Đồng Nai: Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội

Ngày 9-7, Đoàn công tác số 3, Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến 2023.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nghiêm Ý.

Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát với UBND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nghiêm Ý.

Đoàn giám sát do ông Bùi văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, làm trưởng đoàn. Trong ngày làm việc, đoàn giám sát đã đến dự án Khu đô thị Aqua City tại xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa. Sau đó, đoàn làm việc với các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở xã hội; các sở, ban, ngành và 4 địa phương gồm: Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom.

Theo báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai, từ năm 2015 - 2023, Đồng Nai chấp thuận chủ trương đầu tư gần 140 dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Trong đó, chỉ riêng từ năm 2018 - 2020 chấp thuận chủ trương đầu tư 110 dự án, từ năm 2021 - 2023 chấp thuận 5 dự án. Dù có nhiều dự án được đầu tư nhưng đến nay tại tỉnh Đồng Nai mới có 10 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Về nhà ở xã hội, từ năm 2015 - 2020, tỉnh đưa vào sử dụng gần 3.500 căn nhà. Giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai đặt mục tiêu xây dựng 10.000 căn nhà, địa phương đã chuẩn bị hơn 1.000 ha đất phát triển nhà ở xã hội.

Một dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nghiêm Ý.

Một dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nghiêm Ý.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sự phát triển của thị trường bất động sản ở địa phương vẫn chưa thực sự bền vững. Cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm có giá cao, thiếu sản phẩm nhà ở xã hội và nhà ở giá thấp. Tại một số dự án, công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất còn chậm, nguồn lực tài chính của nhà đầu tư hạn chế. Hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản có một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư có nhiều thay đổi ảnh hưởng đến quá trình triển khai dự án.

Đoàn công tác số 3 trao đổi về một dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Văn Phong.

Đoàn công tác số 3 trao đổi về một dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Văn Phong.

Những năm gần đây, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do hệ thống pháp luật chưa thống nhất; chính sách ưu đãi nhà ở xã hội cho doanh nghiệp không ổn định; điều kiện thuế, nơi cư trú chưa thuận lợi với đối tượng hưởng thụ chính sách mua nhà. Một số dự án luật liên quan đến bất động sản, nhà ở xã hội mới được thông qua nhưng chưa có hiệu lực thi hành.

Tại buổi làm việc, một số thành viên Đoàn công tác đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đề nghị làm rõ nguyên nhân dẫn đến sai phạm tại một số dự án, đồng thời cho rằng, số lượng nhà ở mà Đồng Nai xây dựng trong gần 10 năm qua ít, tỉnh cần quan tâm tháo gỡ vướng mắc, kêu gọi đầu tư các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp.

Ông Bùi văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,T rưởng Đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Nghiêm Ý.

Ông Bùi văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội,T rưởng Đoàn công tác số 3 phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Nghiêm Ý.

Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Bùi văn Cường khẳng định, đây là chương trình giám sát tối cao của Quốc hội để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt vướng mắc về thể chế, các quy định liên quan về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ có báo cáo, đề xuất Quốc hội điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định cho phù hợp...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dong-nai-doan-giam-sat-cua-quoc-hoi-lam-viec-ve-thi-truong-bat-dong-san-nha-o-xa-hoi-671597.html