Đồng Nai: Bắt giữ hàng chục tấn thải rắn đang vận chuyển đi đổ trái phép
Ngày 18/11 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện và tạm giữ 5 phương tiện đang vận chuyển hàng chục tấn chất thải rắn mang đi đổ trái quy định.
Cụ thể, khoảng trưa ngày 18/11, Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế - Ma túy Công an huyện Long Thành; Đội Phòng chống tội phạm về môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, môi trường đô thị - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Đồng Nai kiểm tra, phát hiện, bắt quả tang nhiều phương tiện xe ô tô đang vận chuyển, đổ chất thải rắn trái quy định.
Các phương tiện xe tải vận chuyển chất thải gồm: xe tải biển số 60C-398.93 do Nguyễn Bá Sỹ (sinh năm 1994, ngụ tổ 9, khu 15, Long Đức, Long Thành, tỉnh Đồng Nai) điều khiển; xe tải biển số 60C-636.70 do Lê Văn Duẫn (sinh năm 1999, ngụ tổ 9, khu 15, xã Long Đức, huyện Long Thành) điều khiển; xe ben biển số 60C-280.93 do Nguyễn Đức Hiệp (sinh năm 1983, ấp 2, xã Long An, huyện Long Thành) điều khiển; xe ben biển số 60C-545.41 do Kim Cao Nguyên (sinh năm 1994, ấp Suối Trầu 1, xã Bình Sơn, huyện Long Thành) điều khiển; xe ben biển số 60C-388.48 do Huỳnh Duy Thuận (sinh năm 1978, khu 15, ấp Long Đức, huyện Long Thành) điều khiển.
Qua làm việc, lực lượng chức năng xác định trên 5 phương tiện có khoảng 20 tấn chất thải rắn thông thường phát sinh từ công trình xây dựng của Công ty TNHH Wonderful Sun-S đến đổ tại thửa đất của ông Bùi Văn Xê, địa chỉ: ấp Thanh Bình, xã Lộc An, huyện Long Thành.
Tại hiện trường, tổ công tác tiến hành lập biên bản, làm thủ tục tạm giữ tang vật gồm 5 phương tiện trên; 1 xe cuốc hiệu Hyundai màu vàng; 10m3 chất thải rắn thông thường. Vụ việc tiếp tục được Công an huyện Long Thành xác minh, làm rõ theo quy định.
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn các tỉnh thành như Bình Dương, Trà Vinh, Bình Phước, Đak Nông, Đồng Nai ngành chức năng liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ vận chuyển, chôn lấp chất thải trái phép quy mô lớn.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, nhiều chuyên gia nhận định để xảy ra tình trạng này là do ý thức tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn kém, công tác thanh tra, kiểm tra của nhà nước chưa thực sự sát sao, nhận thức của người dân đối với vấn đề môi trường vẫn còn thờ ơ,….
Để có thể hạn chế hướng đến xóa bỏ những vì phạm này, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước phải thường xuyên thanh tra - kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động; Mạnh tay thu hồi giấy phép đối với các đơn vị không đủ năng lực, không có tiềm năng tài chính trong việc thực hiện đúng các biện pháp môi trường; Thậm chí là đưa ra mức phạt nặng để răn đe các trường hợp khác, buộc chịu chi phí khắc phục và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng,…