Đồng Nai: Giảm 11 xã, phường sau khi quy hoạch giai đoạn 2023 - 2025

Nghị quyết số 1194/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp lại đơn vị hành chính đối với thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh, huyện Tân Phú và huyện Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Nai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký, ban hành Nghị quyết số 1194/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023 - 2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2024.

Cụ thể: Đối với thành phố Biên Hòa, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,56 km2, quy mô dân số 9.283 người của phường Hòa Bình và điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 0,13 km, quy mô dân số là 3.553 người của phường Tân Phong để nhập vào phường Quang Vinh. Như vậy, sau khi sắp xếp, phường Quang Vinh có diện tích tự nhiên là 1,79 km2 và quy mô dân số là 33.894 người. Phường Quang Vinh giáp các phường Bửu Long, Hóa An, Tân Phong, Trung Dũng.

Sau khi sắp xếp số đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Đồng Nai sẽ giảm từ 170 phường, xã xuống còn 159 phường, xã.

Sau khi sắp xếp số đơn vị hành chính cấp xã, phường của tỉnh Đồng Nai sẽ giảm từ 170 phường, xã xuống còn 159 phường, xã.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 0,37 km2, quy mô dân số là 6.234 người của phường Thanh Bình; toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,37 km2, quy dân số là 17.247 người của phường Quyết Thắng và điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 0,03 km2, quy mô dân số là 1.037 người của phường Tân Phong để nhập vào phường Trung Dũng. Như vậy, sau khi sắp xếp, phường Trung Dũng có diện tích tự nhiên là 2,58 km2 và quy mô dân số là 49.658 người. Phường Trung Dũng giáp các phường Bửu Hòa, Hiệp Hòa, Hóa An, Quang Vinh, Tân Mai, Tân Phong, Thống Nhất.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,31 km2, quy mô dân số là 16.236 người của phường Tân Tiến vào phường Tân Mai. Sau khi nhập, phường Tân Mai có diện tích tự nhiên là 2,67 km2 và quy mô dân số là 40.093 người. Phường Tân Mai giáp các phường Hiệp Hòa, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Tân Phong, Thống Nhất, Trảng Dài, Trung Dũng.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,21 km2, quy mô dân số là 19.160 người của phường Tam Hòa vào phường Bình Đa. Sau khi nhập, phường Bình Đa có diện tích tự nhiên là 2,48 km2 và quy mô dân số là 38.344 người. Phường Bình Đa giáp các phường An Bình, Long Bình, Tam Hiệp, Tân Hiệp.

Sau khi điều chỉnh theo quy định, phường Tân Phong có diện tích tự nhiên là 16,69 km2 và quy mô dân số là 53.498 người. Phường Tân Phong giáp các phường Bửu Long, Quang Vinh, Tân Mai, Trảng Dài và huyện Vĩnh Cửu. Sau khi sắp xếp, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có 25 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 24 phường và 1 xã.

Đối với thành phố Long Khánh: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 1 km2, quy mô dân số là 12.969 người của phường Xuân Trung và toàn bộ diện tích tự nhiên là 1,39 km2, quy mô dân số là 11.575 người của phường Xuân Thanh vào phường Xuân An. Sau khi nhập, phường Xuân An có diện tích tự nhiên là 3,81 km2 và quy mô dân số là 41.163 người. Phường Xuân An giáp các phường Bảo Vinh, Xuân Bình, Xuân Hòa và xã Bàu Trâm. Sau khi sắp xếp, thành phố Long Khánh có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 phường và 4 xã.

Đối với huyện Tân Phú: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 15,48 km2, quy mô dân số là 9.610 người của xã Phú Trung vào xã Phú Sơn. Sau khi nhập, xã Phú Sơn có diện tích tự nhiên là 29,83 km2 và quy mô dân số là 21.282 người. Xã Phú Sơn giáp các xã Phú An, Phú Bình và Thanh Sơn, tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Bình Thuận.

Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên là 15,26 km2, quy mô dân số là 3.686 người của xã Núi Tượng để nhập vào xã Phú Lập. Sau khi điều chỉnh, xã Phú Lập có diện tích tự nhiên là 29,55 km2 và quy mô dân số là 12.055 người. Xã Phú Lập giáp các xã Nam Cát Tiên, Phú An, Phú Thịnh, Phú Xuân và Tà Lài.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 8,18 km2, quy mô dân số là 3.235 người của xã Núi Tượng sau khi điều chỉnh theo quy định như trên vào xã Nam Cát Tiên. Sau khi nhập, xã Nam Cát Tiên có diện tích tự nhiên là 30,58 km2 và quy mô dân số là 10.331 người. Xã Nam Cát Tiên giáp các xã Đak Lua, Phú An, Phú Lập và tỉnh Lâm Đồng. Sau khi sắp xếp, huyện Tân Phú có 16 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 15 xã và 1 thị trấn.

Đối với huyện Vĩnh Cửu: Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 209,50 km2, quy mô dân số là 5.358 người của xã Hiếu Liêm vào xã Trị An. Sau khi nhập, xã Trị An có diện tích tự nhiên là 227,98 km2 và quy mô dân số là 10.422 người. Xã Trị An giáp các xã Mã Đà, Tân An, Vĩnh Tân, thị trấn Vĩnh An, tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,72 km2, quy mô dân số là 6.902 người của xã Bình Hòa vào xã Tân Bình. Sau khi nhập, xã Tân Bình có diện tích tự nhiên là 17,80 km2 và quy mô dân số là 21.483 người. Xã Tân Bình giáp xã Bình Lợi, xã Thạnh Phú; thành phố Biên Hòa và tỉnh Bình Dương. Sau khi sắp xếp, huyện Vĩnh Cửu có 10 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn.

Một góc của tỉnh Đồng Nai.

Một góc của tỉnh Đồng Nai.

Như vậy theo Nghị quyết số 1194/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tỉnh Đồng Nai có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện và 2 thành phố. Số đơn vị hành chính cấp xã từ 170 giảm xuống còn 159, gồm 117 xã, 33 phường và 9 thị trấn, tức giảm 11 đơn vị hành chính cấp xã so với trước quy hoạch.

Theo Quyết định 586/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Về kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, tỉnh Đồng Nai sẽ có 3 vùng động lực gồm: Vùng động lực đô thị - dịch vụ - công nghiệp phía Tây (hạt nhân là chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai: Biên Hòa - Long. Thành - Nhơn Trạch); Vùng động lực phát triển công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ phía Đông (hạt nhân là thành phố Long Khánh); Vùng động lực phát triển nông nghiệp - du lịch - sinh thái phía Bắc (hạt nhân là cặp đô thị Định Quán - Tân Phú). Có 3 vành đai gồm Vành đai 4, vành đai Quốc lộ 56 - Đường tỉnh 762;, vành đai liên kết Đồng Nai với Bà Rịa - Vũng Tàu; có 6 hành lang gồm: Hành lang sông Đồng Nai, hành lang cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và quốc lộ 51, hành lang cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Phan Thiết, hành lang quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam, hành lang quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, hành lang cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai sẽ có 6 trụ cột phát triển gồm: Phát triển ngành công nghiệp hướng đến trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của cả nước; phát triển du lịch đô thị dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp hiệu quả cao và bền vững; xây dựng sân bay Long Thành là trọng tâm để phát triển thành phố sân bay xứng tầm khu vực; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, góp phần hoàn thành mục tiêu net zero năm 2050; phát triển nhân lực chất lượng cao, các ngành mới nổi.

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-nai-giam-11-xa-phuong-sau-khi-quy-hoach-giai-doan-2023-2025-178900.html