Đồng Miễu - Di tích Chămpa niên đại sớm nhất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nghe TS Nguyễn Tiến Đông lý giải các di vật tìm thấy tại Di tích Đồng Miễu - Ảnh: THIÊN LÝ

Vừa qua, Sở VH-TT-DL Phú Yên phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khai quật Di tích Đồng Miễu (huyện Phú Hòa). Kết quả khai quật đã xuất lộ một phần kiến trúc đền tháp Chămpa gồm cấu trúc nền, móng và một phần thân tháp. Việc khai quật di tích này mang nhiều ý nghĩa trong nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Chămpa.

Di tích Đồng Miễu nằm trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Tấn Xu (74 tuổi) ở khu phố Định Thọ 1, thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa. Di tích nằm trong một thung lũng nhỏ, được bao quanh bởi các núi, dãy núi. Phía đông nam là Hòn Một, phía bắc đông bắc là Hòn Ông, phía tây là Hòn Ngang, qua bên kia sông Ba là núi Bà (nơi có di tích kiến trúc Chămpa thế kỷ XII). Phía đông của di tích, ngay sát quả gò là một dòng chảy như một con suối lớn, là dấu tích còn lại của một dòng chảy cổ.

Kiến trúc đền tháp Chăm đặc biệt

Theo TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng Phòng Nghiên cứu khảo cổ học đô thị, Viện Khảo cổ học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sau 2 tuần đoàn khảo cổ đã khai quật được phần tường phía tây của kiến trúc. Đây là một loại hình kiến trúc đền tháp Chăm đặc biệt, quy mô tháp nhỏ. Mặc dù chỉ mới xuất lộ gần hết mặt tây của di tích nhưng các nhà khảo cổ đã có thể đưa ra các sốđo của cạnh tây là 6,2m, nếu tháp có bình đồ vuông thì các cạnh còn lại cũng như vậy.

Căn cứ vào kích thước của các cạnh tháp, các nhà khảo cổ có thể hình dung tháp này nếu được xây dựng hoàn chỉnh sẽ có độ cao tối đa là 15-16m. Nghiên cứu kỹ cấu trúc tháp cả trong lẫn ngoài, các nhà khảo cổ nhận thấy có 2 lần xây dựng, tại phần thân tháp gần góc tây bắc lộ diện hai lớp gạch xây ốp vào mặt tường đã có trước, việc xây như vậy chỉ để tăng bề dày của tháp nhằm chịu một lực đè nén từ trên xuống. Các nhà khảo cổ giả định lần xây dựng thứ hai này có thể xây cả bộ mái bằng gạch nên cần gia cốchiều dày của tường.

Như lần xây dựng đầu, ngôi tháp có thể chỉ lợp ngói với bộ khung mái bằng chất liệu nhẹ như gỗ, tre.

Tại buổi họp báo cáo kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học Di tích Đồng Miễu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng yêu cầu ngành Văn hóa tham mưu cho lãnh đạo tỉnh xây dựng một kế hoạch tiếp tục khai quật, nghiên cứu và phát huy giá trị Di tích Đồng Miễu trong thời gian sớm nhất.

Một đặc điểm thú vị nữa của ngôi tháp là toàn bộ mặt tường tháp, cả trong lẫn ngoài đều được quét một lớp dầu thực vật màu đen. Lớp dầu này có tác dụng như sơn tường để chống thấm và tăng cường sự liên kết của các viên gạch mặt tường.

Hiện tượng này không thấy có ở các di tích Chămpa thời kỳ sau. Đây cũng là một tiêu chí của tháp Chăm thời kỳ đầu, niên đại sớm thế kỷ IV, V. Căn cứ vào loại gạch, chất liệu gạch khác nhau của hai lần xây dựng, căn cứ vào vật liệu ngói và gốm trong lớp nhồi lòng tháp của lần xây sau, dần đi đến giả thiết lần xây dựng đầu vào khoảng thế kỷ IV, lần sau muộn hơn, khoảng thế kỷ V.

Di tích có niên đại sớm nhất, lần đầu được biết đến

Theo các nhà khảo cổ, Đồng Miễu là di tích đền tháp xây gạch Chămpa có niên đại sớm nhất được biết đến lần đầu tiên trong văn hóa Chăm xưa. Di tích này chưa bao giờ được các nhà khoa học Pháp biết đến. Từ trước đến nay, các nghiên cứu về kiến trúc Chămpa đều cho rằng trước thế kỷ VII, có lẽ Chămpa chưa có công trình đền tháp xây gạch, mà chỉlà các kiến trúc sử dụng vật liệu nhẹ như gỗ, tre…

Việc phát hiện di tích tháp Đồng Miễu đã cho chúng ta suy nghĩ khác hơn, rằng từ thế kỷ IV, người Chăm đã xây dựng đền tháp bằng gạch cho dù cả kỹ thuật sản xuất gạch đến trình độ xây dựng còn chưa hoàn thiện, thậm chí non nớt nhưng đó có thể là những viên gạch đầu tiên tạo nền móng cho những tuyệt tác kiến trúc Chămpa sau này.

Vị trí của ngôi tháp phần nào chứng minh cho lý thuyết về các vùng Chăm, các lãnh thổ Chăm trong lịch sử của cố GS Trần Quốc Vượng. Đây có lẽ chính là nơi các chủ nhân Chăm xưa chọn làm khu thánh địa. Tuy nhiên, có thể do chưa nắm bắt đầy đủ và chưa có kinh nghiệm nên việc ứng xử với loại vật liệu mới là gạch đã không được như ý muốn. Công trình bị đổ, vỡ nhiều lần, quy mô nhỏ lại ở vùng có nhiều lụt lội nên đã không có nhiều công trình được xây dựng thêm. Vào thời kỳ sau, những cuộc nội chiến giữa các tiểu vùng, tiểu quốc Chăm đã làm suy sụp cả Thành Hồ lẫn thánh địa của nó. Di tích này vẫn là một điểm sáng trên bản đồ di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam với giá trị lịch sử - văn hóa rất lớn.

Qua kết quả khai quật và chỉnh lý sơ bộ, TS Nguyễn Tiến Đông, Trưởng đoàn khai quật khẳng định giá trị đặc biệt của khu di tích: “Đặc biệt là xuất lộ loại gạch, chất liệu gạch mà ban đầu chúng tôi nhận định có niên đại sớm, khoảng thế kỷ thứ IV, V. Ở miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận có rất nhiều di tích Chăm đã được phát hiện, nhưng chưa có kiến trúc nào còn gạch Chăm có niên đại từ thế kỷ IV, V còn tồn tại đến nay. Do đó, những phát hiện từ khai quật kiến trúc Chăm ở Đồng Miễu là vô cùng quý giá”.

TS NGUYỄN TIẾN ĐÔNG, TRƯỞNG PHÒNG NGHIÊN CỨU KHẢO CỔ HỌC ĐÔ THỊ, VIỆN KHẢO CỔ HỌC - VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM:

Phú Yên - miền đất chứa đựng nhiều di tích Chămpa

Có thể nói, Phú Yên là một miền đất hứa, chứa đựng nhiều di tích Chămpa, ngoại trừ tháp Nhạn, tháp Phú Lâm có niên đại muộn, thì trong lòng đất Phú Yên còn chứa đựng nhiều di tích rất quan trọng. Đơn cử như di tích Chăm ngoài Lao Mái Nhà, Hòn Chùa, mấy chục giếng đá ở thôn Xuân Dục; bên cạnh đó là Hòn Tháp, Thành Hồ..., và hiện nay có thêm Đồng Miễu.

Vì vậy, cuộc khai quật này dù là muộn kể từ khi phát hiện, nhưng nó đã mang lại những kết quả rất tốt đẹp. Chỉ với diện tích rất khiêm tốn 35m2, độ sâu nhất là 2,7m, các nhà khảo cổ đã làm xuất lộ phần nhỏ của một kiến trúc đền tháp Chămpa được xây dựng trong một thung lũng nhỏ, cách di tích Thành Hồ nổi tiếng 3km, cách sông Ba 1,5km. Dù mới xuất lộ một phần, song thông tin về di tích rất phong phú.

ÔNG ĐINH CÔNG THẠCH, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN PHÚ HÒA:

Khẩn trương di dời nhà ở trong khuôn viên di tích

Từ trung tâm thị trấn Phú Hòa (Thành Hồ) theo quốc lộ 25 tầm 2km, đến cầu Đồng Dinh rẽ phải theo đường kênh chính Bắc, qua khu dân cư Định Thọ 1 sẽ tới khu vực Di tích Đồng Miễu. Hiện di tích nằm trong khuôn viên nhà ông Nguyễn Tấn Xu (thường gọi là Năm Xu). Mảnh đất này được ông Xu thuê của chính quyền cách đây nhiều năm để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để tạo điều kiện cho các nhà khảo cổ khai quật di tích, trước mắt, UBND huyện sẽ có kế hoạch vận động, di dời nhà ông Xu đến nơi khác; đồng thời tuyên truyền để người dân không lấn chiếm, xây dựng trên khu vực di tích.

Chính quyền địa phương đề nghị các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn sớm cho phép khai quật và có nhận định, kết luận chính thức từ các nhà khảo cổ về giá trị, niên đại của di tích để thông tin lại cho người dân được biết. Vì hiện nay một số người dân trong và ngoài địa phương nghe tin phát hiện di tích đã hiếu kỳ đến xem, thậm chí có nhiều người hiểu sai lệch về việc khai quật di tích.

ÔNG NGUYỄN NGỌC THÁI, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL:

Lập kế hoạch bảo vệ di tích

Thực hiện quyết định của Bộ VH-TT-DL về việc khai quật khảo cổ, Sở VH-TT-DL đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức khai quật Di tích Đồng Miễu. Việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa lịch sử Chămpa nói riêng cũng như lịch sử Phú Yên nói chung. Vì vậy, trước mắt, sở đã chỉ đạo các ngành chức năng huyện Phú Hòa, tuyên truyền vận động cán bộ, công nhân và người dân, đặc biệt là ông Xu không xây dựng công trình kiến trúc hoặc trồng cây lâu năm trong khu vực cần bảo vệ.

Đồng thời tham mưu UBND tỉnh xác lập kế hoạch tiếp tục khai quật, nghiên cứu Di tích Đồng Miễu và vùng phụ cận; lập hồ sơ để đánh giá đúng giá trị của di tích; tiếp nhận các hiện vật khai quật để triển lãm, phục vụ cho việc nghiên cứu khảo cổ học khu vực Đồng Miễu...

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/224832/dong-mieu-di-tich-champa-nien-dai-som-nhat.html