Động lực từ các công ty đại chúng
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc so với những năm đầu hoạt động, tuy nhiên, tỷ lệ huy động vốn hiện còn thấp. Việc nâng hạng TTCK thời gian tới là rất cần thiết, tạo động lực để thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
Thời gian qua, TTCK nước ta đã phát triển tích cực, phát huy vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế. Tuy vậy, cũng cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu phát triển đã nêu trong Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025” (đề án), mà một trong những mục tiêu quan trọng là sớm nâng hạng TTCK Việt Nam.
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường vốn-Cơ hội trong kỷ nguyên mới” được tổ chức tại Hà Nội ngày 30-3, TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần đẩy nhanh cơ cấu TTCK theo đề án đã được phê duyệt. Cùng với việc hoàn thiện cơ cấu bộ máy, xây dựng lại thị trường cổ phiếu, trái phiếu, chứng khoán phái sinh theo hướng chuyên môn hóa, phải tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các định chế trung gian; đẩy mạnh việc triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK từ thị trường cận biên (frontier markets) lên thị trường mới nổi (emerging markets) theo đánh giá của hai tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell. Bên cạnh đó, chú trọng bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ. Đây cũng là cơ sở để tiếp tục đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường.
Theo bộ tiêu chí của FTSE Russell, hiện TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Nếu xét theo tiêu chí của MSCI thì vẫn còn 7/17 tiêu chí cần phải cải thiện. TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, cho biết: "Thách thức lớn trong mục tiêu nâng hạng và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới là tăng tính minh bạch của thị trường; tăng tính chuyên nghiệp, nâng tầm quản trị doanh nghiệp của cộng đồng nhà đầu tư và khả năng điều hành thị trường của cơ quan quản lý. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản lý giám sát rủi ro hệ thống, cải thiện công nghệ và hệ thống dữ liệu, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HOSE như thời gian vừa qua". Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, với nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hóa trên TTCK, tăng tính minh bạch và công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty, mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán... sẽ tác động sâu rộng và mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch mới và hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) vận hành trên nền tảng công nghệ của Hàn Quốc dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2021, là cơ hội để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đối với yêu cầu về thanh toán bù trừ hiện nay của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm. Về việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở hơn nữa. Bên cạnh đó, ngành chứng khoán sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch. Trong đó, một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, như: Tập trung đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn để hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK, thị trường vốn về dài hạn, nhằm thực hiện nâng hạng TTCK...
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, việc nâng hạng TTCK không phải câu chuyện và nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý, động lực nâng hạng thị trường chính là các công ty đại chúng. Khi các công ty, doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin, thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế, phát triển bền vững, sẽ tạo động lực để phát triển nội lực TTCK-là cái gốc của nâng hạng. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng TTCK như mức độ tự do trên thị trường ngoại hối, hạn chế sự can thiệp hành chính không hợp lý của cơ quan quản lý nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp, cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành. Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam chia sẻ: "Thời gian vừa qua, với sự phục hồi của nền kinh tế, mặt bằng lãi suất duy trì thấp, cùng với niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình kinh tế vĩ mô, các biện pháp cải cách của Chính phủ... đã hút dòng vốn khá lớn vào TTCK. Về lâu dài, để thúc đẩy TTCK phát triển ổn định, bền vững, các cơ quan quản lý cần có chính sách và sự quan tâm đầy đủ hơn. Trước mắt, cần đưa ra các giải pháp tình thế để khắc phục ngay tình trạng nghẽn lệnh trên hệ thống để ổn định tâm lý nhà đầu tư...".
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-luc-tu-cac-cong-ty-dai-chung-656375