Động lực thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2024
Mặc dù chưa thể trở lại thời 'hoàng kim', tuy nhiên, theo chuyên gia, khi những chính sách về bất động sản đã ban hành được thẩm thấu sẽ trở thành động lực thúc đẩy thị trường này trong năm 2024…
Theo báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng, nửa đầu năm 2023, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng, nhưng 6 tháng cuối năm, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều.
Thị trường đã có thêm sự nhộn nhịp bởi việc chạy đua của một số dự án, cùng các chương trình mở bán quy mô lớn vốn đã vắng bóng trong thời gian trước đó. Nguồn cung và giao dịch đã có sự cải thiện, tổng nguồn cung cả năm 2023 đạt 55.329 nghìn sản phẩm, tăng 14% so với năm 2022.
Riêng với phân khúc nhà ở xã hội, 46 dự án được hoàn thành với 20.210 căn, tỷ lệ hấp thụ tăng dần qua các quý. Mặc dù nguồn cung nhà ở sơ cấp đưa vào thị trường vẫn còn “nhỏ giọt”, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khó khăn, việc có thêm nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung căn hộ từ các dự án mới đã góp phần làm “ấm” thị trường.
Để có những kết quả tích cực đã nêu, năm 2023, có tất cả 22 chính sách từ phía Chính phủ, cơ quan, ban, ngành đã được ban hành. Trong đó, nổi bật nhất là Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, đã trở thành “chiếc phao cứu trợ” cho doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, có thể kể đến việc giảm lãi suất cho vay; chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ tiếp tục được triển khai.
Đặc biệt, hiệu quả đậm nét nhất trong tháo gỡ chính sách, cải thiện môi trường pháp lý có thể kể đến hàng loạt các Dự án Luật (sửa đổi) được thông qua như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi)…
Các chính sách này không chỉ giúp thị trường bất động sản khởi sắc trong những tháng cuối năm 2023 mà còn là tiền đề để thúc đẩy phát triển trong năm 2024.
Nhìn nhận về thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, trải qua quá trình thanh lọc, sức khỏe nội tại, cùng khả năng ứng biến với các khó khăn, thử thách của các chủ thể tồn tại trên thị trường bất động sản sẽ được nâng lên. Bên cạnh đó, các thay đổi trong các chính sách tuy chưa được áp dụng, nhưng sẽ là tín hiệu tích cực để các chủ thể gửi gắm niềm tin và lấy lại tinh thần cho chặng đường 2024 sắp tới.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tuy chưa thể khẳng định thị trường sẽ đạt được các kết quả rực rỡ trong năm 2024, nhưng chắc chắn năm 2024 chính là “viên gạch đầu tiên” xây nền móng cho chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản Việt Nam. Song song với các giải pháp tháo gỡ các khó khăn về mặt pháp lý, nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thì “niềm tin” của khách hàng và nhà đầu tư vẫn sẽ là yếu tố tiếp tục được quan tâm...
Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, năm 2024, về tổng thể, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và mức phục hồi không đồng đều trên các phân khúc, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn “bĩ cực” nhất, đang và sẽ ghi nhận những động thái tích cực cả về tổng cung và tổng cầu. Quý I và quý II/2024 thị trường sẽ tiếp tục duy trì tín hiệu tốt từ thời điểm cuối năm 2023.
Nhưng phải từ cuối quý III trở đi sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt khi các cơ chế, chính sách, đặc biệt liên quan đến tín dụng đạt được độ ngấm sẽ cho thấy rõ hơn các tác động tích cực đến thị trường. Phân khúc bất động sản nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá bình dân sẽ phát huy tốt vai trò trụ cột, dẫn dắt toàn bộ thị trường từ giai đoạn giữa năm 2024.
Cũng nhìn nhận về thị trường bất động sản năm 2024, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu phục hồi tích cực khi có tới 5 trợ lực như: kinh tế vĩ mô tiếp tục được dự báo ổn định; nguồn vốn cho bất động sản đang trở lại khi lãi suất trên đà giảm, doanh nghiệp đã giảm đáng kể nghĩa vụ tài chính, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dần được khai thông.
Việc quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng đang được Nhà nước quan tâm thực hiện; hành lang pháp lý bất động sản dần hoàn thiện; các vướng mắc về pháp lý dự án, quy hoạch dần được tháo gỡ sẽ giúp nguồn cung sản phẩm tăng lên, tạo cơ sở để giảm giá một số phân khúc bất động sản nhất định phù hợp với nhu cầu của người dân.
Từ đó, vị chuyên gia này nhận định, sự hồi phục của thị trường bất động sản sẽ rõ nét hơn từ đầu quý II/2024 khi các chính sách hỗ trợ ngấm sâu hơn.
Được biết, trong năm 2023, dòng vốn cho thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu tích cực, vốn FDI vào bất động sản đạt gần 5 tỷ USD, dòng vốn trái phiếu do doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 77.000 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 29%). Bên cạnh đó, vốn tín dụng vào thị trường bất động sản vẫn tăng khoảng 9%.
Theo Gia Nguyễn - Quốc Tuấn/Diendandoanhnghiep.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dong-luc-thuc-day-thi-truong-bat-dong-san-nam-2024.html