Đồng Nai: Nông dân loay hoay vì hồ tiêu rớt giá thê thảm
Hồ tiêu, từng được mệnh danh là 'vàng đen,' giờ thành gánh nặng khiến nông dân thất vọng, chán chường, không ít người chặt bỏ vườn tiêu, đặt hy vọng vào những loại cây trồng khác.
Cây hồ tiêu từng được mệnh danh là "vàng đen," giúp nhiều nông dân ở Đồng Nai trở thành tỷ phú. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá hồ tiêu liên tục lập những "kỷ lục buồn," người trồng cây này rơi vào tình trạng bết bát, lao đao.
"Vàng đen" giờ thành gánh nặng, nông dân thất vọng, chán chường, không ít người chặt bỏ vườn tiêu, đặt hy vọng vào những loại cây trồng khác.
Trong khi đó, nhiều người "nặng lòng" với cây tiêu vẫn quyết tâm giữ vườn với hy vọng tương lai, giá cả sẽ tươi sáng hơn.
Xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc được coi là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Đồng Nai cũng như khu vực phía Nam với hơn 800ha trồng tiêu.
Vào cao điểm của mùa khô, trong nắng rát, những vườn tiêu thiếu nước lâu ngày, không được chăm bón của nông dân xã Xuân Thọ đều trong tình trạng úa vàng, trụi lá, la liệt dây leo bị chết khô.
Gia đình ông Hồ Văn Năm (xã Xuân Thọ) có hơn 1ha hồ tiêu. Vào thời hoàng kim, vườn tiêu đã mang về cho ông Năm tiền tỷ mỗi năm, giúp ông thành tỷ phú. Nhưng nay, với ông Năm, cây tiêu là gánh nặng, ông phải chặt bỏ một nửa diện tích để chuyển sang trồng mãng cầu.
Ông Năm tính toán thời gian tới, nếu giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp, ông sẽ chặt nốt phần diện tích còn lại.
Theo ông Năm, từ năm 2016 đến nay, hồ tiêu liên tục rớt giá, hiện chỉ còn 36.000 đồng/kg, với giá này, tiền bán hồ tiêu không đủ trả tiền thuê người thu hoạch.
Khoảng 4 năm qua, hồ tiêu liên tiếp lập những "kỷ lục buồn" về giá. Năm 2015, hồ tiêu đạt đỉnh với giá hơn 250.000 đồng/kg, những năm sau, giá giảm dần và từ đầu năm 2020 đến nay, hồ tiêu luôn ở dưới 40.000 đồng/kg.
Tiêu rớt giá thê thảm, nhưng ông Lê Đình Trọng (xã Xuân Thọ), một nông dân có hơn 40 năm gắn bó với hồ tiêu vẫn quyết tâm giữ vườn.
Theo ông Trọng, do giá thấp, ông không chăm sóc, nên vụ tiêu năm nay chỉ đạt 3 tấn/ha (trước đây đạt 5 tấn/ha). Hiện tiền công thuê hái tiêu là 230.000 đồng/người/ngày, trong khi giá hồ tiêu thấp, nếu bán sẽ lỗ nên ông quyết định tích trữ, chờ giá lên xuất bán.
Ông Trọng cho biết người trồng tiêu lỗ triền miên trong nhiều năm liền, vùng này nhiều diện tích hồ tiêu đã bị chặt bỏ. Ông Trọng có 1,5ha hồ tiêu, tuổi đời trên dưới 10 năm, dù giá có xuống nữa thì ông vẫn kiên quyết giữ lại vườn, cùng với đó là giảm chi phí chăm sóc để bớt lỗ. Giờ chặt tiêu, trồng loại cây mới thì dễ, nhưng giá cả các mặt hàng nông nghiệp thay đổi liên tục, tương lai không ai biết như thế nào.
Theo ông Phạm Đình Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, năm 2018, toàn xã Xuân Thọ có hơn 800ha hồ tiêu, trong cơn “bão giá," nhiều nông dân chặt bỏ cây tiêu, đến nay, cả xã chỉ còn 600ha, giảm 200ha so với 2 năm trước.
Do điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác, đa số nông dân ở Xuân Thọ vẫn giữ lại hồ tiêu, song một vài năm nữa, nếu giá vẫn không tăng, nhiều khả năng phần lớn diện tích của Xuân Thọ sẽ bị phá bỏ.
Theo ông Huỳnh Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, giá hồ tiêu giảm trong những năm qua là do cung vượt cầu. Quy hoạch hồ tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là 50.000ha, nhưng nay đã là 150.000ha.
Tại Đồng Nai, khi tiêu có giá cao, nông dân ồ ạt trồng, năm 2018 đạt 19.000ha. Do giá giảm, 2 năm qua, nông dân trong tỉnh đã chặt bỏ 2.000ha tiêu. Trước đây, hồ tiêu Đồng Nai có năng suất bình quân cao nhất cả nước (hơn 2,2 tấn/ha), nay giá giảm sâu, nông dân không đầu tư chăm sóc nên năng suất giảm khoảng 40% so với trước.
Ông Huỳnh Thành Vinh cho rằng trong giai đoạn hồ tiêu có giá cao, ngành chức năng Đồng Nai đã khuyến cáo người dân không ồ ạt tăng diện tích, nhưng nông dân chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, chạy theo phong trào.
Để đảm bảo cuộc sống của nông dân, ngành nông nghiệp khuyến khích các hộ chuyển đổi diện tích hồ tiêu già cỗi, trồng trên những loại đất không phù hợp sang trồng các loại cây khác.
Đối với hồ tiêu mới trồng, đang thu hoạch tốt, nông dân không nên áp dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu trồng xen những cây khác tại vườn tiêu.
Ngành nông nghiệp Đồng Nai sẽ hỗ trợ nông dân sản xuất tiêu sạch, đạt chuẩn an toàn, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu./.