Đồng Nai: Lãnh đạo tỉnh đối thoại với người dân về dự án cao tốc
Ngày 26/10, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có buổi đối thoại với hơn 200 người dân đại diện cho hơn 3.000 hộ nhường đất xây dựng đường cao tốc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, hiện nay Đồng Nai đang đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông kết nối để giao thông, giao thương thuận lợi hơn.
Thực tế hiện nay Quốc lộ 51 đã quá tải nên hoạt động vận tải, du lịch… bị ảnh hưởng. Thời gian tới, khi sân bay Long Thành cất cánh, lượng người về địa phương sẽ tăng mạnh, nếu chỉ có Quốc lộ 51 sẽ khó gánh nổi lượng xe lưu thông quá lớn. Do đó, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được triển khai với sứ mệnh san sẻ gánh nặng cho Quốc lộ 51, giúp kết nối về các sân bay Long Thành, huyện Nhơn Trạch, cảng Cái Mép - Thị Vải…
"Để triển khai dự án, mặt bằng là vấn đề cấp thiết, quan trọng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, nên lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn bà con nhân dân đồng thuận với chủ trương, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Chúng tôi mong muốn thông qua buổi đối thoại sẽ nắm bắt được những phản ánh thực tế về khó khăn, vướng mắc; thực trạng về chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ thu hồi, kiểm đếm đất, đơn giá đất, áp khung giá đất… của người dân. Mục đích để kịp thời xử lý, hiểu được mong muốn, đáp ứng những nguyện vọng chính đáng, phù hợp với quy định, của người dân”, ông Lĩnh nói.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Võ Tấn Đức, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chia sẻ, hiện nay khó khăn nhất đối với dự án thành phần 1 và dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là thiếu mặt bằng. Do đó, dù các nhà thầu đã chuẩn bị nhân lực, máy móc sẵn sàng triển khai dự án nhưng không có đất để thi công các hạng mục, công việc. Nhân lực nếu thứ hai đến thứ sáu làm chưa hết việc phải tăng ca làm thêm thứ bảy và chủ nhật để sớm hoàn thành hồ sơ, công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Ban Quản lý dự án Bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai là cơ quan được UBND tỉnh Đồng Nai giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng hai dự án thành phần đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo dự án đầu tư được duyệt, diện tích thu hồi hai dự án là 289,22ha với khoảng 3.463 hộ bị ảnh hưởng. Tính đến ngày 14/10/2023, dự án thành phần 1 đã kiểm đếm được 80,32 ha/137,6 ha (đạt 58,37%) diện tích thu hồi. Dự án thành phần 2 đã kiểm đếm được 79,62 ha/151,58 ha (đạt 52,53%) diện tích thu hồi.
Hai dự án thành phần đi qua địa bàn 08 xã, 01 thị trấn Long Thành và 02 phường. Đến nay, đã tiến hành kiểm đếm 10/11 đơn vị cấp xã (riêng thị trấn Long Thành mới kiểm đếm đối với đất công). Do khối lượng công việc, số hộ rất lớn nhưng nhân lực thực hiện công tác kiểm đếm của cấp xã, huyện và của Ban còn hạn chế nên tiến độ còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác kiểm đếm, UBND tỉnh đã có chỉ đạo tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và Tp.Biên Hòa (khoảng 40 người) để đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Trước lãnh đạo tỉnh, người dân chia sẻ đồng thuận với dự án cao tốc và mong dự án sớm triển khai, về đích đúng hẹn giúp người dân lưu thông thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều người đều mong muốn được giải đáp, tháo gỡ những thắc mắc về tái định cư, giá đất bồi thường, vị trí tái định cư… Nhiều người dân mong muốn được bố trí tái định cư tại chỗ vì đã sinh sống lâu, quen với đường đi lối lại, còn mồ mả ông bà tổ tiên nên muốn ở gần để tiện chăm sóc…
Trước kiến nghị của người dân, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết khi đền bù, địa phương sẽ căn cứ theo luật đất đai các nghị quyết, nghị định để áp giá đất phù hợp với quy định. Hiện tại giá đất cụ thể vẫn đang được các đơn vị tư vấn điều tra, xác định và trình cho Hội đồng thẩm định huyện Long Thành và Tp.Biên Hòa xem xét, thẩm định trước khi phê duyệt. Quá trình thẩm định giá đất, Hội đồng thẩm định sẽ so sánh, đối chiếu với các dự án có điều kiện tương đồng để đảm bảo giá đất được duyệt phù hợp. Sau khi giá đất được phê duyệt sẽ niêm yết công khai để bồi thường.
Về bố trí tái định cư, Đồng Nai triển khai bốn khu tái định cư trong đó hai khu tái định cư tại Biên Hòa, hai khu tái định cư tại huyện Long Thành. Nhưng hiện tại do việc đầu tư xây dụng các khu tái định cư còn nhiều vướng mắc (chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng) nên việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của các Khu tái định cư bị chậm.
“UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bố trí các hộ dân bị giải tỏa của dự án vào Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (đã cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và một số công trình hạ tầng xã hội). Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ chỉ đạo Biên Hòa và Long Thành bố trí cho các hộ vào khu tái định cư và công bố thời gian”, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.
Trường hợp các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở mà đủ điều kiện được bồi thường theo quy định tại điều 75 Luật Đất đai năm 2013 khi Nhà nước thu hồi đất sẽ được bồi thường theo quy định tại khoản 1, khoản 2 điều 79 Luật đất đai năm 2013.
Đối với trường hợp người sử dụng đất nông nghiệp nhưng đã xây dựng nhà ở trên đất trước ngày 1/7/2014 hoặc xây dựng nhà ở sau ngày 1/7/2014 nhưng trước thời điểm thông báo thu hồi đất thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai.Về trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, hộ gia đình có nhiều thế hệ, các trường hợp mua bán bằng giấy tay nhưng đã xây dựng nhà ở ổn định thì lãnh đạo tỉnh cho biết theo pháp luật đất đai hiện hành không có quy định về việc bố trí tái định cư đối với các trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp có diện tích lớn.
Đối với các trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp; hộ gia đình có nhiều thế hệ; các trường hợp mua bán bằng giấy tay nhưng đã xây dựng nhà và hiện đang sử dụng ổn định thì việc bố trí tái định cư, bố trí chỗ ở đối với các trường hợp nêu trên đã được quy định tại khoản 8, khoản 9 điều 4 và điều 5 Quyết định số 32/2023/QĐ-UBND ngày 14/8/2023 của UBND tỉnh Đồng Nai. Diện tích đất của lô tái định cư khi được bố trí sẽ do UBND huyện Long Thành, UBND thành phố Biên Hòa quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Về chính sách hỗ trợ kinh doanh đối với các trường hợp thửa đất nằm ở mặt tiền lãnh đạo tỉnh cho biết pháp luật đất đai hiện hành không có quy định việc hỗ trợ kinh doanh đối với thửa đất nằm vị trí trên. Việc xác định vị trí là để bồi thường về đất theo quy định tại quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để bồi thường của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ Đồng Nai mong muốn ra một chính sách phù hợp nhất, đảm bảo được quyền lợi của người dân. Do đó các cơ quan cần nhanh chóng kiểm đếm, xác định giá đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ trình phê duyệt.
Bổ sung, tăng cường nhân lực cho huyện Long Thành và thành phố Biên Hòa phục vụ công tác kiểm đếm. Về công tác tái định cư, hiện nay các khu tái định cư chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng. Phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư.
Trước mắt phải quan tâm đến chính sách tạm cư cho các hộ dân trong khi chờ bố trí tái định cư. Liên hệ với các cơ quan Trung ương về kiến nghị bố trí các hộ dân bị giải tỏa của dự án vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn. Khi được Thủ tướng chấp thuận chủ trương phải nhanh chóng bố trí các hộ dân vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Các địa phương cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu tái định cư đã được phê duyệt, xây dựng các công trình công cộng, trường học, công viên cây xanh, điện, nước, đường giao thông kết nối, hệ thống thoát nước, mạng thông tin di động… phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân.
"Người dân kiến nghị, khiếu nại ra sao cần hướng dẫn, giải thích, tháo gỡ ngay để người dân hiểu. Kiểm soát ngăn ngừa các vi phạm, tránh trục lợi, sai sót, tiêu cực trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuyên truyền vận động bà con sớm bàn giao mặt bằng để thi công cao tốc. Vì cả hai địa phương phải làm song song mới thi công thông toàn tuyến được, nếu Đồng Nai chậm, Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh vẫn không thể về đích toàn tuyến", Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh nói.