Đồng Nai nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học
Theo Bộ TN-MT, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng sinh học. Một đặc điểm nổi bật trong nguồn tài nguyên về đa dạng sinh học ở Việt Nam là tính đặc hữu về loài (khoảng hơn 460 loài động vật đặc hữu, 25 giống thực vật có mạch đặc hữu) và nguồn gen quý hiếm.
Đây là niềm tự hào, đồng thời là thách thức không nhỏ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
* Đa dạng sinh học và những nguy cơ…
Tại Đồng Nai có 9 khu vực mang tính đa dạng sinh học cao. Trong đó, đáng kể là Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, sông Đồng Nai, hồ Trị An. Cùng với tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động, thực vật của Đồng Nai cũng như cả nước đang phải đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Theo số liệu công bố của VQG Cát Tiên, nơi đây hiện có hơn 1.500 loài động vật, với hơn 220 họ, thuộc 55 bộ. Trong đó, cho đến nay, các nghiên cứu đã ghi nhận được ở Cát Tiên có 113 loài. Có đến gần 1/3 trong số này (43 loài) đang bị đe dọa tuyệt chủng trong nước và trên toàn cầu (38/43 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007)… Danh mục thực vật tại VQG Cát Tiên hiện nay đã xác định được 1.610 loài thực vật với nhiều loài cây quý hiếm có tên trong Sách đỏ như: gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai Bà Rịa, cẩm lai, giáng hương...
Còn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cũng có hơn 1.400 loài thực vật, hơn 1.700 loài động vật. Trong đó, có 2 loài thực vật hiếm là cây vấp thuộc họ bứa, thông tre thuộc họ kim giao; có nhiều loài động vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như: voi, báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen, gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám…
Những năm qua, dù công tác bảo tồn thiên nhiên được thực hiện tốt nhưng tình trạng săn bắt thú rừng trái phép vẫn liên tục diễn ra. Đây là một mối nguy hại cho đa dạng sinh học, nhất là nguy cơ tuyệt chủng những loài thú quý hiếm.
Bên cạnh đó, sự tác động của biến đổi khí hậu; tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng, môi trường sống bị thu hẹp… cũng là những mối nguy đối với môi trường sống của nhiều loài động, thực vật, đe dọa đa dạng sinh học của Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.
* Lan tỏa tình yêu thiên nhiên đến mọi người
Ngoài làm công tác cứu hộ gấu, các chuyên gia, nhân viên làm việc tại Trung tâm Bảo tồn và phát triển sinh vật VQG Cát Tiên còn làm công tác giáo dục nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã. Thông thường, họ cũng chính là các hướng dẫn viên, tuyên truyền viên về bảo vệ động vật hoang dã đến với du khách. Đối tượng chủ yếu là các khách tham quan theo đoàn, đặc biệt là học sinh.
Chị Lương Thanh Nga, nhân viên của Tổ chức Free the Bears cho biết, khách tham quan có thể liên hệ tour tham quan cứu hộ gấu thông qua các công ty du lịch, qua đặt lịch với trung tâm du lịch của VQG.
Hành động đứng lắc lư không ngừng của 1 con gấu có thể rất kỳ lạ với mọi người. Nhưng sau tour tham quan này, họ sẽ hiểu được rằng đó là 1 con gấu bị stress nặng do quá trình nuôi nhốt lâu ngày để lấy mật. Có những con gấu thậm chí bị stress nặng đến mức chuyển qua giai đoạn “tâm thần”. Ở đây, mỗi con gấu đều được đặt tên, người ta gọi chúng là “bạn”, cư xử dịu dàng, vỗ về, an ủi để chúng có thể quên đi những ám ảnh của quãng thời gian bị nuôi nhốt.
Cũng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, giữ gìn sinh cảnh tự nhiên cho các loài động, thực vật, từ hơn 6 năm trước, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã thành lập CLB Xanh. Có 12 CLB xanh trong người dân địa phương với 345 thành viên tham gia. Các CLB này được đặt tên theo các loài động, thực vật như: cu li nhỏ, nai vàng, voi con tinh nghịch, bằng lăng tím… Đến năm 2016, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã thành lập và duy trì hoạt động được 40 CLB xanh tại các trường học thuộc vùng đệm của đơn vị với 1,6 ngàn thành viên.
Các hoạt động thường xuyên của CLB gồm: ra quân dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, trụ sở làm việc, trường học, khu dân cư, chợ, bến cá; tổ chức các đợt mít-tinh tuyên truyền về tác hại của túi ny-lông, kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi ny-lông nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học...
Không dừng lại ở đó, các thành viên trong CLB còn giúp đỡ nhau làm kinh tế. Nhờ đó, một số trường hợp từng sống bằng nghề săn bắn, bẫy thú đã bỏ “nghề” và trở thành những thành viên tích cực của CLB.
Các CLB xanh trong trường học thường tổ chức hoạt động tìm hiểu về các loài động vật hoang dã; tổ chức những chuyến đi thực tế để giúp các em bổ sung kiến thức về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa - lịch sử. Đây là những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm giúp học sinh có được những hành động cụ thể để bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học…
Ông Nguyễn Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai nhận xét: “Hoạt động của các CLB xanh trong thời gian qua đã góp phần tích cực cùng với lực lượng kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng, môi trường sống của các loài động vật hoang dã”.