhưng thỏa thuận này tạo ra nhiều phương án đối với người lao động Uzbekistan, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, an ninh của Nga có nhiều yếu tố bất ổn, khó lường liên quan đến cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine và các lệnh trừng phạt Nga từ phương Tây. Đồng thời, Berlin đang tìm kiếm cơ hội xây dựng hệ thống đưa những người Afghanistan bị trục xuất khỏi Đức về nước. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Đức, Uzbekistan là điểm trung chuyển lý tưởng nơi những người bị trục xuất có thể được đưa đến Afghanistan. Rõ ràng là Tashkent sẵn sàng thảo luận về những kế hoạch như vậy có tính đến việc tuân thủ các điều kiện và lợi ích của mình.

Một nguồn tài nguyên quan trọng khác mà Đức nhắm đến là kim loại đất hiếm. Tại Trung Á, Berlin hy vọng sẽ phát triển quan hệ thương mại với Astana, cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Còn quá sớm để đưa ra kết luận về quy mô thực sự của sự thay thế như vậy, nhưng hợp tác với Kazakhstan sẽ giúp cho Chính phủ Đức có nhiều lựa chọn hơn nhằm từng bước thoát khỏi “sự phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Theo nhà khoa học chính trị người Nga Artem Sokolov nhận định, đối với Berlin, kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại với các quốc gia Trung Á không thể tách rời khỏi các lệnh trừng phạt chống Nga. Các quốc gia trong khu vực được doanh nghiệp Đức coi vừa là sự thay thế cho thị trường Nga, vừa là cơ hội để duy trì mối quan hệ với nước này. Thực tế, không ít doanh nghiệp Đức nói riêng, các nước phương Tây nói chung đã nhiều lần kêu ca về thiệt hại to lớn mà những doanh nghiệp này phải chịu do tác động từ cuộc chiến cấm vận giữa Nga và phương Tây. Sự tăng trưởng ấn tượng về khối lượng thương mại trong hai năm qua giữa Đức và các quốc gia Trung Á không chỉ thể hiện hợp tác giữa các bên đang trong giai đoạn phát triển tích cực, mà còn bộc lộ quy mô của các hành vi lách lệnh trừng phạt của các doanh nghiệp Đức trong hợp tác với Nga.

Giới phân tích cho rằng, Berlin bày tỏ sự không hài lòng trước những lỗ hổng trên hàng rào trừng phạt, nhưng lại làm điều đó một cách nửa vời, mang tính hình thức nhất định. Kazakhstan cũng luôn tránh bộc lộ sự ủng hộ công khai cho Nga trong cuôc xung đột quân sự với Ukraine, đồng thời duy trì quan hệ khá thân thiết với Nga và có nhiều hợp tác với Nga trên nhiều lĩnh vực, như kinh tế, vận tải, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng - an ninh. Kết quả là, đôi khi rất khó để xác định thị trường mà một dự án cụ thể của Đức trong khu vực nhắm tới - Nga hay Trung Á.

Cuối cùng, chuyến thăm của Olaf Scholz tới Uzbekistan và Kazakhstan gắn liền với các hoạt động ngoại giao lớn xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuyên bố của Thủ tướng Đức về sự cần thiết phải tăng cường quá trình đàm phán đã làm nảy sinh giả thuyết rằng có một loại “kế hoạch nào đó của Đức” để giải quyết xung đột. Và mặc dù hiện tại Thủ tướng Olaf Scholz dường như không phải là nhà đàm phán được phương Tây ưa thích, nhưng ông hoàn toàn có khả năng đảm nhận một phần công việc làm quen sơ bộ với lập trường của các bên, cũng như một phần chức năng hòa giải.

Cũng theo nhà khoa học chính trị người Nga Artem Sokolov đánh giá, các sắc thái của việc tuân thủ chế độ trừng phạt của các quốc gia Trung Á và mối quan hệ chặt chẽ của họ với Nga khiến Berlin có nhiều không gian để thảo luận về vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, không dễ để Đức thuyết phục các nước này đi theo quan điểm của phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực này trước các đối thủ “nặng ký” như Nga và Trung Quốc. Những tuyên bố của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev về sức mạnh của quân đội Nga và những cơ hội ngoại giao bị bỏ lỡ ở Istanbul để chấm dứt xung đột chứng tỏ sự khác biệt cơ bản của Kazakhstan với cái gọi là “công thức Zelensky” mà Đức ủng hộ.

Rõ ràng, vấn đề chính trong con đường ngoại giao Trung Á của Đức vẫn là thiếu những lời đề nghị độc đáo và hấp dẫn dành cho các đối tác địa phương. Berlin không che giấu sự thật rằng không dễ để cạnh tranh ở một khu vực xa xôi với Nga và Trung Quốc. Tương tự như với Mông Cổ, Đức cùng với Liên minh châu Âu (EU) tìm cách thể hiện mình là “hàng xóm thứ ba” của các quốc gia Trung Á, điều có thể tin cậy được trong trường hợp nảy sinh những mâu thuẫn, bất đồng giữa các nước Trung Á với Nga và Trung Quốc. Trên thực tế, Berlin rất khó để cạnh tranh ở Trung Á về mặt tài chính với Trung Quốc, hoặc về các mối quan hệ văn hóa, lịch sử và an ninh với Nga.

Trong chuyến công du Trung Á của mình, Thủ tướng Olaf Scholz chắc chắn một lần nữa phải đối mặt với những hạn chế về ảnh hưởng của Đức trong khu vực. Khó có khả năng Trung Á sẽ trở thành một Đông Âu hay vùng Balkan mới đối với Berlin trong tương lai gần. Tuy nhiên, khi mà Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, còn Trung Quốc chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Mỹ, Đức có thêm “khoảng trống” cần thiết để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Á.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/dong-luc-thuc-day-chuyen-tham-trung-a-cua-thu-tuong-duc-olaf-scholz-225145.htm