Đồng Nai: 'Rừng' cây hàng chục năm tuổi bị đốn hạ hàng loạt
Khảo sát thực tế, nhóm phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận hàng trăm loại cây rừng hàng chục năm tuổi bị người dân đốn hạ tại nhiều khu vực đất thuộc ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Tan nát cả rừng cây
Một buổi sáng cuối tháng 5/2021, bầu trời đổ liên tiếp những cơn mưa lớn và kéo dài đến chiều. Chúng tôi đi sâu vào vùng rừng phòng hộ thuộc ấp Dốc Mơ 3, xã Gia Tân 1, bắt gặp cảnh hàng loạt cây rừng phòng hộ bị đốn hạ. Tay chúng tôi không khỏi run lên khi ghi lại những hình ảnh này.
Những cây rừng vừa bị đốn hạ chỉ trong vòng vài tháng vừa qua còn trơ gốc đang “ứa máu”, thời điểm mùa khô. Hiện trạng cây rừng đã dọn gần xong, phần thân to của những cây sao đã bị cắt mang đi, chỉ còn lại những cành lá và một số gỗ thuộc phần ngọn của cây sao còn nằm trên đất. Vết tro tàn đen do đốt cháy rụi cây cành lá vẫn còn mới, loang lổ trên mặt đất. Có những vết cưa trên gốc cây còn tươi mới.
Những gốc cây nằm trơ trụi giữa một khoảnh đất rộng gần nửa mẫu trước đây là rừng cây cao tầm 40-50m. Chúng tôi dùng tay đo thân cây có đường kính trung bình từ 3-4 gang tay (từ 60 đến 80 cm). Giáp ranh với khoảng rừng bị tàn phá là cánh rừng phòng hộ dày đặc cây sao cao vút.
Ngoài ra, gần với khu đất đã bị hạ sạch cây rừng này, chúng tôi còn ghi nhận ở một số khu vực đất khác cũng có dấu hiệu hàng loạt cây rừng vừa bị đốn trong vòng vài tháng trở lại đây. Có những khu vực cây rừng bị hạ đã lâu (một vài năm trước) giờ chỉ còn lại gốc cây đã cũ và chưa kịp mục. Nhiều khu đất đang đào bới bật cả gốc cây rừng lên để làm đường đi trên đất. Chứng tỏ việc đốn hạ rừng tại khu vực này đã diễn ra trong thời gian dài, trên nhiều khu vực diện tích rộng lớn được cho là rừng phòng hộ.
Ở một không gian khác, phóng viên còn ghi hình ảnh gỗ cây sao được đốn hạ cưa ra thành từng đoạn dài từ 3-5 mét, được tập kết về khu dân cư để phục vụ buôn bán, sử dụng. Sau khi phóng viên tìm hiểu sự việc thì những khu tập kết gỗ cây sao này đã được dọn sạch nhanh chóng. Tuy nhiên, trước đó, hình ảnh các khu tập kết gỗ sao này đã được phóng viên ghi hình lại.
Riêng tại thửa đất số 77 tờ bản đồ số 9 thuộc ấp Giấc Mơ 3, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, có diện tích 3.3.97m2 (theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thống Nhất) với hiện trạng 22 cây sao đã bị đốn hạ còn trơ gốc (phóng viên kịp ghi hình ảnh và clip).
Không thuộc rừng phòng hộ thì là rừng gì?
Sau khi phát hiện có PV đang tìm hiểu về việc chặt cây này, rất nhanh chóng, ngày 26/5/2021, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thống Nhất đã có báo cáo nhanh về UBND huyện Thống Nhất. Theo đó, vị trí thửa đất số 77 tờ bản đồ số 9 (thuộc ấp Giấc Mơ 3, xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) có diện tích 3.3.97m2 được cơ quan này nói rõ: “Theo kết quả kiểm kê rừng năm 2016 và quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) thì vị trí này không thuộc rừng phòng hộ.
Phòng NN&PTNT cũng báo cáo lên UBND huyện Thống Nhất là tại vị trí đất rừng này đã được đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sữ dụng đất cho ông Phan Ngọc Tân số 522181 cấp ngày 15/11/2004 với diện tích 3.3.97m2, sử dụng trồng cây lâu năm. Hiện nay đã khai thác trên đất còn gốc của 22 cây sao và một số đoạn gỗ cây sao đã cưa đốn chưa vận chuyển đi nơi khác.
Cuối cùng, Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất kết luận: “Thừa đất 77 tờ số 9 thuộc xã Gia Tân 1 không thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân có quyền trồng và khai thác các sản phẩm trồng trên đất (cây sao, tràm). Qua kiểm tra và thu thập các yếu tố liên quan nhận thấy việc trình báo tệ nạn chặt phá cây rừng phòng hộ là chưa đúng sự thật”.
Tuy nhiên, chúng tôi truy cập vào Bản đồ quy hoạch tỉnh Đồng Nai (Dnai.lis), thì thể hiện rõ vị trí thửa đất số 77 tờ bản đồ số 9 (xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất) thuộc quy hoạch sử dụng đất là “Đất rừng phòng hộ 2989,4m2 đất giao thông 407,6m2 (Quyết định công bố quy hoạch số 4302/QĐ-UBND ngày 28/11/2017).
Ngày 26/5/2021, trao đổi với phóng viên về bản báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất, một cán bộ Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Tôi không hài lòng với kết quả báo cáo này (của Phòng NN&PTNT huyện Thống Nhất). Theo như anh em ở Phòng chi cục quản lý rừng báo cáo về tôi, từ năm 2011 khu vực này không còn trong quy hoạch 3 loại rừng nữa rồi. Như vậy, nếu không còn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ thì nó phải nằm trong diện rừng phòng hộ lòng hồ Trị An. Vì không dễ gì có khu rừng tự nhiên mà nằm giữa rừng như vậy được. Tôi đang cho Chi cục kiểm lâm rà soát lại…”.
Ở một diễn biến lập luận khác, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho rằng, nếu bỏ ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng thì khu vực đất này phải thực hiện các quy trình quy định như sau:
Thứ nhất, địa phương (xã Gia Tân 1) phải xây dựng một phương án sử dụng đất, chuyển từ đất lâm nghiệp sang đất khác như thế nào? Tùy góc độ người phê duyệt, cấp huyện phê duyệt rồi đến cấp tỉnh phê duyệt phương án đó.
Thứ hai, phải thông qua hội đồng phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để làm cái gì?
Thứ ba, phải trồng rừng thay thế.
“Sau khi thực hiện các bước trên mới được tác động và đất đó, chứ không có nghĩa bỏ ra ngoài quy hoạch mà địa phương muốn làm gì thì làm. Quy hoạch chỉ là quy hoạch, đất quy hoạch thì phải làm theo trình tự các bước theo quy định của luật pháp”, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai nói.
Từ những dấu hiệu hiện trạng nhiều loại cây bị đốn hạ nói trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai vào cuộc để làm rõ sự việc.