Đồng minh thân thiết hàng đầu của Moskva đó là Ấn Độ đã tỏ ý sẵn sàng giúp đỡ Nga - quốc gia đang rơi vào tầm ảnh hưởng nặng nề của các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt.
Do quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây ngày càng xấu đi, một số công ty châu Âu và Mỹ đã thông báo rằng họ sẽ ngừng kinh doanh tại Liên bang Nga. Trong số đó có tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, sở hữu 30% cổ phần của dự án năng lượng lớn Sakhalin-1.
Mặc dù vậy Nga đã nhận được tín hiệu vui mừng, nhà báo người Anh Anthony Ashkenaz trong bài phân tích đăng trên tờ Daily Express đã cho biết rằng quốc gia Nam Á muốn thế chỗ các công ty phương Tây đã rời đi.
“Khoảng trống được tạo ra sau sự ra đi của những công ty phương Tây có thể được lấp đầy bởi các quốc gia châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ, đây là những nước đang phát triển với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh”, bài báo nêu rõ.
Cách đây không lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thành lập một nhà điều hành mới, pháp nhân này sẽ nắm quyền kiểm soát dự án Sakhalin-1, bao gồm cả cổ phần từng thuộc về công ty ExxonMobil của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ đang tỏ ra rất quan tâm đến việc tham gia vào dự án. Chuyên gia của tờ Daily Express nhận định rằng Moskva có thể sử dụng sự giúp đỡ từ New Delhi, vì vậy một thỏa thuận giữa hai nước sẽ mang lại lợi ích lớn.
Chuyên gia phân tích Anthony Ashkenaz nhấn mạnh: “Khi quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi, Ấn Độ có thể can thiệp và mua lại cổ phần của ExxonMobil trong dự án năng lượng Sakhalin-1".
Các công ty châu Á đang dần thay thế những tập đoàn năng lượng khổng lồ của phương Tây đã tham gia lệnh trừng phạt và rời khỏi Liên bang Nga. Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.
Nhưng Nga sẽ không quá lo lắng khi các đồng minh thân thiết luôn sẵn sàng thế chỗ phương Tây, trong đó Trung Quốc có kế hoạch thay thế Shell trong dự án Sakhalin-2, còn Ấn Độ rất muốn mua cổ phần của ExxonMobil trong dự án Sakhalin-1.
Ấn Độ hiện giữ vị trí nhà nhập khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, họ đã tăng mạnh mua năng lượng từ Nga trong những tháng gần đây. Về vấn đề này, việc New Delhi quan tâm đến dự án Sakhalin-1 là khá hợp lý.
Tuy vậy không loại trừ khả năng dưới áp lực lớn từ Mỹ và phương Tây, Ấn Độ sẽ không dám tham gia các dự án khai thác năng lượng cùng với Nga để tránh liên đới vì những biện pháp trừng phạt.
Washington đã tỏ ra cực kỳ cứng rắn khi khẳng định đang xây dựng một đạo luật tương tự như CAATSA nhằm trừng phạt bất cứ quốc gia nào trong tương lai vẫn giữ quan hệ hợp tác và mua bán mặt hàng năng lượng của Nga.
Không nên quên chỉ sau một cuộc họp của phái đoàn Mỹ, Ấn Độ đã lập tức giảm 40% lượng nhập khẩu dầu thô từ Nga và con số trên dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm trong những tháng tiếp theo.
Ấn Độ rõ ràng vẫn có lợi ích kinh tế rất lớn trong hợp tác với Mỹ và phương Tây, vì vậy họ cần cân nhắc thật kỹ lợi và hại khi tiến hành duy trình mỗi quan hệ làm ăn kinh tế với Nga.
Việt Dũng