Đồng minh lo ngại Mỹ rời NATO nếu ông Trump tái cử

Nhiều cựu cố vấn Nhà Trắng cũng như đồng minh châu Âu lo ngại Tổng thống Trump sẽ rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử nhiệm kỳ hai.

Trong gần 4 năm của nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần công khai chỉ trích Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), đòi hỏi các quốc gia thành viên ở châu Âu chi nhiều tiền hơn cho ngân sách quốc phòng.

Một số nguồn tin cho biết Tổng thống Trump thậm chí còn đi xa hơn khi thảo luận về khả năng rút Mỹ khỏi liên minh quân sự lớn nhất thế giới. Theo New York Times, viễn cảnh này có khả năng trở thành sự thật trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Trump.

 Washington đã quyết định rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức. Ảnh: Reuters.

Washington đã quyết định rút 12.000 binh sĩ khỏi Đức. Ảnh: Reuters.

Nguy cơ tan vỡ NATO

Những tiết lộ mới đây từ các cựu cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Tổng thống Trump càng làm gia tăng sự bất an trong chính giới Mỹ, cũng như tại châu Âu, về nguy cơ tan vỡ của NATO.

Tổng thống Trump, được cổ vũ bằng chiến thắng trong cuộc chạy đua lần 2 vào Nhà Trắng, với sự cố vấn của đội ngũ thiếu kinh nghiệm về an ninh, có thể làm suy yếu, hay thậm chí chấm dứt vai trò thành viên của Mỹ trong NATO.

Các cựu quan chức trong chính quyền Trump cảnh báo kịch bản này có thể trở thành một trong những biến chuyển chiến lược toàn cầu lớn nhất trong nhiều thế hệ, đồng thời là chiến thắng to lớn đối với các lực lượng đối đầu với phương Tây, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Từ năm 2018, Tổng thống Trump đã muốn xem xét lại vai trò của Mỹ ở NATO. Ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, những bằng chứng mới về việc ông chủ Nhà Trắng muốn rút Mỹ khỏi NATO tiếp tục xuất hiện.

Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây, cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton miêu tả Tổng thống Trump thường xuyên đề cập mong muốn rút khỏi NATO. Tháng trước, trả lời một tờ báo Tây Ban Nha, ông Bolton dự báo Tổng thống Trump thậm chí có thể tạo ra một "bất ngờ tháng 10" ngay trước thềm bầu cử, bằng việc công khai ý định rút khỏi NATO trong nhiệm kỳ hai.

Cây bút Michael S. Schmidt của New York Times cho biết cựu chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, một tướng 4 sao làm việc trong chính quyền Trump giai đoạn 2017-2019, xác nhận mong muốn rút khỏi NATO của ông Trump.

"Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của ông ấy (Kelly) là cố gắng ngăn Tổng thống Trump rút khỏi NATO", nhà báo Schmidt dẫn lời ông Kelly.

Dù thường xuyên phàn nàn về việc các thành viên khác của NATO cần chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, Tổng thống Trump tới nay chưa công khai đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi NATO.

Trong đại hội đảng Cộng hòa mới đây, Tổng thống Trump tuyên bố đã gây áp lực mạnh mẽ hơn nữa buộc các thành viên NATO tăng ngân sách quốc phòng, nhưng không đề cập tới bất cứ ý định nào khác đối với liên minh quân sự này.

Chương trình nghị sự 50 điểm được chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump công bố tháng trước cũng không nhắc tới vấn đề cụ thể nào liên quan đến NATO.

Hôm 2/9, Tổng thống Trump có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm kết thúc Thế chiến II tổ chức ở bang Bắc Carolina, sự kiện tạo ra tiền đề thành lập khối NATO nhằm bảo vệ an ninh của các nước phương Tây trước sự mở rộng của Liên Xô. Trong bài phát biểu, Tổng thống Trump hoàn toàn không đề cập tới quan hệ an ninh giữa Mỹ với châu Âu.

Nhiều tháng qua, giới an ninh ở Washington và châu Âu đã thở phào nhẹ nhõm với kết luận Tổng thống Trump ít có khả năng xáo trộn các nguyên tắc cốt lõi của NATO trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng khi cuộc bầu cử ngày càng đến gần, các chuyên gia cảnh báo lo lắng đang gia tăng.

Thomas Wright, Giám đốc Trung tâm Mỹ - châu Âu thuộc Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng đang tồn tại nguy cơ đối với sự ổn định của NATO.

"Chúng ta biết được thông qua Kelly và Bolton rằng ông ấy (Tổng thống Trump) muốn đi xa hơn trong nhiệm kỳ đầu tiên. Nếu ông Trump cảm thấy các chính sách của mình được người dân ủng hộ, tôi nghĩ ông Trump có thể thực sự rút khỏi NATO", ông Wright nhận định.

Châu Âu lo ngại

Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ ngăn cản mọi nỗ lực rút khỏi NATO của Nhà Trắng, nhưng các chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump có những cách khác để khiến NATO bị suy yếu. Một trong những cách thức đó là xem xét lại Điều 5 Hiến chương NATO, quy định về nghĩa vụ tự vệ tập thể.

Các đời tổng thống Mỹ trước đây coi Điều 5 là cam kết bảo vệ các đồng minh khi bị tấn công quân sự. Thế nhưng, Tổng thống Trump dường như muốn giải thích điều khoản này theo cách khác.

"Tổng thống Trump có thể giải thích Điều 5 theo hướng 'tôi sẽ gửi một bức thư phản đối mạnh mẽ'", ông Wright nói.

Jorge Benitez, chuyên gia của tổ chức tư vấn chính sách Atlantic Council, lưu ý các bước đi gần đây về an ninh của chính quyền Trump đối với châu Âu, như việc rút 12.000 lính Mỹ khỏi Đức hay quyết định cắt giảm ngân sách cho một sáng kiến an ninh tại châu Âu của Lầu Năm Góc, chương trình mà trước đó Nhà Trắng nhấn mạnh là bằng chứng cho sự ủng hộ của Tổng thống Trump với NATO.

"Trước những động thái tiêu cực ngày càng leo thang, các quan chức châu Âu lo ngại tình hình có thể tiếp tục tồi tệ nếu ông Trump tái đắc cử", ông Benitez nhận định.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Ảnh: AFP.

Tại Quốc hội, đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump có thể tái định hình vĩnh viễn quan hệ giữa Mỹ và châu Âu nếu tái đắc cử. Trong nhiều thế hệ, lưỡng đảng Dân chủ - Cộng hòa có sự đồng thuận khi coi Mỹ là nhà lãnh đạo, người bảo vệ đối với châu Âu.

"Sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Quốc hội đối với NATO luôn áp đảo và không thay đổi, có những rào cản thủ tục to lớn nếu bất cứ tổng thống nào lựa chọn rút khỏi NATO. Tổng thống Trump đã làm suy yếu quan hệ xuyên Đại Tây dương từ ngày đầu tiên, và người duy nhất hưởng lợi là Vladimir Putin. Những đồn đoán về khả năng rút lui khỏi NATO bản thân nó đã là chiến thắng cho Điện Kremlin, vượt quá cả giấc mơ điên rồ nhất của Tổng thống Putin", Thượng nghị sĩ Dân chủ Jeanne Shaheen bình luận.

Các nhà ngoại giao châu Âu tỏ ra cực kỳ thận trọng khi nói về khả năng Mỹ rời khỏi NATO, nhằm tránh khiêu khích Tổng thống Trump. Đại sứ một quốc gia thành viên NATO từ chối bình luận về viễn cảnh giả định nếu ông Trump đắc cử.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết giới ngoại giao châu Âu chia sẻ quan điểm việc ông Trump tái đắc cử sẽ tạo ra tâm lý lo ngại trên khắp lục địa già, theo New York Times.

Nhà Trắng không còn đội ngũ an ninh dày dạn

Tổng thống Trump đang ngày càng tự tin vào khả năng chỉ huy bộ máy an ninh quốc gia. Trước đây, Tổng thống Trump sử dụng những chính khách có uy tín lớn hỗ trợ ông trong vấn đề ngoại giao và an ninh.

Nay, ông Trump ngày càng dựa vào các cố vấn ít kinh nghiệm, những người ít có khả năng thách thức các ý tưởng của ông.

Lần lượt các quan chức an ninh dày dạn kinh nghiệm, ủng hộ NATO và quan hệ xuyên Đại Tây dương, đã ra đi, trong đó có tướng 4 sao Kelly, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, hay cựu cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.

Những quan chức an ninh hiện nay trong chính quyền Mỹ không được đánh giá cao khi phải đối đầu với tính bản năng trong các quyết định của Tổng thống Trump. Mới đây, Tổng thống Trump thậm chí châm chọc Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và gọi ông là "Yesper", tức người luôn nói đồng ý.

 Những tướng lĩnh uy tín như James Mattis (trái) và John Kelly (phải) đều đã rời khỏi đội ngũ ở Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Những tướng lĩnh uy tín như James Mattis (trái) và John Kelly (phải) đều đã rời khỏi đội ngũ ở Nhà Trắng. Ảnh: AP.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton cho biết ngay trước chuyến thăm trụ sở NATO ở Brussels năm 2018, Tổng thống Trump có ý định ra tuyên bố sẽ rời khỏi NATO và "không bảo vệ những nước" không hoàn thành nghĩa vụ chi tiêu ngân sách. Ông Bolton và các quan chức khác đã phải thuyết phục Tổng thống Trump không công khai phát biểu này.

Kể từ đó, chính quyền Trump đã gây sức ép buộc các thành viên NATO thực hiện cam kết chi tối thiểu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, mức chi tiêu chỉ Mỹ và 8 thành viên NATO khác đáp ứng.

Trong quá khứ, Tổng thống Trump nhiều lần ám chỉ Mỹ sẽ từ chối bảo vệ những nước NATO không đáp ứng chi tiêu ngân sách quốc phòng theo mục tiêu mà liên minh này đã đặt ra.

"Giả sử ông Trump bước vào nhiệm kỳ hai, ngay cả nếu Tổng thống Trump quyết định không rời NATO, liên minh vẫn có thể bị tổn hại theo nhiều cách thức khác nhau", Constanze Stelzenmüller, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Brookings, đánh giá.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dong-minh-lo-ngai-my-roi-nato-neu-ong-trump-tai-cu-post1127868.html