Đồng Nai đối mặt nguy cơ tiếp tục phát sinh bệnh dại
Tính từ tháng 12/2022 đến nay, tại Đồng Nai, bệnh dại đã lây lan trên địa bàn 3 huyện, thành phố.
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, sau khi một nhân viên của phòng khám thú y bị chó dại (ở xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) cắn, Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT) địa phương này đã điều tra dịch tễ và nhận định mầm bệnh dại lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rộng.
Tỉnh Đồng Nai đối mặt nguy cơ cao tiếp tục phát sinh dịch bệnh dại trong thời gian tới.
Cụ thể, quanh khu vực nhà ông C.M.P. (chủ nhà có chó dại) có 19 hộ nuôi chó với gần 60 con. Đa số được nuôi thả rông và chưa tiêm vaccine phòng dại.
Mầm bệnh dại đã lưu hành trong khu vực quanh hộ ông C.M.P. Trước đó, chó của ông P. có thể lây nhiễm do cào, cắn với những chó, mèo thả rông trong khu vực.
Tính từ tháng 12/2022 đến nay, tại Đồng Nai, bệnh dại đã lây lan trên địa bàn 3 huyện, thành phố. Trong đó, đánh giá dịch tễ ca bệnh dại trên người tại phường Tân Phong, TP Biên Hòa (đã tử vong tháng 12/2022) rất phức tạp. Điều đó cho thấy mầm bệnh đã lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rộng.
Trong khi đó, hiện công tác tiêm phòng dại còn chậm nên nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh dại chó, mèo trong thời gian tới rất cao.
Chi cục Chăn nuôi và thú y đề nghị các huyện, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo khỏe mạnh trên địa bàn. Ngành chức năng cũng khuyến khích tiêu hủy chó, mèo có dấu hiệu mắc bệnh dại; chó, mèo chưa được tiêm vaccine phòng dại nhưng đã tiếp xúc chó, mèo mắc bệnh dại (trường hợp không tiêu hủy thì phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát hiện dại, tiêu hủy theo quy định).
Trước đó, ngày 11/3, Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom cho biết trên địa bàn ghi nhận một nhân viên phòng khám thú y bị chó dại cắn. Trong lúc đang chăm sóc cho con chó Nhật khoảng 9 tháng tuổi, chị P.T.A.T. (21 tuổi, nhân viên phòng khám thú y) bị chó cắn vào ngón tay cái.
Sau khi chị T. bị cắn, con chó biểu hiện lên cơn co giật, tự cắn lưỡi, chảy máu miệng nên được T. nhốt lại và báo người nhà mang về. Tối cùng ngày, con chó này chết nên người nhà đã báo cơ quan chức năng.
Hiện chị T. được chích ngừa huyết thanh và vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai.
Một trường hợp khác, ngày 21/2, chị P.A., nhân viên một phòng khám thú y tại phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, cũng bị chó dại cắn.
Chị A. bị một con chó giống Poodle, 5 năm tuổi, cắn vào ngón tay trong khi chăm sóc và trị bệnh cho nó. Trước đó, con chó được chủ đưa đến phòng khám hôm 15/2 trong biểu hiện mệt lả, bỏ ăn.
Buổi tối sau khi cắn chị A., con chó có biểu hiện kích động, co giật, cứng hàm rồi chết. Sau khi con vật chết, phòng khám đã lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính với virus dại. Chị P.A. sau đó đã được tiêm vaccine ngừa dại và huyết thanh kháng dại.