Động lực và năng lực mới cho ngành Công Thương
Với những tín hiệu lạc quan, ngành Công Thương địa phương rất kỳ vọng vào động lực và năng lực mới để hướng tới hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023…
Đạt nhiều kết quả tích cực
Năm vừa qua, ngành ghi nhận giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) đạt gần 39.200 tỷ đồng, tăng 9,36% so năm 2021 và tăng 18,31% so năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Tính riêng công nghiệp chế biến - chế tạo đóng góp hơn 20.740 tỷ đồng và tăng 16,67% so cùng kỳ, đây cũng là nhóm ngành tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong cơ cấu công nghiệp tỉnh với 52,92% (năm 2021 chiếm 49,61%). Đối với các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Bình Thuận, trong năm qua có 12/16 sản phẩm thể hiện mức tăng trưởng dương so cùng kỳ. Trong đó có 6 sản phẩm tăng trưởng khá cao, gồm: Đá xây dựng các loại (tăng 38,68%), hạt điều nhân (tăng 33,33%), quần áo may sẵn (tăng 21,83%), thủy sản khô (tăng 17,81%), gạch các loại (tăng gần 13%), thủy sản đông lạnh (tăng hơn 10%)…
Quần áo may sẵn - một trong những sản phẩm công nghiệp chủ yếu thể hiện mức tăng trưởng khá cao trong năm qua (Ảnh minh họa).
Ở lĩnh vực năng lượng, đến cuối năm 2022 toàn tỉnh có 48 nhà máy điện thi công hoàn thành với sản lượng điện thiết kế khoảng 31,86 tỷ kWh/năm, trong đó 47 nhà máy đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.521 MW. Hiện ngành công nghiệp năng lượng địa phương đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời tham gia cung cấp điện cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong đó nhiệt điện đóng góp sản lượng điện cao nhất với hơn 75%, thủy điện đạt xấp xỉ 12%, điện mặt trời góp 10,24% và điện gió là 2,7%.
Một số kết quả tích cực mà ngành Công Thương Bình Thuận đạt được trong năm qua cũng cần kể đến: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước khoảng 74.400 tỷ đồng (tăng hơn 25% so năm 2021 và tăng 27,73% so năm 2019). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thực hiện 775,9 triệu USD (tăng hơn 23% so năm 2021 và tăng 67,35% so năm 2019), có 2/3 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng khá so năm trước đó là thủy sản tăng 42,45% và nhóm hàng hóa khác tăng 17,26%...
Động lực và năng lực mới
Cùng với những kết quả đã đạt được, ngành Công Thương Bình Thuận sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để hướng tới hoàn thành vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm 2023. Đó là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn qua địa bàn tỉnh) sắp đưa vào sử dụng, “điểm nghẽn” về chồng lấn giữa quy hoạch khai thác, dự trữ titan với các quy hoạch khác bước đầu được quan tâm tháo gỡ… Hay như nỗ lực của địa phương trong đầu tư hoàn thiện giao thông, kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội cũng tạo ra những động lực mới cho toàn ngành tiếp tục vươn lên.
Năm nay, ngành Công Thương Bình Thuận còn kỳ vọng vào một số năng lực mới, như dự kiến đưa vào hoạt động Nhà máy dây khóa kéo Kao Shing (công suất 12.100 tấn sản phẩm/năm), Nhà máy chế biến hải sản đóng hộp Fresh - Link (công suất 3.600 tấn sản phẩm/năm), Nhà máy sản xuất giày dép các loại (công suất 6,8 triệu đôi/năm)... Đây sẽ là nguồn lực đóng góp thêm vào giá trị sản xuất và tạo ra giá trị gia tăng trong GRDP của tỉnh, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch mà ngành đề ra.
Ngoài các khu công nghiệp hiện hữu, toàn tỉnh hiện có 27 cụm công nghiệp thu hút, bố trí hơn 170 dự án đầu tư với tổng diện tích gần 270 ha và tham gia giải quyết việc làm cho khoảng 8.250 lao động địa phương. Vừa qua, các cụm công nghiệp tiếp tục thu hút dự án sản xuất valy, túi xách vào Cụm công nghiệp Nghĩa Hòa, nhà đầu tư là Công ty TNHH Aisl Vina đến tìm hiểu và đăng ký thực hiện một số dự án tại Cụm công nghiệp Đông Hà… Cùng với đó, Sở Công Thương đã phối hợp ngành điện tham mưu đầu tư hệ thống lưới điện, truyền tải điện để giải phóng công suất cho các nhà máy điện trên địa bàn tỉnh. Xúc tiến đầu tư 18 công trình lưới điện trung hạ thế, hoàn thành dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 (công suất 100 MW với tổng vốn đầu tư 4.736 tỷ đồng). Đồng thời triển khai thi công dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 2.2 (công suất 19,8 MW, có tổng vốn đầu tư 760 tỷ đồng) và dự án Nhà máy thủy điện Sông Lũy (công suất 16 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 460 tỷ đồng)…
Từ những kết quả đạt được cùng với động lực và năng lực mới, ngành Công Thương Bình Thuận đang tập trung triển khai nhiệm vụ ngay trong tháng đầu của năm 2023 nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Đó là: Thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 41.377 tỷ đồng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 85.400 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 819 triệu USD.