Đồng Nai: Khuất tất vụ dịch chuyển di sản thừa kế khiến người sử dụng đất hàng chục năm trắng tay
Sau hàng chục năm quản lý, sử dụng liên tục phần đất có nguồn gốc ông cha để lại, chị Diền trở nên trắng tay với nguyên do diện tích đất là di sản thừa kế mà chị được hưởng bị dịch chuyển với nhiều điểm bất thường.
Nguồn gốc đất là tài sản chung
Theo hồ sơ chị Nguyễn Thị Diền (sinh năm 1964, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) cung cấp, các cụ cố nội bà là cụ Nguyễn Văn Liều và cụ Huỳnh Thị Thìn có 4 người con là ông Nguyễn Văn Đâu, bà Nguyễn Thị Xàng, Bà Nguyễn Thị Hiếu, ông Nguyễn Văn Phi. Khoảng năm 1950, vợ chồng cụ Liều, Thìn cho ông Nguyễn Văn Đâu phần đất 46.293m2 thuộc thôn Vũng Gấm, xã An Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai để canh tác, ông Nguyễn Văn Phi được cho phần đất ra ở riêng, bà Nguyễn Thị Xàng, bà Nguyễn Thị Hiếu sống chung trong nhà với cha mẹ và ông Đâu.
Ông Nguyễn Văn Đâu sinh ra ông Nguyễn Văn Dô, ông Đâu tham gia cách mạng hy sinh. Ông Dô tiếp quản phần đất canh tác cùng với bà Xàng. Ông Dô lấy vợ sinh ra bà Nguyễn Thị Diền. Ông Dô cũng bị máy bay địch bắn chết trong một trận càn vào năm 1966, vợ ông Dô đi lấy chồng khác, từ nhỏ chị Diền sống với bà Xàng, bà Hiếu chung hộ khẩu trên phần đất 46.293m2 do ông cha để lại cho tới lớn. Chị Diền được bà Xàng, bà Hiếu giao lại 14.738m2 để canh tác. Đến năm 1980, chị Diền cất 1 căn nhà trên đất và canh tác nông nghiêp trên số đất còn lại liên tục, ổn định.
Tại Báo cáo số 36/BC.TT ngày 28/4/2010 của Thanh tra huyện Nhơn Trạch thể hiện rõ nội dung trên: “Nguồn gốc đất (46.293m2) là của cha mẹ bà Nguyễn Thị Xàng khai phá cho ông Nguyễn Văn Đâu và bà Nguyễn Thị Xàng canh tác, thời điểm khoảng năm 1950. Ông Đâu tham gia cách mạng hy sinh, bà Xàng và ông Nguyễn Văn Dô (cha chị Diền) tiếp tục canh tác. Ông Dô chết, bà Xàng, bà Hiếu tiếp tục canh tác…”.
Theo chị Diền, nghĩ rằng bà Xàng, bà Hiếu là bà nội cô ruột, lại là người nuôi dạy khôn lớn nên coi như cha mẹ ông bà mình, nên năm 1998 bà Xàng đi đăng ký quyền sử dụng đất cho 46.293m2 cho cả gia đình, cho rằng mình cũng là thành viên trong gia đình nên quyền lợi cũng được bảo đảm nên chị không dám thắc mắc. Ngày 09/4/1999, UBND huyện Nhơn Trạch cấp GCNQSDĐ số L 578653 cho bà Nguyễn Thị Xàng đứng tên hộ sử dụng.
Ngày 24/3/2003 bà Xàng mất, ngày0 7/4/2003, bà Hiếu làm thủ tục nhận thừa kế toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận cho bà Xàng. Theo Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất do bà Nguyễn Thị Hiếu lập để đăng ký 46.293m2 đất, phần nguồn gốc sử dụng đất cũng được UBND huyện Nhơn Trạch ghi nhận: “Nguồn gốc đất do ông bà để lại cho bà Nguyễn Thị Xàng trước 1975. Bà Xàng sử dụng đến năm 2003 (chết) để lại cho em ruột là Nguyễn Thị Hiếu sử dụng…”.
Như vậy, theo hồ sơ vụ việc cùng thông tin xác nhận của cơ quan chức năng khẳng định, nguồn gốc diện tích đất 46.293m2 đất do ông cha để lại. Bà Xàng, bà Hiếu là người kế thừa, quản lý sử dụng qua các thời kỳ, trong đó có vai trò của chị Diền cùng quản lý, trông coi.
Có dấu hiệu chiếm đoạt di sản thừa kế
Ngày 02/7/2003, UBND huyện Nhơn Trạch ban hành Quyết định số 1723/QĐ.CT.UBH thu hồi GCN QSDĐ của bà Xàng cấp lại cho bà Hiếu. Quá trình sử dụng, bà Hiếu có chuyển nhượng một số diện tích trong giấy chứng nhận chỉ còn 26.981m2.
Năm 2010, bà Hiếu có tờ di chúc để lại toàn bộ đất cho vợ chồng ông Lê Văn Sơn và Phan Thị Hải. Nội dung di chúc thể hiện, chỉ cho ông Sơn, bà Hải quyền quản lý sử dụng đất, còn quyền định đoạt phải hỏi ý kiến chị Diện. Năm 2014 bà Hiếu chết. Ông Sơn, bà Hải làm thủ tục nhận thừa kế và được cấp giấy chứng nhận đứng tên trên toàn bộ diện tích 26.981m2. Năm 2016, ông Sơn, bà Hải khởi kiện chị Diền ra tòa đòi lại toàn bộ diện tích đất mà bà đang quản lý, sử dụng.
Theo chị Diền, có dấu hiệu khuất tất trong việc dịch chuyển di sản thừa kế là toàn bộ đất đai từ bà Xàng qua bà Hiếu và từ bà Hiếu qua ông Sơn, bà Hải. Cụ thể, năm 2003, khi bà Xàng mất, chị Nguyễn Thị Diện với tư cách là người con duy nhất của bà Xàng, có đơn xin để lại hết di sản của bà Xàng cho bà Hiếu.
Tuy nhiên bà Diện đã định cư ở nước ngoài từ trước năm 1990, thời điểm bà Xàng chết năm 2003, Luật Đất đai 1993 chưa có quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đứng tên trên đất nông nghiệp tại Việt Nam, Luật Dân sự 1995 cũng không có quy định cho Việt Nam định cư ở nước ngoài thừa kế đất nông nghiệp tại Việt Nam. Do đó, bà Diện thực tế không hề có quyền thừa kế để chuyển đất đai lại cho bà Hiếu. Do đó hành vi pháp lý của bà Diện là không đúng pháp luật.
Hơn nữa, trong hồ sơ nhận thừa kế thì bà Hiếu kê khai và cơ quan nhà nước xác nhận bà Xàng chỉ có 1 người em là bà Hiếu. Chị Diền cho rằng, thời điểm khai nhận thừa kế, có thể bà Hiếu bị tác động, xúi dục nên cố ý khai sót hàng thừa kế là ông Đâu, ông Phi (là anh em ruột của bà Xàng, bà Hiếu), ngoài ra cũng không kê khai trên đất thực tế chị Diền đang trực tiếp quản lý sử dụng gần 15.000 m2, hòng để bà Hiếu đứng tên toàn bộ diện tích đất trên. Hành vi này của bà Hiếu đã tạo ra hậu quả pháp lý nghiêm trọng, tước bỏ toàn bộ quyền lợi hợp pháp liên quan đến di sản 46.293m2 do ông cố để lại. Trong đó chị Diền là người thừa kế duy nhất của ông Đâu và ông Dô đã bị mất toàn bộ quyền thừa hưởng phần di sản do ông và cha ruột mình để lại, đồng thời bà cũng bị mất quyền thừa kế thế vị của ông Đâu, có quyền thừa hưởng 1/3 di sản mà bà Xàng để lại.
Năm 2016, ông Sơn, bà Hải (người hưởng thừa kế theo di chúc của bà Hiếu) khởi kiện chị Diền trả lại diện tích đất đang quản lý, sử dụng. chị Diền có đơn phản tố yêu cầu tòa công nhận phần quyền sử dụng đất hợp pháp cho mình. Ngày 27/12/2019, TAND tỉnh Đồng Nai ban hành bản án số 22/2029/DS-ST công nhận cho chị Diền được quyền quản lý, sử dụng 1.127m2 đất phần đất có nhà. Nhưng Tòa tuyên buộc chị Diền thanh toán cho ông Sơn, bà Hải giá trị đất tương đương giá thị trường hơn 5,1 tỷ đồng. Như vậy ông Sơn bà Hải được thừa hưởng toàn bộ diện tích đất còn lại.
Căn cứ vào hồ sơ cho thấy, dù ở với bà Xàng, bà Hiếu nhưng chị Diền vẫn quản lý sử dụng đất liên tục từ trước năm 1980 tới ngày tranh chấp năm 2016 (hơn 30 năm). Hơn nữa, diện tích 26.981m2 do ông Sơn, bà Hải đứng tên GCN QSDĐ là tài sản chung của cha ông để lại. Do đó, chị Diền đương nhiên được hưởng di sản thừa kế phần đất trên theo quy định pháp luật, đồng thời đủ điều kiện để được công nhận quyền sử dụng đất vì đã sử dụng ổn định liên tục từ trước năm 1980 đến nay.
Việc phủ nhận hoàn toàn quyền quản lý, sử dụng đất của chị Diền, tước bỏ quyền hưởng di sản của chị Diền không những cố tình phủ nhận thực tế khách quan, mà còn vi phạm quy định về quyền thừa kế của công dân đã có trong luật định. Việc cấp sổ cho hộ bà Xàng, rồi cấp sổ cho cá nhân bà Hiếu, thừa kế sang tên cho ông Sơn, bà Hải đều không ngay tình, một phần đất cấp không đúng đối tượng, không đúng trình tự, thủ tục (không làn thủ tục mở thừa kế khi cấp cho bà Xàng và cấp cho bà Hiếu... ), không thẩm tra, xác minh thực tế sử dụng đất của bà Diền.
Được biết, chị Diền đã có đơn kháng cáo gửi lên TAND cấp cao tại TP.HCM.