'Dòng máu cao quý' – Hành trình về gần với cha của tác giả Amélie Nothomb
Tiểu thuyết 'Dòng máu cao quý' của nữ tiểu thuyết gia người Bỉ Amélie Nothomb được đánh giá là như một hành trình về gần với người cha yêu quý của tác giả, bởi bà đã không được gặp cha lần cuối trước khi cha mất trong thời gian cách ly vì dịch Covid-19.
Năm 2021, tiểu thuyết "Dòng máu cao quý" của tiểu thuyết gia người Bỉ Amélie Nothomb giành giải Renaudot, một giải thưởng văn chương danh giá đã có tuổi đời gần một trăm năm. “Dòng máu cao quý” vừa được Nhã Nam ấn hành tại Việt Nam, nhân Những ngày Văn học châu Âu 2023.
Trong Dòng máu cao quý, Amélie Nothomb đã nhập vai cha của mình và xưng “tôi” để nhường chỗ cho Patrick Nothomb kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, từ thời thơ ấu vào những năm 1940 cho đến năm 1964. Đặc biệt phải kể đến trong tác phẩm này là khoảng thời gian Patrick Nothomb cùng với hàng trăm người Bỉ bị quân nổi loạn tại Stanleyville, nay là Kisangani, Cộng hòa Dân chủ Congo bắt giữ làm con tin và suýt mất mạng ở đó. Mở đầu bằng bản án tử hình, trước cái chết cận kề, nhà ngoại giao Patrick Nothomb hồi tưởng lại tuổi thơ bị mẹ mình bỏ bê vì bà quả phụ đỏng đảnh thích giao du với giới thượng lưu hơn là tập trung làm mẹ. Cậu bé Patrick được ông bà ngoại là những người giàu có và hết mực tử tế nuôi nấng.
Vì cho rằng Patrick, khi ấy mới sáu tuổi, cần phải cứng rắn hơn, ông ngoại đã quyết định đưa cậu về nghỉ hè ở nhà ông nội, nam tước Pierre Nothomb. Amélie Nothomb khiến độc giả bị thu hút bởi bằng lối kể chuyện đầy lôi cuốn đồng thời lèo lái tác phẩm khiến ta chỉ có thể đọc liền một mạch không dứt. Dẫu miêu tả những hoàn cảnh sống tồi tàn, Amélie Nothomb vẫn có thể thổi được vào đó sự hài hước, thanh lịch và cao quý.
Cuốn sách mang màu sắc pha trộn giữa hư cấu và tự truyện, có những lúc tưởng chừng như không còn ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa câu chuyện tưởng tượng với câu chuyện đời thực. Đó là cái cách mà Amélie Nothomb mê hoặc độc giả, dẫn dắt độc giả tò mò không thể rời khỏi trang sách.
Nhưng ít ai biết được, cuốn sách lại là cách mà tác giả biểu đạt nỗi đau tận cùng của mình trong đời. Trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, hầu hết các nước châu Âu đều phải đóng cửa, cách ly xã hội. Tháng 3/2020, ngài Đại sứ Bỉ Patrick Nothomb, cha của Amélie Nothomb, đã đột ngột qua đời ở tuổi 83 vì phình mạch máu.
Nữ nhà văn không thể đến nhìn mặt cha lần cuối và dự tang lễ, và đó là nỗi đau đeo đuổi suốt với bà. Bi kịch này đã khiến bà bị sốc một thời gian dài, và cuốn sách được bà viết ra như một lời chào gửi tới cha, như một hành trình để đến gần hơn với cha trong trái tim.
Ông Nicolas Dervaux, Trưởng Đại diện Phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam cho biết, “Dòng máu cao quý” là cuốn tiểu thuyết thứ 30 của tác giả Amélie Nothom, từng giành nhiều giải thưởng cao quý bên cạnh giải Renaudot. Nữ văn sĩ cũng được ghi tên vào từ điển của Viện Hàn lâm của Bỉ và được giới Pháp ngữ đánh giá cao.
Tính hài hước của nhà văn Amélie Nothomb là một trong những đặc điểm nổi trội mà không nhà văn nào có được như vậy. Ngay cả cái tên tác phẩm cũng là một sự đùa cợt với nội dung cuốn sách.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Quyên
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Quyên cho biết, Amélie Nothomb là một người khá lập dị trong đời sống, từ cách ăn mặc cho đến các sáng tác. Nhiều tác phẩm của bà có sự xóa nhòa giữa hiện thực và hư cấu. Ngay cả “Dòng máu cao quý” cũng vậy, tác phẩm có sự hòa trộn giữa những nhân vật có thật trong đời sống của bà (cha bà) và sự tưởng tượng có phần hài hước, châm biếm nhưng cũng dựa trên những sự kiện thật trong tuổi thơ của cha bà. Có nhiều chi tiết trong tác phẩm đã xảy ra trong đời thực, nhưng toàn bộ tác phẩm được xây dựng theo kiểu hư cấu tự sự, đó là do tác giả đã sắp xếp các chi tiết và tạo ra câu chuyện như vậy.
Tiến sĩ Nguyễn Quyên nhận xét, tính hài hước của nhà văn Amélie Nothomb là một trong những đặc điểm nổi trội mà không nhà văn nào có được như vậy. Ngay cả cái tên tác phẩm cũng là một sự đùa cợt với nội dung cuốn sách.
PGS, TS Phùng Ngọc Kiên nhận xét, tác phẩm có tính tự thuật rất mạnh với nhân vật chính là bố của nữ văn sĩ, cùng rất nhiều chi tiết trong cuộc đời bà. Tác giả đã vượt ra khỏi ranh giới của một tác phẩm văn học để viết, với sự hư cấu và tự thuật hòa trộn với nhau. Chính vì thế, “Dòng máu cao quý” dành cho nhiều đối tượng độc giả, từ tuổi teen cho đến trưởng thành.
“Dòng máu cao quý” là một câu chuyện xuất phát từ một sự kiện đau thương, nhưng lại mang đầy tính hài hước và tích cực, như Tiến sĩ Nguyễn Quyên nói, là lan tỏa sự hài hước và tích cực đến cho người đọc. Một tác phẩm có vẻ như châm biếm, hài hước, nhưng lại là hành trình ấm áp trở về trái tim trong tình cảm của con gái dành cho người cha đã đi xa.
Tiểu thuyết “Dòng máu cao quý” của tác giả Amélie Nothomb được Nhã Nam ấn hành nhân dịp Những ngày Văn học châu Âu tại Việt Nam 2023. Buổi trò chuyện về tác phẩm có sự tham gia của Ông Nicolas Dervaux, Trưởng đại diện phái đoàn Wallonie-Bruxelles tại Việt Nam, PGS, Tiến sĩ Phùng Ngọc Kiên và Tiến sĩ Nguyễn Quyên.