Đồng Nai phân nhỏ 'vùng đỏ,' Đồng Tháp hạn chế lây nhiễm chéo

Nhằm phòng chống và dập dịch COVID-19, Đồng Nai và Đồng Tháp đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như phân nhỏ vùng đỏ, chống lây nhiễm chéo trong các khu tập trung.

Trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Trao hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch ở phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Nhằm phòng chống và dập dịch COVID-19, Đồng Nai và Đồng Tháp đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau như phân nhỏ vùng đỏ, chống lây nhiễm chéo trong các khu tập trung.

Đồng Nai phân nhỏ “vùng đỏ,” ưu tiên nguồn lực để dập dịch COVID-19

“Trên địa bàn Đồng Nai có 40 xã, phường đang là “vùng đỏ” về dịch COVID-19, các địa phương phải phân nhỏ “vùng đỏ” theo ấp, khu phố, khu dân cư, thậm chí là hẻm để đề ra phương án xử lý dứt điểm.”

Đó là nhấn mạnh của ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai, ngày 7/9.

Theo ông Cao Tiến Dũng, Đồng Nai xác định phòng, chống dịch COVID-19 ở mọi nơi, tuy nhiên, chiến lược của tỉnh là ưu tiên nguồn lực dập dịch ở “vùng đỏ.”

Tại đây, lực lượng chức năng sẽ phải phân nhỏ thành từng khu vực và dốc toàn bộ lực lượng, làm việc cả ban đêm để sớm bóc tách các F0 ra khỏi cộng đồng.

Trường hợp ấp, khu dân cư “vùng đỏ” mà F0 nhiều hơn F1 thì Đồng Nai sẽ xem xét hình thành bệnh viện dã chiến tại chỗ, cử bác sĩ đến trực tiếp điều trị cho người nhiễm; đồng thời đưa F1 và những người khỏe mạnh đi cách ly, đến sống ở nơi an toàn.

Ông Cao Tiến Dũng cho biết, hiện Đồng Nai đang có thuốc điều trị cho người mắc COVID-19, người bệnh hồi phục sức khỏe tốt sau khi dùng thuốc từ 5-7 ngày, điều này đã được ngành y tế kiểm chứng. Đây là tín hiệu đáng mừng, người dân nếu mắc COVID-19 nhẹ, điều trị tại nhà sẽ được cơ quan chức năng Đồng Nai cấp phát thuốc.

“Cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân biết là Đồng Nai có thuốc điều trị COVID-19 phát cho người bệnh. Ngành Y tế cần khuyến khích người dân tự test tại nhà, nhanh chóng cho phép các nhà thuốc nhỏ, lẻ bán kit test nhanh, tạo thuận lợi cho người dân mua thiết bị về test,” ông Cao Tiến Dũng yêu cầu.

Về công tác tiêm vaccine phòng COVID-19, ông Cao Tiến Dũng cho rằng, mỗi ngày, Đồng Nai tiêm được khoảng 100.000 liều vaccine, đây là con số lớn, chứng tỏ các lực lượng đã nỗ lực, làm việc tận tâm, cần tiếp tục phát huy.

Quá trình tiêm vaccine, các đơn vị liên quan cần tuyên truyền giúp người dân nhận thức đầy đủ, tất cả các loại vaccine mà Đồng Nai đang sử dụng đã được Tổ chức Y tế Thế giới cấp phép, nhiều nước trên thế giới đều tin dùng;... các địa phương cần huy động thêm lực lượng kết hợp tầm soát F0 diện rộng và tiêm chủng vaccine phòng dịch.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Đồng Nai nhận định, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đang đi đúng hướng, số ca mắc những ngày gần đây duy trì ở mức cao là do địa phương tầm soát diện rộng trong cộng đồng.

Các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị, các địa phương kiểm soát chặt chẽ bên trong khu cách ly, ngăn chặn tình trạng lây nhiễm chéo; đẩy mạnh tuyên truyền, đề ra phương án kiểm soát chặt “vùng đỏ,” giải quyết bất cập trong quá trình cấp giấy đi đường.

Đến sáng 7/9, Đồng Nai ghi nhận gần 30.600 ca mắc COVID-19. Hiện tỉnh được phân bổ 1,8 triệu liều vaccine và đã tiêm được 1 triệu liều.

Đồng Tháp ghi nhận nhiều ca lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung

Thời gian qua, tại tỉnh Đồng Tháp, cơ chế phối hợp trong quản lý, kiểm soát địa bàn được triển khai đồng bộ hơn, kịp thời xử lý tình huống phát sinh. Nhờ đó, tỉnh đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Chốt kiểm dịch tại Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Chốt kiểm dịch tại Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Số F0 giảm sâu hơn so với giai đoạn trước, các ca F0 được điều trị khỏi bệnh tăng. Tuy nhiên, những ngày gần đây, số F1 chuyển thành F0 tăng trong các khu cách ly tập trung, chiếm tỷ lệ cao so với tổng số ca F0 ghi nhận trong ngày.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp yêu cầu quản lý chặt chẽ, đảm bảo giãn cách, hạn chế lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung, hướng tới mục tiêu giảm sâu ca mắc mới.

Cụ thể trong ngày 6/9, Đồng Tháp có 95 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 68 trường hợp ở các cơ sở cách ly y tế tập trung. Trước đó, số ca mắc ghi nhận tại các cơ sở cách ly y tế tập trung ngày 5/9 là 49/78 ca mắc mới trong ngày, ngày 4/9 là 58/120 ca, đặc biệt ngày 3/9 là 70/82 ca…

Đại tá Phạm Văn Kha, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Tiểu ban cách ly, cho biết từ ngày 1-31/8, qua thống kê, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 tại khu cách ly trong lần xét nghiệm đầu tiên chiếm gần 60%.

Điều này cho thấy các trường hợp F1 chuyển vào khu cách ly thì độ nhiễm đã cao và giảm dần trong các lần xét nghiệm định kỳ tiếp theo.

Trong một tuần gần đây, số F1 chuyển thành F0 trong xét nghiệm lần thứ nhất là 56%, lần 2 là 19%, lần 3 là hơn 8%, nhưng tỷ lệ tăng đột biến trong lần xét nghiệm lần thứ 4 vào ngày 4/9 là 14,5%.

Đại tá Phạm Văn Kha cho biết, bên cạnh việc F1 tiếp xúc F0 có yếu tố nhiễm bệnh, tự phát bệnh sau thời gian ủ bệnh là do dịch tễ nhưng để F1 bị lây nhiễm chéo là do lỗi chủ quan.

Việc bố trí quá dày đặc, bố trí người không hợp lý cũng là nguyên nhân dẫn đến lây chéo, mặc dù các giường tại phòng cách ly đảm bảo cách nhau 2 mét. Chẳng hạn, một khu cách ly tại khu ký túc xá có trường hợp bố trí 30 người trong 5 phòng (phòng 8 giường - kết cấu giường tầng và bố trí 7 người), trong đó 25 người đã trở thành F0.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đánh giá, mặc dù tổng số ca F0 của tỉnh có giảm, nhất ca mắc trong cộng đồng giảm rất sâu nhưng mấy ngày gần đây, số F1 chuyển thành F0 tăng trong các khu cách ly tập trung, chiếm tỷ lệ cao so với tổng số ca F0 trong ngày.

Ông Lê Quốc Phong cho rằng đã có những biểu hiện lơ là, chủ quan trong quản lý tại khu cách ly. Lãnh đạo tỉnh đề nghị, Tiểu ban cách ly và địa phương chấn chỉnh, rà soát, kiểm tra để nắm thật chắc số lượng người phân bố tại các phòng; đồng thời quản lý chặt chẽ, thực hiện nghiêm việc giãn cách, cần giảm số lượng F1 ở cùng một phòng, giảm tối đa việc tiếp xúc để giảm nguy cơ lây chéo, hướng tới mục tiêu giảm sâu ca mắc mới.

Ông Lê Quốc Phong nhấn mạnh, Đồng Tháp hiện không có áp lực về khu cách ly, số trường hợp F1 giảm nhiều so với trước đây. Do vậy tại các khu cách ly phải đảm bảo khoảng cách, giãn rộng, hạn chế nguy cơ lây chéo.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề nghị, chỉ bố trí 50% số F1 theo công suất giường (chẳng hạn phòng 4 giường chỉ được bố trí 2 người, phòng 5 giường bố trí 2 người, phòng 6 giường được 3 người…).

Nội dung này cần được đưa vào quy định hướng dẫn thực hiện. Nếu sau khi bố trí theo nguyên tắc trên, số lượng F1 vượt quá khả năng các khu cách ly, địa phương báo để điều tiết hợp lý.

Về việc xét nghiệm cho F1 của F0 phát sinh trong cộng đồng, Tiểu ban xét nghiệm phải tính toán triển khai thực hiện song song 2 phương pháp test nhanh và RT-PCR để có kết quả sớm, xử lý nhanh, tránh trường hợp F1 có yếu tố nghi nhiễm có đủ thời gian lây nhiễm cho người khác, nhất là sau khi được đưa vào khu cách ly. Song song đó, các khu cách ly cần quan tâm công tác đảm bảo vệ sinh chống nhiễm khuẩn..., ông Lê Quốc Phong yêu cầu.

Toàn tỉnh Đồng Tháp có 45 khu cách ly, với công suất tối đa 5.119 người; 1.657 người đang thực hiện cách ly tập trung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/dong-nai-phan-nho-vung-do-dong-thap-han-che-lay-nhiem-cheo/739148.vnp