Đồng Min giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Nùng

Thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương) có đông đồng bào dân tộc Nùng sinh sống. Ông Hoàng Văn Sơn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn cho biết, thôn có 175 hộ với 735 nhân khẩu. Đây là 1 trong 2 thôn của xã được sáp nhập từ thôn Cao Tuyên và Đồng Min, gọi chung là thôn Đồng Min.

Thôn có 48 hộ là đồng bào dân tộc Nùng, từ Hà Quảng, Cao Bằng về đây sinh sống năm 1977. Trải qua bao thăng trầm, người dân nơi đây vẫn luôn lưu giữ và phát huy nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống. Đặc biệt là trang phục truyền thống của cả nam và nữ đều được làm bằng vải chàm. Nét đẹp của chiếc áo chàm thể hiện ở kiểu dáng, đường nét, đặc biệt là màu chàm khác biệt làm tôn lên nước da của người phụ nữ, chiếc đai thắt ngang lưng tăng thêm vẻ đẹp của loại trang phục này.

Chị em phụ nữ dân tộc Nùng, thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương) gìn giữ trang phục truyền thống.

Chị em phụ nữ dân tộc Nùng, thôn Đồng Min, xã Bình Yên (Sơn Dương) gìn giữ trang phục truyền thống.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Lương Thị Thắm, một gia đình còn giữ được nghề dệt vải của đồng bào dân tộc Nùng nơi đây. Chị Thắm nói, để dệt được những tấm vải chàm phải mất khá nhiều công sức và qua nhiều công đoạn. Bông thu hoạch về được phơi qua 2-3 nắng rồi đem cán để tách riêng phần hạt và phần bông. Dệt vải chàm đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo, làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu, hay cũng có khi là dùng để thêu thùa, trang trí trong gia đình. Trang phục chủ yếu là màu đen, xanh và màu chàm, hoa văn đơn giản, không cầu kỳ, mà thiên về tạo dáng. Đó cũng chính là nét độc đáo trong trang phục của đồng bào Nùng. Đặc biệt trong đám cưới của người Nùng, cô dâu, chú rể vẫn luôn rạng rỡ trong bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình.

Người Nùng nơi đây còn giữ gìn được các làn điệu hát giao duyên, hát lượn, hát kể, hát Sli… Mỗi điệu hát đều có nét đặc sắc thể hiện tâm tình qua tiếng hát mềm mại, luyến láy của các “nghệ nhân” làng. Ông Lương Văn Vinh, người còn lưu giữ được những câu hát Sli bày tỏ, hát Sli thể hiện sự ứng đối tài hoa của mỗi người qua những lời Sli ví von, có phần tinh nghịch, ẩn chứa rất nhiều hàm ý sâu xa. Trong các lễ hội, ngày chợ hát Sli có ý nghĩa quan trọng, đó là sợi dây vô hình gắn kết mọi người chưa quen biết lại với nhau.

Cùng với việc quan tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bà con trong thôn còn tích cực phát triển kinh tế, từng bước nâng cao đời sống mọi mặt. Nhiều gia đình đã phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập khá. Thôn hiện có 25 hộ gia đình dân tộc Nùng có mức thu nhập khá trở lên: Ông Triệu Duy Thái, với mô hình trồng cây ăn quả và 2 ha rừng, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng; ông Hoàng Văn Tuyên, nuôi 5 con trâu, trồng mía, làm ruộng, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm... Đến nay, thôn còn 8 hộ nghèo là người dân tộc Nùng, 90% đường thôn đã được bê tông hóa... Thôn có nhà văn hóa là nơi sinh hoạt chung, có một đội văn nghệ hát Sli, 2 đội bóng chuyền hơi. Qua bình xét, hằng năm thôn có 98% số hộ đạt gia đình văn hóa, trong đó 48 hộ là đồng bào dân tộc Nùng đều đạt gia đình văn hóa.

Với những nét văn hóa độc đáo riêng, đồng bào dân tộc Nùng ở Đồng Min đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Bài, ảnh: Minh Thủy

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/dan-toc-mien-nui/!trang-phuc/dong-min-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-nung-132269.html