Động lực thúc đẩy cựu chiến binh phát triển kinh tế
Nhiều câu lạc bộ (CLB) cựu chiến binh (CCB) làm kinh tế cấp xã, thị trấn được thành lập, trở thành điểm tựa vững chắc cho CCB trên hành trình phát triển kinh tế. Các CLB này không chỉ tạo điều kiện để hội viên CCB gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, mà còn là nguồn động lực khích lệ CCB mạnh dạn hơn trong việc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Mạng lưới CLB ngày càng mở rộng và hoạt động hiệu quả, góp phần khẳng định vai trò của CCB trong phát triển kinh tế địa phương.
Tại huyện Di Linh, từ đầu năm đến nay, Hội CCB huyện đã thành lập và ra mắt 4 CLB CCB làm kinh tế tại các xã Gia Hiệp, Gung Ré, Hòa Ninh và Đinh Trang Hòa, thu hút nhiều hội viên tham gia. Theo ông Bùi Việt Quang- Phó Chủ tịch Hội CCB huyện, việc thành lập các CLB này không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các CCB có cơ hội kết nối, học hỏi, mà còn giúp xây dựng và phát triển các mô hình kinh doanh hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Với những kết quả bước đầu, Hội CCB huyện dự tính sẽ thành lập thêm 3 CLB tại thị trấn Di Linh, xã Tân Châu và Hòa Trung trong thời gian tới. Khi đó, ngoài CLB CCB cấp huyện, sẽ có tổng cộng 7 CLB CCB cấp xã, thị trấn, góp phần mở rộng phạm vi hoạt động và tăng cường kết nối giữa các thành viên”, ông Quang cho biết.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động các CLB, Hội CCB huyện đã chủ động tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các CLB CCB trong và ngoài tỉnh. Gần đây, Hội đã tổ chức chuyến thăm, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), giúp các thành viên CLB có thêm cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời mở rộng liên kết sản xuất.
Tương tự, trong hơn 6 tháng qua, các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Lâm Hà… cũng đã thành lập thêm các CLB CCB làm kinh tế tại các xã, thị trấn, khuyến khích hội viên vượt khó, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh. Từ CLB, nhiều CCB trở thành những tấm gương sáng làm kinh tế giỏi, tích cực giúp đỡ các CCB khó khăn, tạo ra việc làm ổn định cho người lao động địa phương, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững.
Dưới sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Hội CCB tỉnh, các CLB CCB làm kinh tế từ cấp huyện đến xã đã không ngừng được củng cố và phát triển, cả về số lượng lẫn chất lượng. Hiện, CLB Doanh nhân CCB làm kinh tế tỉnh có 81 thành viên, cùng 11 CLB cấp huyện với hơn 370 thành viên, 29 CLB cấp xã, phường, thị trấn với 540 thành viên. Sự gia tăng hội viên cấp xã, phường, thị trấn cho thấy lợi ích và vai trò quan trọng của các CLB đối với CCB trong hoạt động kinh tế.
Tính đến nay, CLB Doanh nhân CCB làm kinh tế tỉnh quản lý hơn 200 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho trên 1.600 lao động, cùng 25 hợp tác xã, 60 tổ hợp tác và hơn 700 trang trại, gia trại. Một số doanh nghiệp đạt doanh thu trên 50 tỷ đồng mỗi năm và 11 hợp tác xã, trang trại có doanh thu trên 10 tỷ đồng mỗi năm. Đại tá Dương Công Hiệp - Chủ nhiệm CLB Doanh nhân CCB làm kinh tế tỉnh, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, nhấn mạnh: “Các CLB đã và đang không ngừng mở rộng và phát triển, không chỉ dừng lại ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi mà còn mở rộng sang các ngành sản xuất có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống của các CCB, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và góp phần vào sự phát triển kinh tế địa phương”.
Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động cho các CLB, Đại tá Dương Công Hiệp cho biết, Thường trực CLB đã chủ động tìm kiếm và kết nối với các đối tác tiềm năng, mở rộng mô hình sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Các kế hoạch tổ chức thăm, khảo sát thực tế tại cơ sở sản xuất của CCB nhằm nắm bắt thông tin, giải quyết khó khăn và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh đã được triển khai. CLB cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đặc biệt là với các tỉnh như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Ninh Thuận và Đắk Lắk. Thường trực Hội CCB tỉnh cũng đã phối hợp với CLB Doanh nhân CCB làm kinh tế tỉnh tổ chức buổi gặp mặt đầu năm, tạo cơ hội trao đổi, học hỏi và thúc đẩy phát triển kinh doanh giữa các doanh nhân CCB.
Bên cạnh hoạt động kinh tế, các CLB còn tích cực tham gia các phong trào của Hội CCB và các hoạt động tại địa phương. Trong 6 tháng đầu năm, CLB các cấp đã đóng góp gần 1,5 tỷ đồng cho các quỹ từ thiện, hỗ trợ thiên tai, đền ơn đáp nghĩa và khuyến học.
Để CLB CCB làm kinh tế các cấp ngày càng phát triển, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Dương Công Hiệp, nhấn mạnh: “Trước hết, Hội tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát triển hội viên và mở rộng mạng lưới các CLB ở cấp xã và thị trấn. Ngoài ra, việc tận dụng các chính sách ưu đãi và mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các CLB CCB ở các tỉnh, thành khác sẽ là những bước quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của CLB”.
CLB Doanh nhân CCB làm kinh tế tỉnh cùng các CLB CCB làm kinh tế cấp huyện, xã, thị trấn đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hội viên CCB trong phát triển kinh tế. Sự đồng hành và hỗ trợ từ các CLB không chỉ là động lực quan trọng để các CCB tự tin mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn giúp nâng cao đời sống của CCB, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.